Dân Việt

Kéo dài thời gian làm việc cho cán bộ, công chức: Ai được nghỉ hưu muộn hơn so với tuổi 60?

Thùy Anh 29/01/2023 15:37 GMT+7
Nghị định 50/2022 của Chính phủ có quy định tuổi nghỉ hưu đối với viên chức, công chức trong đơn vị sự nghiệp. Theo đó, những công chức có trình độ kỹ thuật cao có thể làm việc thêm 5 năm so với quy định.

Tăng thêm 5 năm công tác cho cán bộ, công chức có trình độ kỹ thuật cao

Đây là một trong những nội dung mới được quy định tại Nghị định 50 của Chính phủ. Nghị định số 50/2022/NĐ-CP gồm 3 Chương 8 Điều quy định việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao trong đơn vị sự nghiệp công lập và viên chức làm việc trong một số lĩnh vực sự nghiệp đặc thù.

Theo đó, những viên chức có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao một số ngành đặc thù được phép nghỉ hưu ở tuổi cao hơn quy định pháp luật. So với thông thường, trường hợp này, thời gian làm việc dài thêm 5 năm.

Theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, năm 2023, tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 60 tuổi 9 tháng, lao động nữ là tròn 56 tuổi.

Tuy nhiên, những công chức, viên chức có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao trong đơn vị sự nghiệp công lập thì được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn quy định.

Những viên chức có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao trong đơn vị sự nghiệp công lập được phép nghỉ hưu cao hơn tuổi hưu quy định.

kéo dài thời gian công tác của công chức viên chức

Kéo dài thời gian công tác với công chức, viên chức có trình độ kỹ thuật cao là cách tận dụng chất xám, tận dụng nguồn nhân lực có chất lượng của quốc gia. Ảnh: N.T

Cụ thể, theo Điều 2 Nghị định số 50/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập, những viên chức được phép nghỉ hưu ở tuổi cao hơn quy định là: Viên chức có học hàm Giáo sư, Phó giáo sư; viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo là Tiến sĩ hoặc chuyên khoa II; giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần; viên chức có chuyên môn, kỹ thuật cao trong một số lĩnh vực sự nghiệp đặc thù theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Viên chức có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nếu đơn vị mà viên chức này công tác có nhu cầu. Đồng thời, viên chức phải đảm bảo có đủ sức khỏe; không đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật, bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc thi hành kỷ luật về đảng, chính quyền và có đơn đề nghị được kéo dài thời gian công tác.

Viên chức có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn quy định về tuổi nghỉ hưu nhưng không quá 5 năm (60 tháng), tính từ thời điểm viên chức đủ tuổi nghỉ hưu.

Như vậy, trong năm 2023, tuổi nghỉ hưu cao nhất của công chức, viên chức thuộc diện trên là 65 tuổi 9 tháng đối với nam. Nữ viên chức thuộc diện trên là tròn 61 tuổi.

Cán bộ công chức có thể nghỉ việc bất cứ lúc nào muốn

Nghị định 50 có nêu rõ, trong thời gian nghỉ hưu ở tuổi cao hơn quy định, viên chức chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn, không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và không được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo.

Đồng thời, nếu trong quá trình kéo dài thời gian làm việc, công chức đó không có nguyện vọng làm tiếp thì được giải quyết chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với PV Báo Dân Việt, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, thực tế đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ quy định nâng thời gian làm việc với nhóm lao động có trình độ kỹ thuật cao là công chức, viên chức.

Trước đó, Nghị định 53 và Nghị định số 141/2013/NĐ-CP cũng đã quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học; Điều 9 Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12/5/2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ cũng có quy định kéo dài thời gian làm việc với lao động có trình độ kỹ thuật cao.

tăng thời gian làm việc với công chức viên chức

Ông Lê Đình Quảng cho rằng cách tính lương hưu của nhóm được kéo dài thời gian công tác không có gì khác biệt. Ảnh:N.T

Nghị định 53 trước đây có quy định kéo dài thời gian công tác với lao động nữ có hàm thứ trưởng hoặc tương đương thứ trưởng hoặc các ủy viên ở 2 thành phố là Hà Nội và TP. HCM.

Việc tăng thời gian công tác với lao động có trình độ kỹ thuật cao được áp dụng nhiều nhất tại các cơ sở giáo dục đào tạo ĐH hoặc các viện đào tạo với lao động có học hàm giáo sư, tiến sĩ...

Chia sẻ về câu chuyện tính lương hưu với lao động được kéo dài thời gian làm việc, ông Lê Đình Quảng  cho rằng điều này không ảnh hưởng tới quá trình tính lương hưu cho lao động.

"Theo Bộ Luật lao động và Luật BHXH, với lao động làm trong khu vực nhà nước, thời gian tính lương hưu được dựa trên thời gian đóng BHXH của lao động. Theo đó, lao động có thể được tính bình quân tiền lương của 5 năm cuối (nếu tham gia BHXH từ trước năm 1995) hoặc thời gian tính tiền lương, hưởng lương hưu dài hơn (nếu tham gia BHXH sau năm 1995). Với lao động làm khu vực ngoài nhà nước (khu vực doanh nghiệp) thì thời gian tính nhận lương hưu là bình quân tiền lương của tổng số năm đóng BHXH", ông Quảng nói.

Ông Quảng cũng cho rằng, dù tiếp tục công tác với chức danh là cố vấn, chuyên gia thì tiền lương của nhóm công chức, viên chức này cũng sẽ không thấp hơn nhiều so với công việc (chức danh lãnh đạo trước đó) họ công tác. Thực tế, nếu có chỉ khác ở khoản phụ cấp chức danh lãnh đạo.

"Tiền lương của chuyên gia, cố vấn được xây dựng riêng, nhưng chắc chắn không thấp hơn với công việc trước đó", ông Quảng chia sẻ.