Mồng 7 tháng giêng hằng năm, người dân phường Quảng Long (TX. Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) tổ chức Lễ hội Khai Hạ. Đây là lễ hội có truyền thống từ thời Trịnh - Nguyễn phân tranh và nổi tiếng khắp hai bờ Bắc, Nam sông Gianh nên bà con thường truyền nhau rằng: "Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày mồng 7 về coi cướp cù".
Clip: Hàng chục trai tráng lao vào tranh nhau quả cầu trong Lễ hội Khai Hạ ở Quảng Bình
Ghi nhận của PV Dân Việt, sau nghi lễ khai hội, trọng tài cầm quả cù bước ra sân cù phát lệnh tung cù thì trận đấu được bắt đầu trong sự cổ vũ nhiệt tình của hàng nghìn người dân cùng tiếng chiêng, tiếng trống vang dội.
Sân cù được hình thành với chiều dài khoảng 200m và chiều rộng khoảng 150m. Hai phía cuối sân, dựng hai cây tre cao khoảng 7 mét, có lá cờ tổ quốc cùng cái rọ tre nhỏ làm mục tiêu ném cù.
Đấu thủ hai bên dùng sự nhanh nhẹn, khéo léo để tranh nhau ném quả cù vào rọ trước sự cản phá của đối phương. Dù mất rất nhiều sức, các thành viên của hai đội vẫn chơi say theo đường cù.
Anh Trần Mạnh Phương (ở phường Quảng Long, TX. Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình), cho hay: "Tôi rất tự hào với lễ hội cướp cù truyền thống của địa phương. Là trai tráng trong làng nên tôi tham gia cướp cù để cầu may và tạo không khí vui vẻ đầu xuân cùng mọi người".
Điểm độc đáo của lễ hội này là số lượng người hai đội không hạn chế, không quy định già, trẻ, gái, trai. Đội nào huy động được nhiều người cướp được cù và ném cù vào rọ của đối phương nhiều hơn sẽ giành chiến thắng. Đội giành chiến thắng được ghi vào lịch sử hội cù làng Tượng Sơn (phường Quảng Long, TX. Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình).
Ông Ngô Văn Kiệm (du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh), cho biết: "Dù xa quê nhưng đến ngày khai hạ đầu xuân, tôi và gia đình đều sắp xếp công việc để về dự Lễ hội Khai Hạ để cầu cho năm mới được no ấm, hạnh phúc".
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Ngô Văn Sáu - Chủ tịch UBND phường Quảng Long (TX. Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình), chia sẻ: "Lễ hội Khai Hạ của người dân phường Quảng Long có từ lâu đời. Đầu xuân năm mới, người dân đều háo hức tham gia, đặc biệt, năm nay có rất đông người đến xem, cổ vũ. Thông qua lễ hội này, mong một năm mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa đến với tất cả bà con".