Nữ quyền là một khái niệm của thời hiện đại. Dưới chế độ quân chủ, người ta hay nói tới nam quyền, quyền gia trưởng, quyền huynh thế phụ, chế độ phụ quyền, chế độ mẫu hệ mà hình như không thấy nói đến nữ quyền, mặc dù người phụ nữ trong gia đình, trong nội cung triều đình thực chất cũng rất có quyền. Các bà là "chủ quỹ", là chủ mọi việc trong nội cung, có khi còn khuynh loát cả việc triều chính; con làm vua còn nhỏ tuổi có thể giúp con điều hành việc triều đình, nhưng về danh nghĩa thì chỉ "buông rèm thính chính" chứ không chính thức được coi là nhiếp chính, trừ trường hợp Nguyên phi Ỷ Lan, khi ấy nước ta chưa độc tôn Nho giáo.
Cho nên nói rằng đàn bà hay nữ sĩ tranh đấu cho nữ quyền trong thời quân chủ có lẽ cũng có chút gì gượng gượng. Dù vậy, vấn đề ấy quả là có thật. Do vậy thử tìm xem trong văn học thành văn nó đã xuất hiện và tiến triển như thế nào?
Nhìn lại văn học thành văn giai đoạn Trung đại, thì thời Lý - Trần dường như chưa có sự tranh đấu gì. Trong Thiền Uyển tập anh, ta thấy có sư bà Diệu Nhân, Viện trưởng Ni viện Hương Hải, nghiên cứu những vấn đề giáo lý cao thâm, giảng tập cho các ni và có lẽ cả tăng, cho đến khi qua đời, rất được trọng vọng. Nguyên phi Ỷ Lan có thể triệu tập các Trưởng lão để hỏi về giáo lý, rồi tự đưa ra giải đáp rất cao sâu, có ý nghĩa hướng đạo. Bà cũng trực tiếp điều hành việc nước khi vua Lý Thánh Tông đi xa khiến vị vua Thánh còn phải phục vương phi điều hành nội chính giỏi hơn mình.
Muốn bình quyền, bình đẳng với nam giới, trước hết người phụ nữ phải có những khả năng cần thiết nhất - đó là đức hạnh và tài năng. Đức hạnh và tài năng đó trước hết phải được giáo dục và rèn luyện trong gia đình từ tuổi ấu thơ đến tuổi trưởng thành. Song song với giáo dục gia đình, người phụ nữ phải được tiếp nhận từ nhà trường một nền học vấn cơ bản tối thiểu là học hết bậc tiểu học (thời Pháp). Với vốn tri thức cơ bản đó, người phụ nữ phải học lấy một nghề để có thể sống tự lập và góp phần phát triển kinh tế, không phụ thuộc và ỷ lại vào nam giới, không ăn bám chồng con".
Đạm Phương nữ sử (1881 - 1947)
Đến đời Trần, các con gái họ Đông A đảm đang, trí tuệ, xả thân vì nước như đàn ông, không toan tính..., có lẽ cũng chưa có chuyện khúc mắc giữa quyền nam nữ. Nhưng khi Lê Thánh Tông xây dựng đất nước theo mô hình Nho giáo, đất nước thịnh vượng, lễ giáo nghiêm ngặt, dù trong bộ luật, nhà vua vẫn chú ý đến quyền lợi của con gái, đàn bà nhưng địa vị người phụ nữ bắt đầu bị đẩy lùi.
Sau đó, quy chế Tam cung Lục viện, cấp bậc thê thiếp, kỹ viện, thanh lâu được chấp nhận trong sinh hoạt xã hội đã gây nên nhiều bi kịch cho nữ giới. Văn học xuất hiện những tác phẩm nêu lên nhiều vấn đề liên quan đến người phụ nữ. Sớm nhất là hai tác phẩm truyện truyền kỳ: Thánh Tông di thảo và Truyền kỳ mạn lục. Ở hai tác phẩm này, ngoài việc khẳng định phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ, tác giả Nguyễn Dữ dưới hình thức hư ảo đã đòi cho người phụ nữ quyền được có hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc của cuộc sống tình dục và cũng tố cáo những thói tật hư hỏng, bội bạc của giới mày râu. Và ông lên tiếng giải thích đạo Nho không theo kiểu giáo điều, cứng nhắc mà là "trong lẽ phải có người có ta".
Truyền kỳ mạn lục cũng đã tỏ thái độ bất bình với việc đố kỵ của giới mày râu, hay sự đánh giá bất công của giới quan chức nho sĩ đối với tài năng người phụ nữ, qua lời tâm sự của nữ sĩ Kim Hoa, vợ quan Giáo thụ họ Phù (Cuộc nói chuyện thơ ở Kim Hoa). Dù sao Nguyễn Dữ cũng mới quan tâm chủ yếu đến câu chuyện tình dục. Và cũng còn rất "nhẹ tay" đối với cái tội hồ đồ cậy quyền chồng xử ép, đến nỗi chết oan một mạng người, thế mà vẫn chỉ khuyên: "Làm người đàn ông, tưởng đừng nên để cho giai nhân oan uổng thế này"! (Chuyện người con gái Nam Xương).
Đến thế kỷ XVIII, những vấn đề về phụ nữ được văn học đặc biệt quan tâm, hầu như tác gia nổi tiếng nào cũng có tác phẩm về đề tài phụ nữ. Văn thơ tiếp tục mạch yêu cầu cho người phụ nữ được quyền có hạnh phúc ái ân, gia đình; các thi nhân thương vợ, tự trách mình "vô tình", xót thương khách má hồng lận đận… Đặng Trần Côn với Chinh phụ ngâm, Nguyễn Gia Thiều với Cung Oán ngâm khúc, các nhà nho phê phán nhà Trần gả công chúa Huyền Trân về Chiêm Thành xa xôi, Ngô Thì Sĩ, Phạm Nguyễn Du xót thương vợ chết trẻ… Đỉnh cao là Hồ Xuân Hương (thật hay giả danh) với những vần thơ chua ngoa đáo để chống đa thê, "bóc mẽ" các hiền nhân quân tử…
Đoàn Thị Điểm sớm nhất trong trào lưu ấy mà các nhà nghiên cứu sau này gọi là "đòi quyền sống cho người phụ nữ" của thế kỷ XVIII - XIX, nhưng bà có một hướng đi khác. Bà cũng chống chiến tranh vì hạnh phúc sum họp của những người vợ lính (Diễn âm Chinh phụ ngâm khúc), nhưng vấn đề quan tâm chủ yếu của bà, như Olga Dror, Giáo sư sử học ở trường Đại học Texas A&M nhận xét, là "sự phát triển và sự giải phóng của người phụ nữ" (Truyện Vân Cát Thần nữ).
Người trượng phu làm việc không cần câu chấp lễ nghi lặt vặt. Kìa như nàng Văn Quân khoáng đạt mà những người đàm tiếu đều hâm mộ sự quyền biến; nàng Hồng Phất yêu tài mà đời sau cũng chẳng ai chê là trái lễ. Thiếp với lang quân, trên không có cha mẹ để thưa gửi, dưới không có thân thích để nương nhờ, tri kỷ gặp nhau, một lời là lễ, còn cần phải mối lái làm gì".
"Nữ thần ở Vân Cát" - Đoàn Thị Điểm (1705-1749)
Ở Truyền kỳ tân phả, Đoàn Thị Điểm đã xây dựng nên ba hình mẫu liệt nữ. Hình tượng thứ nhất Cung phi Bích Châu, một người dám hy sinh vì triều đại, vì lý tưởng "nước được thịnh dân được yên" (Truyện Đền thiêng ở Hải Khẩu). Tầm suy nghĩ của Bích Châu xứng đáng đứng trong hàng các chính khách đứng đầu đất nước.
Hình tượng thứ hai là một người vì nghĩa cương thường, nhưng cốt lõi của hành vi liệt nữ xé áo chồng tặng trước khi đi xa thắt cổ chết theo lại là vì tình yêu, lòng tương kính với người chồng tri âm tri kỷ mà không phải vì cái tiếng khen "tiết trinh" đạo nghĩa của dư luận hay vì tấm bảng vàng "Tiết phụ" vua ban. (Truyện liệt nữ ở An Ấp, nguyên mẫu là bà Phan Thị Viên, vợ thứ của Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn, Phó sứ đoàn đi sứ nhà Thanh, mất trên đường đi).
Hình tượng thứ ba là Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Bà từ một người con gái bình thường đã dám vượt qua ngưỡng cửa phòng khuê mà vùng vẫy giữa cuộc đời rộng lớn đầy sóng gió, tự mình quyết định lấy số phận, chống trả mọi cản trở từ lề thói đến hoàn cảnh, quyền lực tiên trời hay trần thế để giành lấy tự do, thực hiện những khát vọng của mình - Yêu đương tự quyết, mọi sự đúng sai khinh trọng bắt gặp trong đời tự phán xét để ứng xử, không e ngại bất cứ quyền lực nào, rất nhân ái mà cũng rất quyết liệt…
Các nhân vật nữ của Đoàn Thị Điểm đều đủ nét công dung ngôn hạnh nhưng tài hoa và hơn thế là những người có tầm vóc tư tưởng. Họ có thể vượt lên những mong muốn hạnh phúc gia đình nhỏ bé, niềm hoan lạc riêng tư mà lo nghĩ tới sự tồn tại an lạc của quốc gia. Họ có nhu cầu được thể hiện tài năng của mình, tự quyết lấy số phận, tự chủ trong mọi hành động để thực hiện ước nguyện và tự chịu trách nhiệm về các hành vi của mình. Đó là một yêu cầu quá mức dung chứa của thời quân chủ, nhưng là khát vọng của Đoàn Thị Điểm - khát vọng giải phóng tài năng, trả cho khách hồng quần không chỉ hạnh phúc gia đình mà còn quyền tự quyết tự chủ, theo đuổi hoài bão và lý tưởng.
Bà quan niệm hồng nhan không sinh ra chỉ để tựa nương, chịu sự chở che đùm bọc mà cũng tự mình độc lập, cùng gánh vác giang sơn, nếu cần cũng có thể chở che, đùm bọc, là nơi nương tựa cho người khác. Đó thực là khát vọng lớn lao của Đoàn Thị Điểm, một yêu cầu quá mức dung chứa không biết có phải chỉ riêng của thời quân chủ?
"Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo
Kìa đền Thái thú đứng cheo leo.
Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu".
"Đề đền Sầm Nghi Đống" - Hồ Xuân Hương (1772 - 1822)