Thượng tá Trần Quốc Dân - Trưởng Công an huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cho biết, đã tạm đình chỉ công tác đại úy Phan Văn Trung (sinh năm 1987, công an viên xã Thành Triệu) để xác minh làm rõ sai phạm về hành vi ứng xử không đúng quy định trong lực lượng công an nhân dân.
Vụ việc đã có báo cáo gửi đến Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre cho ý kiến chỉ đạo xử lý.
Trước đó, vào ngày 20/1 (tức 29 Tết), ông D. sau khi uống rượu say đã có hành vi đập tài sản, cầm dao chém gây thương tích cho người thân, gây rối trật tự công cộng...
Nhận được tin báo, công an xã Thành Triệu đến hiện trường, lập biên bản để xử lý vụ việc thì ông D. có lời lẽ xúc phạm lực lượng làm nhiệm vụ và bỏ chạy.
Sau đó, lực lượng công an rượt đuổi, còng tay ông D. Trước hành động côn đồ của người say rượu, đại úy Phan Văn Trung đã dùng chân đá nhiều lần vào người ông D.
Video vụ việc sau đó được đăng tải trên mạng xã hội, gây bức xúc trong cộng đồng.
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, pháp luật không cho phép người thi hành công vụ tự ý sử dụng vũ lực để đánh đập, hành hạ, tra tấn, trả thù người khác.
Trong trường hợp người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đã dừng lại hành vi nguy hiểm, không còn có hành vi đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, tài sản của người khác, không có hành vi chống người thi hành công vụ, người thi hành công vụ không được phép sử dụng vũ lực để gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Việc sử dụng vũ lực của người thi hành công vụ trước tiên phải trên cơ sở của nguyên tắc phòng vệ chính đáng.
Bộ luật hình sự quy định, phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.
Từ phân tích trên, ông Cường cho rằng, pháp luật không cho phép một người sử dụng vũ lực khi bản thân mình và người khác không bị đe dọa nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe.
Dù là người thi hành công vụ hoặc dân thường cũng chỉ được phép sử dụng vũ lực để ngăn cản những thiệt hại có thể xảy ra về tính mạng, sức khỏe, tài sản của mình hoặc của người khác.
Việc sử dụng vũ lực để đánh đập, hành hạ một người không có khả năng tự vệ, không còn thực hiện hành vi đe dọa đến mình và người khác là việc sử dụng vũ lực trái pháp luật.
Clip nêu trên chỉ là một phần của sự việc, tuy nhiên nội dung clip thể hiện, người mặc sắc phục cảnh sát đã đá liên tục vào người áo trắng, trong khi người này hoàn toàn đã bị khống chế, không có hành vi chống trả.
Đây là hành vi có dấu hiệu sử dụng vũ lực không được pháp luật cho phép và hành vi này rõ ràng là lạm quyền, gây ra thương tích cho người dân.
Bởi vậy cơ quan chức năng tạm đình chỉ công tác với cán bộ công an xã là cần thiết để làm rõ sự việc làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo vị chuyên gia, trong trường hợp nếu người đàn ông áo trắng trước đó đã thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác, người này phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả gây ra, có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc tội gây rối trật tự công cộng.
Còn đối với đại úy công an đã có hành vi đánh đập người đàn ông khi người này không còn thực hiện hành vi nguy hiểm đến sức khỏe của người khác, không còn gây rối trật tự công cộng, đây là hành vi có dấu hiệu lạm quyền trong khi thi hành công vụ, hành vi sử dụng vũ lực trái pháp luật.
Với hành vi này, đại úy công an có thể bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của ngành công an. Theo đó với hành vi xem nhẹ tính mạng, sức khỏe của người khác, hành vi có tính chất côn đồ, có thể người này phải hình thức kỷ luật nghiêm khắc.