Rừng U Minh Hạ rộng hàng chục ha nằm cách trung tâm TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau hơn 30km thuộc địa bàn một số xã của 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời. Rừng tràm U Minh Hạ được biết đến là vùng đất với vô số sản vật nước ngọt.
Đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm cùng người dân địa phương đặt lợp, cắm câu bắt các loại cá đồng và đặt trúm bắt lươn đồng.
Ông Lê Thanh Hải (44 tuổi, ngụ xã Khánh Thuận, huyện U Minh) có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề đặt trúm bắt lươn đồng cho hay, trúm lươn trước đây được làm bằng tre nhưng theo thời gian người dân đã cải tiến làm bằng ống nhựa để có thể sử dụng được lâu hơn.
Theo ông Hải, bắt lươn đồng trong rừng U Minh Hạ không khó nhưng cần có biết quyết riêng. "Mồi để dụ lươn đồng vào trúm là quan trọng nhất. Tôi dùng cá tạp nấu lên rồi cho thêm ít dầu ăn trộn cùng đất sét rồi nặn lại thành từng viên cho vào trúm. Trúm được đặt ở những nơi có nhiều cây cối nhỏ rậm rạp, vì nơi này có nhiều lươn đồng trú ẩn. Ống trúm phải nghiêng một góc và đuôi trúm nổi lên mặt nước khoảng 5-7cm thì lươn mới không bị ngạt chết"- ông Hải chia sẻ.
Theo ông Hải, trúm lươn được đặt xuống mặt nước, khi lươn nghe mùi thơm của mồi sẽ tìm đến rồi bò vào ống trúm. Nghề đặt trúm lươn là một công việc vất vả do phải di chuyển quãng đường dài trong rừng nhưng bù lại ông Hải có thêm nguồn thu nhập khá.
Thông thường, nếu một người đặt khoảng 50 ống trúm, sau một đêm sẽ bắt được khoảng 2-3kg lươn. Đầu ra của con lươn cũng dễ, thương lái đến tận nhà thu mua với giá khoảng 300.000 đồng/kg. Là nghề phụ nhưng với nguồn lợi thu được khá, nghề đặt trúm lươn ở rừng U Minh Hạ đã góp phần cải thiện đáng kể cuộc sống của cư dân địa phương.
Lươn đồng có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon. Tuy nhiên, lươn um lá nhàu là món ăn được yêu thích nhất bởi vị ngọt của thịt lươn ngọt hòa quyện với vị béo của nước cốt dừa và hương thơm của lá nhàu đã tạo nên sự hấp dẫn khó cưỡng.