Cụ thể, theo quyết định của liên Bộ Công Thương - Tài chính 19 giờ tối nay ngày 30/1, liên Bộ quyết định tăng giá các mặt hàng xăng dầu sớm hơn so với quy định nhằm hạn chế việc đại lý xăng dầu thiếu hàng, đóng cửa.
Cụ thể, giá xăng RON 95-III tăng thêm 990 đồng một lít, lên 23.140 đồng, xăng E5 RON 92 cũng tăng thêm 970 đồng, có giá mới 22.320 đồng một lít. Các mặt hàng dầu cũng tăng giá. Mỗi lít dầu diesel đắt thêm 890 đồng, lên 22.520 đồng; dầu hoả là 22.570 đồng (tăng 770 đồng) và dầu mazut là 13.930 đồng một kg, đắt thêm 570 đồng so với kỳ điều hành ngày 11/1.
Ngày 11/1 Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương đã điều chỉnh giá xăng dầu, theo đó giá bán lẻ xăng E5 RON 92 và xăng RON 95 được giữ nguyên ở mức 21.350-22.150 đồng/lít, trong khi đó, giá dầu diesel giảm về mức 21.634 đồng/lít; dầu hoả giảm về 21.809 đồng, dầu mazut giảm còn 13.366 đồng/kg.
Trước đó, do ngày điều chỉnh giá xăng dầu trùng với ngày 30 Tết Quý Mão (21/1/2023), theo quy định của Nghị định 95, kỳ điều hành giá xăng dầu được lùi về ngày 1/2 (mồng 10 tháng Giêng năm Quý Mão). Trong khi đó, giá xăng dầu trên thế giới đang có xu hướng tăng.
Theo dữ liệu cập nhật mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy trên thị trường Singapore tính đến 16/1, giá xăng A92 là 97,3 USD/thùng, xăng A95 là 100,2 USD/thùng, dầu diesel 116,3 USD/thùng, cao hơn rất nhiều so với bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá gần nhất (xăng RON 92 là 88,620 USD/thùng, xăng RON 95 là 92,022 USD/thùng và 108,580 USD/thùng dầu diesel).
Đại diện một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho biết giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore từ 12 - 18/1 có xu hướng tăng, bình quân giá xăng RON 95 lên đến 99,12 USD/thùng, xăng RON 92 là 97,55 USD/thùng, dầu diesel khoảng 116,38 USD/thùng. Do đó, ở kỳ điều chỉnh này, giá bán lẻ xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng mạnh là khó tránh khỏi.
Chính vì do lùi kỳ điều hành trong khi giá xăng dầu thế giới tăng đã khiến doanh nghiệp lâm vào cảnh càng bán càng lỗ, chiết khấu thấp, thậm chí âm tái diễn. Điều này khiến doanh nghiệp xăng dầu lâm cảnh bán cầm chừng, bán nhỏ giọt hoặc chấp nhận đóng cửa.
Tại Hà Nội, Cục Quản lý thị trường vừa xử phạt doanh nghiệp bán lẻ do ngừng bán xăng dầu, mức phạt 7,5 triệu đồng.
Trong các ngày 29/1, theo phản ánh của người dân, nhiều cây xăng ở Hoài Đức, Quốc Oai và Nam Từ Liêm, đại lý dừng bán, treo biển hết xăng, tái diễn cảnh người dân phải đi nhiều nơi mới đổ được xăng dầu. Dù tình trạng xếp hàng dài, chạy nhiều cây số để đổ xăng không tái diễn nhưng có việc đại lý đóng cửa ngay sau thời điểm Tết Nguyên đán Quý Mão.
Tuyến Đại lộ Thăng Long, hướng từ Hà Nội đi Hòa Lạc, qua địa phận huyện Hoài Đức vào huyện Quốc Oai, hàng loạt cửa hàng xăng dầu cũng đóng cửa và treo biển hết xăng.
Ngày 24/1 (tức mồng 3 Tết Quý Mão), đại diện Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã kiểm tra một số câu xăng tại Quận 7. TP.HCM như cây xăng Hoàng Phong (quận 7), cửa hàng xăng dầu Phát Thịnh, cửa hàng Bình Thuận (thuộc doanh nghiệp tư nhân Hiệp Quế, quận 7), cửa hàng xăng dầu thuộc Công ty TNHH MTV Quang Liêm (quận 7), và một số cây xăng trên Quốc lộ 50...
Kết luận của cơ quan chức năng cho biết, các cây xăng trên địa bàn tạm nghỉ hoặc bán hàng gián đoạn do nhân viên nghỉ Tết, không phải do thiếu nguồn cung.
"TP.HCM có hơn 550 cửa hàng xăng dầu, số tạm dừng bán "hiện chỉ vài cửa hàng, chỉ là cá biệt". Cung ứng xăng dầu tại thành phố vẫn ổn định", Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho hay.
Theo Cục Quản lý thị trường TP.HCM, có hai cửa hàng là xăng dầu Bình Thung (đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7) và xăng dầu Bình Thuận (thuộc Công ty cổ phần thương mại Nam Sài Gòn, quận 7), việc đặt hàng với nhà cung cấp đang bị gián đoạn do ngân hàng nghỉ làm việc dịp Tết. Lực lượng quản lý thị trường tiếp tục giám sát hoạt động kinh doanh tại các cửa hàng này.