Sự trỗi dậy của các nhãn hiệu Trung Quốc
Khi lên kế hoạch mua một chiếc xe hơi, Andreas Tatt - quản lý một công ty in thiệp tại Canterbury, Anh - đã định sẵn trong đầu sẽ mua một chiếc xe điện. Nhưng sau khi xem xét kỹ Model 3 của Tesla và Taycan của Porsche, ông lại đi đến một lựa chọn bất ngờ: chiếc Polestar 2 chạy điện, màu vàng, được sản xuất bởi Volvo và công ty mẹ của nó ở Trung Quốc - Zhejiang Geely Holding Group Co.
“Nó thu hút được nhiều sự chú ý, một phần vì màu sắc, một phần vì người ta ít biết về nó. Tôi có quan ngại về chất lượng xe, nhưng sau quá trình lái thử, mọi nghi ngờ về chất lượng đã được giải tỏa", Tatt nói. Ông cho biết sẽ phải đợi 4 tháng mới nhận được chiếc xe được vận chuyển từ Lộ Kiều, Trung Quốc.
Trong khi các nhãn hiệu xe hơi của Trung Quốc ngày càng lôi kéo được thêm nhiều khách hàng nước ngoài như Tatt, quốc gia này đang trên đường trở thành nhà xuất khẩu xe hơi đứng thứ 2 thế giới, một cột mốc có thể làm thay đổi diện mạo ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu và gây ra tình trạng căng thẳng với các đối tác, đối thủ thương mại, theo Bloomberg.
Số lượng xe hơi “Made in China” xuất khẩu ra nước ngoài đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 2020, đạt hơn 2,5 triệu chiếc trong năm ngoái, theo dữ liệu của Hiệp hội Ô tô Trung Quốc. Con số này chỉ kém hơn đôi chút (khoảng 60.000 chiếc) so với Đức, nước có lượng xe hơi xuất khẩu giảm trong những năm gần đây. Con số xuất khẩu của Trung Quốc – xếp sau Nhật Bản nhưng đứng trên Mỹ và Hàn Quốc – cho thấy sự trỗi dậy của một đối thủ sừng sỏ trước những “gã khổng lồ” lâu năm trong ngành.
Các nhãn hiệu xe hơi Trung Quốc đang thống trị thị trường ở Trung Đông và Mỹ Latin. Ở châu Âu, xe hơi Trung Quốc được bán ra chủ yếu là các mẫu xe điện đến từ Tesla Inc. và các nhãn hiệu châu Âu mà nay Trung Quốc sở hữu như Volvo và MG, và các nhãn hiệu châu Âu như Dacia Spring hay BMW iX3.
Các nhãn hiệu trong nước khác như BYD Co. và Nio Inc. cũng đang trỗi dậy, với tham vọng thống trị thị trường xe điện thế giới. Được hậu thuẫn bởi công ty Berkshire Hathaway Inc. của tỉ phú Warren Buffet, BYD vốn đã lôi kéo được những tín đồ của xe điện (EV) ở các nước phát triển như Australia.
Nhưng tất cả mới chỉ là khởi đầu, theo Xu Haidong, phó kỹ sư trưởng tại Hiệp hội Các hãng sản xuất Xe hơi Trung Quốc, nhận định. Mục tiêu của Trung Quốc là bán 8 triệu xe hơi ra nước ngoài vào năm 2030 – tức gấp đôi số lượng hiện tại của Nhật Bản.
Trung Quốc giờ đã vượt xa khỏi cái mác “công xưởng thế giới” chuyên sản xuất thiết bị điện dân dụng giá rẻ và đồ chơi Giáng sinh. Bằng cách chuyển dịch sang các sản phẩm tinh vi và phức tạp hơn để nhắm tới những thị trường cạnh tranh hơn, được quản lý tốt hơn, các công ty Trung Quốc đang làm tăng chuỗi giá trị trong sản xuất – nhân tố chính giúp thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Chỉ số Phức tạp Kinh tế (ECI) của Growth Lab thuộc ĐH Harvard, chuyên phân tích các sản phẩm xuất khẩu của một quốc gia, xếp Trung Quốc ở thứ hạng 17 trên thế giới, tăng từ thứ 24 cách đây một thập kỷ.
“Chúng tôi buộc phải đặt họ vào radar theo dõi. Áp lực cạnh tranh đang tăng lên”, Giám đốc điều hành của Mercedes-Benz Group AG, Ola Kallenius, nói tại Triển lãm Motor Paris tổ chức trong tháng 10 năm ngoái.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc trong xuất khẩu xe hơi dường như không được Mỹ chú ý tới, chủ yếu là bởi nó xảy ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19, và một phần là do các hãng xe hơi Trung Quốc chủ yếu tập trung vào thị trường châu Âu, châu Á và Mỹ Latin.
General Motors đã bán được khoảng 40.000 chiếc Buick Envision do Trung Quốc sản xuất tại Mỹ trong năm 2021, nhưng căng thẳng chính trị, hàng rào thuế quan cùng các gói trợ giá nhằm thúc đẩy ngành xe điện trong nước đã làm biến mất thị phần đó.
Tìm đường vào thị trường châu Âu vốn là mục tiêu lâu năm của các công ty Trung Quốc. Họ đã bắt đầu tung ra các mẫu xe tại các triển lãm xe hơi châu Âu từ đầu những năm 2000. Tuy nhiên, hàng loạt vụ thử nghiệm độ an toàn thất bại trong khoảng năm 2007 đã dập tắt hy vọng của họ. “Nói thẳng ra, tôi từng nghĩ mọi chuyện đã kết thúc ở đó,” Jochen Siebert, đến từ hãng tư vấn xe hơi JSC Automotive của Singapore, nói.
Nhưng nhờ vào bước tiến trong tự động hóa và các tiêu chuẩn kèm theo – Goldman Sachs nói rằng nhiều nhà máy xe hơi mới ở Trung Quốc giờ có cấp độ sử dụng robot cao nhất trên thế giới – những mối quan ngại trên giờ đi vào dĩ vãng. Chất lượng được cải thiện trong suốt thập kỷ qua, những chiếc xe hơi Trung Quốc đã bắt đầu vượt qua thử nghiệm an toàn của châu Âu.
Các biện pháp kiểm soát khí thải nghiêm ngặt của Trung Quốc cũng giúp cho phần lớn các mẫu xe sản xuất trong nước họ đáp ứng được tiêu chuẩn khí thải của châu Âu.
“Để cạnh tranh với các hãng Trung Quốc, chúng tôi cần phải có những cấu trúc giá tương đương,” Giám đốc điều hành của hãng Stellantis NV, Carlos Tavares, phát biểu vào ngày 19/12. “Châu Âu sẽ phải lựa chọn đóng cửa biên giới ít nhất là một phần đối với các đối thủ đến từ Trung Quốc. Nếu châu Âu không muốn đặt mình vào vị trí đó, chúng ta cần phải nỗ lực hơn để làm tăng tính cạnh tranh".
Trong năm 2021, xuất khẩu xe hơi của Trung Quốc sang các nước EU đã tăng đột biến 156%, lên 435.000 chiếc, theo Eurostat. Tuy nhiên, mức tăng đột biến này có nguy cơ khuấy động căng thẳng chính trị trong khối EU, theo Agatha Kratz, giám đốc công ty Rhodium Group. “Một phần là do các công ty Trung Quốc thực sự tốt lên, nhưng phần còn lại là do sản xuất dư thừa ở Trung Quốc,” bà nói. “Điều này có thể gây ra phản ứng thực sự mạnh mẽ của châu Âu, xét về bảo hộ thương mại.”
Nhưng mẫu Polestar giá đắt mà ông Tatt mua lại là một ngoại lệ: Trung Quốc dự định xuất khẩu những mẫu xe hơi có giá tương đối rẻ. Mức giá trung bình 13.700 USD của xe hơi Trung Quốc xuất khẩu chỉ bằng 1/3 giá xe hơi xuất khẩu của Đức trong năm 2021, và chỉ bằng 70% xe hơi Nhật Bản, theo dữ liệu của UN Comtrade. Điều đó có nghĩa rằng xe hơi Trung Quốc rất có khả năng gây ra mối đe dọa đối với các dòng xe giá rẻ hơn của Nhật Bản và Hàn Quốc, thay vì Đức.
Chính quyền Bắc Kinh không quá quan ngại, ít nhất là ở hiện tại. “Điều này chứng minh rằng sức mạnh của ngành công nghiệp xe hơi của một nước cuối cùng sẽ được thử thách bởi thị trường quốc tế,” Gao Yang, quan chức đầu tư nước ngoài tại Bộ Thương mại Trung Quốc, nói. Bà thêm rằng chính phủ sẽ khuyến khích các hãng xe hơi Trung Quốc mua lại các công ty nước ngoài.
Chứng minh được rằng họ là một trung tâm sản xuất đáng tin cậy cho các đối tác công nghiệp lớn, Trung Quốc giờ đang là nguồn động lực cho mặt trận mới: Xe điện. Các hãng sản xuất Trung Quốc đã nhận ra rằng việc tiếp thu công nghệ nền tảng xe điện dễ dàng hơn so với động cơ đốt trong phức tạp.
Dựa vào làn sóng cắt giảm khí thải carbon trên toàn cầu, Bắc Kinh đã khuyến khích các hãng sản xuất EV và khách hàng nhờ vào chương trình trợ giá, trong khi chuỗi cung ứng dồi dào của họ cũng khiến việc sản xuất EV rẻ hơn so với bất cứ nơi nào khác. Nhà máy của Tesla ở Thượng Hải đã sản xuất được 711.000 chiếc trong năm ngoái, chiếm 52% sản lượng toàn cầu của công ty này. Các biện pháp của Trung Quốc cũng tạo điều kiện cho sự xuất hiện của hàng chục hãng mới như Aiways. Nhiều hãng có ít tiềm năng, nhưng các hãng lớn như BYD, Nio và XPeng thực sự có tiềm năng tỏa sáng trên trường quốc tế.
BYD, hiện đang tự sản xuất pin và chip cho xe điện, là hãng sản xuất EV lớn nhất Trung Quốc. Họ có tham vọng trở thành “Toyota trong lĩnh vực EV” của thế giới, và đang đặt cược rằng pin và chip xe điện sẽ giúp họ vươn ra toàn cầu.
Đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Tesla rất có khả năng là một công ty Trung Quốc, Elon Musk từng thừa nhận với các các chuyên gia phân tích.
Khi được hỏi về các công ty xe hơi Trung Quốc, Musk nói rằng họ “đã làm việc chăm chỉ nhất, và họ làm việc một cách thông minh nhất,” mô tả họ như những đối thủ có sức cạnh tranh lớn nhất thế giới. “Nếu để dự đoán, tôi cho rằng một số công ty của Trung Quốc có thể đứng thứ 2 chỉ sau Tesla,” Musk nhận định.
“Chúng tôi không che giấu thực tế rằng, người châu Âu và Trung Quốc đang dần nhận thức rằng các sản phẩm đến từ Trung Quốc có chất lượng cao,” Alan Visser, nhân sự cấp cao của Lynk & Co., nhãn hiệu EV mà Geely sở hữu, cho hay. Geely cho hay tổng lượng phương tiện mà họ xuất khẩu đạt 190.000 chiếc trong năm 2022 và mục tiêu trong năm 2025 là 600.000 chiếc.
Từ chỗ chỉ bán được vài nghìn chiếc xe vào khoảng giữa thập kỷ 80, các hãng xe của Trung Quốc giờ đã đi được một chặng đường dài. Mãi đến năm 2018, Tesla mới được được phép toàn quyền sở hữu một nhà máy ở Trung Quốc, các hãng nước ngoài phải thiết lập quan hệ đối tác với các công ty trong nước để sản xuất xe hơi. Mặc dù các công ty nước ngoài ra sức bảo vệ công nghệ tối tân nhất của họ, nhưng các tay chơi trong nước vẫn học được không ít từ đối tác của họ thông qua việc mua lại các nhãn hiệu như Volvo và Lotus. Đà tăng trưởng nhanh của nhu cầu trong nước khiến Trung Quốc trở thành thị trường xe hơi lớn nhất thế giới vào năm 2009.
Năm 2018, doanh số bán trong nước giảm lần đầu tiên trong 3 thập kỷ, ngay trong khi xe sản xuất tại Trung Quốc đang trở nên cạnh tranh hơn trên các thị trường quốc tế.
“Các hãng sản xuất xe hơi Trung Quốc chứng kiến điều đó và nói rằng, giai đoạn mở rộng nhanh này sẽ đến hồi kết, bởi vậy mà họ nhắm tới các thị trường nước ngoài,” Stephen Dyer, giám đốc điều hành của công ty tư vấn AlixPartners ở Thượng Hải, nói.
Đà tăng trưởng của chuỗi cung ứng ở Trung Quốc cũng bắt nhịp với lĩnh vực sản xuất xe hơi. Các công ty trong nước giờ chế tạo được gần như tất cả linh kiện, bao gồm cả những linh kiện mà trước đây họ phải nhập khẩu, như thép độ bền cao và kính cường lực.
Hệ quả là, Trung Quốc tạo được thặng dư thương mại trong lĩnh vực sản xuất xe và linh kiện xe lần đầu tiên trong năm 2021. Nhưng các dây chuyền lắp ráp của họ vẫn phải dựa vào những máy móc hiện đại nhập khẩu từ Nhật Bản và Đức.