"Những công chức không còn yêu nghề nên đưa ra khỏi bộ máy công quyền..., không phải lo chảy máu chất xám!"

Minh Nguyệt Thứ năm, ngày 06/10/2022 06:31 AM (GMT+7)
"Với những người không còn yêu nghề nên đưa ra khỏi bộ máy công quyền để họ phát huy năng lực trong nền kinh tế thị trường. Tôi không tán thành quan điểm tăng lương là bài toán cuối để giữ chân công chức, viên chức.
Bình luận 0

Đây được xem là quan điểm rất "cứng" của ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ khi trả lời phỏng vấn của PV Báo Dân Việt xung quanh câu chuyện công chức, viên chức nghỉ việc, "chân ngoài dài hơn chân trong" và tăng lương công chức, viên chức.

"Ai không tâm huyết nên để họ rời khỏi bộ máy để phát huy năng lực trong nền kinh tế thị trường"

Ông có đánh giá gì về việc nhiều cán bộ công chức, lương thấp nhưng có thể mua được nhà, được xe?

- Tôi không đánh giá gì về việc cán bộ, công chức, viên chức lương thấp mà có thể mua được nhà, được xe. Bởi lẽ, việc mua nhà, mua xe có thể có từ nhiều nguồn tài chính hợp pháp khác của cán bộ, công chức như được hưởng quyền thừa kế, được cha mẹ, anh em giúp đỡ hoặc họ có thêm các thu nhập hợp pháp từ lao động chính đáng hoặc lợi ích hợp pháp khác.

 Bên cạnh đó, theo quy định chung, cán bộ, công chức hàng năm đều có kê khai tài sản, thu nhập và cơ quan có thẩm quyền đều có thể xác minh sự trung thực, tính hợp pháp các nguồn thu nhập đó của cán bộ, công chức.

tăng lương công chức, viên chức

Ông Trần Anh Tuấn chia sẻ quan điểm về vấn đề tăng lương công chức, viên chức. Ảnh: NVCC

Có ý kiến cho rằng, kể cả khi họ có thu nhập ngoài, không vi phạm pháp luật thì tình trạng "chân ngoài dài hơn chân trong" cũng có thể làm giảm hiệu quả công việc. Điều này không tốt với bộ máy công quyền. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Thu nhập của cán bộ, công chức phải là thu nhập hợp pháp, chính đáng. Cán bộ, công chức ngoài tiền lương của mình, có thể có thêm thu nhập khi tham gia nghiên cứu khoa học, xây dựng Đề án, làm thêm giờ, … nhưng không được vi phạm nghĩa vụ của mình quy định tại Điều 9 và quy định những việc cán bộ, công chức không được làm tại Điều 18, 19, 20 của Luật cán bộ, công chức để có thêm thu nhập.

"Nền công vụ của chúng ta là nền công vụ phục vụ nhân dân. Nếu có người giỏi về chuyên môn nghiệp vụ nhưng thiếu tâm huyết, thiếu tinh thần cống hiến, phục vụ nhân dân mà chỉ vun vén, mưu cầu lợi ích cá nhân thì cũng không nên tiếc và giữ lại trong đội ngũ “công bộc” của chúng ta làm gì".

Thường những người “chân ngoài dài hơn chân trong” đều là những người không yên tâm công tác và khó có thể tập trung làm việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ, công vụ được giao. Những người như thế rất có khả năng trong kinh tế thị trường, nên đưa họ ra khỏi bộ máy để họ phát huy tài năng của mình trên thương trường.  

Nếu để họ tiếp tục công tác trong đơn vị thì họ dễ vi phạm kỷ luật về thời gian công tác, về thực hiện nhiệm vụ. Hơn nữa, họ còn dễ vi phạm pháp luật ở chỗ là có thể dựa vào cương vị và quan hệ công tác của mình để mưu cầu lợi ích cá nhân, bổ sung thêm thu nhập. Chúng ta thấy có những người bị kỷ luật, bị khởi tố do có hoạt động cấu thành tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” vì lợi ích cá nhân.

Tăng lương công chức, viên chức, liệu có phải là bài toán cuối để giữ chân, công chức, viên chức?

- Những người là công chức, viên chức hoặc trong lực lượng vũ trang đều luôn mang trong mình tinh thần cống hiến, tinh thần phục vụ nhân dân và đất nước. Họ sẵn sàng hy sinh, tận tâm, tận tụy với công việc không phải vì để có lương cao.

Mặc dù, đi làm việc ai cũng cần nhận được tiền lương phù hợp để sinh hoạt và nuôi sống gia đình, có tích lũy khi về nghỉ. Tất nhiên Nhà nước cần có chế độ tiền lương thỏa đáng để họ yên tâm làm việc và cống hiến, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN. Cho nên, tôi không tán thành quan điểm tăng lương là bài toán cuối để giữ chân công chức, viên chức.

Tăng lương mà môi trường làm việc không tốt, người làm việc không được lãnh đạo tôn trọng; không sử dụng đúng người làm việc có năng lực; đánh giá, khen thưởng thiếu kịp thời; thiếu sự công bằng về cơ hội thăng tiến … thì sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình xây dựng đội ngũ công chức, viên chức, không thu hút người có tài năng.

Tăng lương không phải là bài toán cuối giữ lại công chức, viên chức - Ảnh 3.

Ông Tuấn cho rằng công chức, viên chức giỏi nhưng không tâm huyết thì cũng không nên giữ lại. Ảnh: N.T

 Chúng ta hãy tiếp tục đổi mới chế độ công vụ theo vị trí việc làm một cách thực chất, mạnh mẽ và liên tục hơn nữa, tạo môi trường và điều kiện làm việc tốt hơn nữa để xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có năng lực, trình độ, phẩm chất, nhất là giữ vững được tinh thần cống hiến, phục vụ nhân dân.

“Nếu công chức, viên chức giỏi mà chỉ thích mưu cầu lợi ích riêng thì không nên tiếc làm gì”

Ông từng nhận định, việc công chức, viên chức bỏ việc "anh ra, chị vào" cũng là bình thường. Nhưng có ý kiến lo ngại sẽ xảy ra "chảy máu chất xám" vì những người giỏi sẽ rời bỏ khu vực công hết?

- Có gì phải lo ngại. Nền công vụ của chúng ta là nền công vụ phục vụ nhân dân. Nếu có người giỏi về chuyên môn nghiệp vụ nhưng thiếu tâm huyết, thiếu tinh thần cống hiến, phục vụ nhân dân mà chỉ vun vén, mưu cầu lợi ích cá nhân thì cũng không nên tiếc và giữ lại trong đội ngũ “công bộc” của chúng ta làm gì. 

"Thường những người "chân ngoài dài hơn chân trong" đều là những người không yên tâm công tác và khó có thể tập trung làm việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ, công vụ được giao. Những người như thế rất có khả năng trong kinh tế thị trường, nên đưa họ ra khỏi bộ máy để họ phát huy tài năng của mình trên thương trường".

Xã hội không thiếu gì những người giỏi mà chúng ta chưa phát hiện và sử dụng được. Cho nên, khi có vấn đề thôi việc, thì người đứng đầu, người lãnh đạo, quản lý không phải chỉ tổ chức tuyển dụng, mà còn phải tìm, kiếm, mời những người giỏi và sẵn sàng cống hiến, phục vụ nhân dân về làm việc trong cơ quan, tổ chức của mình.


Ông nhận định chuyện công chức nghỉ việc sẽ là cơ hội để thanh lọc bộ máy. Nhưng có ý kiến cho rằng bộ máy hành chính của chúng ta vẫn khá cồng kềnh, cần tinh giản. Tại sao không nhân cơ hội này để thu gọn bộ máy mà vẫn tuyển dụng thêm khá nhiều?"

- Tôi không nói thanh lọc, tôi nói thế này: chuyện công chức, viên chức nghỉ việc là cơ hội để chúng ta tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế theo đúng Nghị quyết 39 của Bộ chính trị. Đưa những người yếu kém, thiếu tinh thần cống hiến, tinh thần phục vụ ra khỏi đội ngũ. Đồng thời là cơ hội để tiếp tục đổi mới thực chất, mạnh mẽ, triệt để cơ chế tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức theo vị trí việc làm.

Đồng thời đây cũng là cơ hội để tìm, kiếm, mời, tuyển dụng những người giỏi và có tinh thần phục vụ từ nguồn nhân lực xã hội, từ khu vực tư tham gia vào công vụ, vì xã hội cũng có rất nhiều người giỏi.

Mặt khác, đây cũng là cơ hội để cải cách tiền lương theo vị trí việc làm. Thực hiện đổi mới công tác tuyển chọn lãnh đạo, nhất là người đứng đầu cơ quan, tìm người có tài lãnh đạo, biết chọn đúng người, biết đoàn kết quy tụ, hào sảng, rộng lượng, không ích kỷ hẹp hòi, trù dập… để xây dựng môi trường làm việc tốt, tạo động lực làm việc cho công chức, viên chức.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem