Trò chuyện với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy về những thăng trầm trong hành trình mạo hiểm bước chân vào một lĩnh vực rất mới, nhiều tiềm năng cơ hội nhưng cũng không ít rủi ro, Nguyễn Thế Vinh mong muốn một hành lang pháp lý trong lĩnh vực này để các doanh nghiệp có thể đóng góp giá trị cho đất nước, thúc đẩy công nghệ Blockchain Việt Nam phát triển.
Đang làm việc cho một tập đoàn công nghệ lớn với mức lương cao, vì sao ông lại rẽ sang làm khởi nghiệp Blockchain, tiền kỹ thuật số? Mạo hiểm, tiên phong đi vào một lĩnh vực mới, một thị trường còn sơ khai, có lẽ ông sẽ phải đối mặt với không ít thách thức, rào cản?
Từ khi còn ở ghế giảng đường, tôi đã mò mẫm làm khởi nghiệp với startups về phần mềm. Mặc dù doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động kinh doanh nhưng không thể tăng trưởng đột phá, không có lợi thế cạnh tranh khác biệt do sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình ở lĩnh vực này chưa đủ chín.
Vì vậy, tôi quyết định đầu quân cho một tập đoàn công nghệ lớn với mục tiêu lớn nhất là học hỏi kinh nghiệm quản lý, vận hành một doanh nghiệp.
Hơn 2 năm làm kỹ sư phần mềm, có vị trí ổn định với mức lương cao, đầu năm 2017, tôi xin nghỉ việc để lập startups riêng với ý tưởng ấp ủ về một hệ sinh thái Wedding (lễ cưới). Tuy nhiên, thời điểm đó tôi khá đơn thương độc mã vì khi đặt vấn đề với bạn bè cùng làm, họ không đủ mạo hiểm bước ra khỏi vùng an toàn để khởi nghiệp.
Ý tưởng không thành, tôi tìm kiếm một số lĩnh vực mới để thử sức. Vốn đam mê đầu tư tài chính, tôi tìm hiểu về Crypto (tiền mã hóa; tiền kỹ thuật số) với hy vọng sẽ học hỏi thêm kinh nghiệm hoặc có thêm nguồn tài chính để khởi dựng startups mình mong muốn.
Quyết định này đã dẫn tôi sang một ngã rẽ mới khi gia nhập Coin98 cùng anh Lê Thanh, đồng sáng lập, tái cấu trúc doanh nghiệp, phát triển mảng cộng đồng, đầu tư chuyên nghiệp hơn và chuyển hướng thành một startups Fintech xây dựng sản phẩm.
Coin98 Finance là một hệ sinh thái DeFi (tài chính phi tập trung) với tất cả đội ngũ sáng lập và các thành viên cốt cán đều là người Việt.
Tất nhiên, thời điểm đó, việc lao vào lĩnh vực Crypto còn mới và rất nhạy cảm này ở Việt Nam là một sự mạo hiểm, bởi các dự án đều bị nhìn với con mắt ái ngại, e dè và bị coi là lừa đảo. Đây là khó khăn lớn nhất với tôi và cộng sự trong những ngày đầu lập startups Crypto.
Nhìn lại sau gần 3 năm mạo hiểm, đến nay ông nhận thấy dấu ấn lớn nhất đã đạt được là gì?
Hai năm Covid-19, Coin98 gặp rất nhiều thách thức khi thị trường ảm đạm, đầu tư gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tôi và các đồng sáng lập đều chung một định hướng sẽ xây dựng và phát triển doanh nghiệp dài hạn. Trong giai đoạn đầu, chúng tôi cố gắng huy động nguồn lực cá nhân để hiện thực hóa ý tưởng, xây dựng doanh nghiệp, hạn chế chia sẻ cổ phần.
Hiện nguồn lực tài chính doanh nghiệp đã tương đối vững chắc để có thể phát triển theo định hướng dài hơi. Coin98 đã qua 3 lần gọi vốn, trong đó ở vòng đầu tiên, startups được quỹ đầu tư Mỹ định giá 4 triệu USD trả bằng token vesting, và 16,5 triệu USD cho 2 vòng sau.
Trong quá trình xây dựng phát triển startups, niềm tin dành cho công nghệ và thị trường lĩnh vực này ngày càng lớn. Đến nay, doanh nghiệp đã đạt được một số mốc quan trọng về vốn hóa, đưa sản phẩm công nghệ lên tất cả các sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới như Binance, Coinbase… Có thời điểm giá trị vốn hóa thị trường của Coin98 (C98) trên sàn Binance cán mốc hơn 1,6 tỷ USD.
Nhiều sản phẩm của Coin98 ra thị trường đã được cộng đồng trong nước cũng như thế giới đón nhận. Đây là những động lực để đội ngũ sáng lập startups tiếp tục xây dựng phát triển doanh nghiệp trong một hành trình dài.
Vậy kế hoạch và mục tiêu sắp tới ông và các đồng sáng lập đặt ra với Coin98 Finance là gì?
Những sản phẩm hiện nay chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong một bức tranh lớn mà Coin98 muốn vẽ. Chúng tôi cần thời gian và phải cố gắng nhiều hơn để tiếp tục cho một hành trình dài, xa hơn nữa trong tương lai.
Vừa qua, chúng tôi đã thiết lập một pháp nhân mới ở Việt Nam và ký toàn bộ hợp đồng nhân sự với pháp nhân mới. Mục tiêu của Coin98 sẽ “bước toàn bộ ra ánh sáng” để hoạt động như các startups Fintech truyền thống.
Từ trước tới nay, hầu hết các startups về Crypto đều thành lập ở nước ngoài vì hành lang pháp lý cho lĩnh vực này ở Việt Nam chưa rõ ràng. Tuy nhiên, Coin98 mong muốn đóng góp giá trị, mang lại nguồn thu cho đất nước và khẳng định vị thế, danh xưng của một doanh nghiệp thuần Việt bước ra thế giới, mặc dù các sản phẩm của chúng tôi ngay từ đầu đã phát triển, đóng góp ở phạm vi quốc tế.
Gần đây, lĩnh vực Blockchain, Web3, Crypto... đã thu hút sự quan tâm rất lớn của giới đầu tư, cũng như các bạn trẻ hoài bão khởi nghiệp. Ông đánh giá thế nào về tiềm năng thị trường này?
Trong các lĩnh vực công nghệ khác, Việt Nam có thể đi chậm hơn nhưng riêng với Blockchain, chúng ta đang đi ngang hàng với thế giới. Các giải pháp công nghệ Blockchain của Việt Nam không thua kém các nước.
Blockchain là một ngành công nghệ còn rất mới, nhiều tiềm năng và đang phát triển mạnh mẽ, nhưng cũng không ít thách thức với mức độ rủi ro rất cao. Do đó, những người lao vào lĩnh vực này một cách nghiêm túc sẽ phải rất “liều và lỳ”, phải chấp nhận rủi ro, có thể sẽ thất bại và phải làm đi làm lại.
Thời gian qua, thị trường tiền kỹ thuật số có nhiều biến động. Là người trong cuộc, ông nhận xét thế nào về diễn biến thị trường này? Ông dự báo gì cho năm 2023 cũng như lời khuyên với các nhà đầu tư?
Tôi cho rằng trước khi tham gia, nhà đầu tư phải có niềm tin vào thị trường, vào dự án và đội ngũ phát triển thì mới có sự đầu tư nghiêm túc. Nếu không tin tưởng vào thị trường trong tương lai dài hạn có thể phát triển thì không thể dồn sức đầu tư phát triển một dự án.
Về lời khuyên, trước hết, tôi chia sẻ trên sự hiểu biết và kinh nghiệm khi tham gia nghiên cứu thị trường chứ không phải tư vấn đầu tư tài chính.
Theo tôi, năm 2023 vẫn là một năm ảm đạm với thị trường đầu tư tiền kỹ thuật số. Những nhà đầu tư ngắn hạn nên xác định mức độ rủi ro, không nên liều lĩnh.
Còn với nhà đầu tư dài hạn, trong năm 2023 và 2024 nên cân nhắc xem xét, quan sát tìm hiểu các dự án tiềm năng để chọn thời điểm vào thích hợp.
Hoạt động ở một lĩnh vực còn rất mới, hành lang pháp lý chưa rõ ràng, ông có kiến nghị gì để Việt Nam có thể khai thác được cơ hội mới từ công nghệ và phát triển lĩnh vực này bền vững?
Khi Việt Nam chưa có hành lang pháp lý rõ ràng trong lĩnh vực này, không cấm đã là một sự hậu thuẫn lớn cho các dự án phát triển. Ngoài ra, lĩnh vực đầu tư mạo hiểm sẽ tiềm năng và cơ hội lớn khi mọi thứ còn mạo hiểm và chưa rõ ràng.
Tất nhiên, điều này cũng là một hạn chế, tạo tâm lý e dè cho các doanh nghiệp khởi nghiệp muốn lập pháp nhân ở trong nước.
Coin98 đã lập pháp nhân ở Việt Nam và sẽ hoạt động như những startups Fintech truyền thống khác, tuân thủ quy định pháp luật và đóng thuế ở Việt Nam.
Riêng với những vấn đề chưa có hành lang pháp lý quy định như Tocken, Coin98 vẫn phải đăng ký ở một công ty liên quan đến nước ngoài. Do đó, chúng tôi mong muốn Việt Nam sẽ có một hành lang pháp lý đầy đủ và rõ ràng cho vấn đề này.