Dân Việt

Mới đầu năm, 27 tàu cập cảng chở một loại nông sản chủ lực của Việt Nam bán đi khắp thế giới

K.Nguyên 02/02/2023 11:29 GMT+7
Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2023, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo đã tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ các đơn hàng giao cho đối tác. Nhiều doanh nghiệp đã kín đơn hàng đến hết quý I/2023.

Xuất khẩu gạo rộn ràng ngay đầu năm 2023

Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2023, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo đã tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ các đơn hàng giao cho đối tác.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), lượng xuất khẩu gạo trong nửa đầu tháng 1/2023 đạt 226.105 tấn, trị giá 114,744 triệu USD, tăng trên 41% về sản lượng và giá trị so với cùng kỳ. Từ ngày 1 - 19/1 có 27 tàu cập các cảng hàng với số lượng xuất khẩu dự kiến 157.430 tấn gạo các loại, trong đó có 21 tàu cập cảng TP Hồ Chí Minh và 6 tàu cập cảng Mỹ Thới (An Giang).

Sau kỳ nghỉ Tết, giá gạo xuất khẩu tăng bình quân khoảng 10 USD/tấn, cụ thể gạo 5% tấm đang ở khoảng 470 USD/tấn, tăng 10 - 12 USD/tấn so với trước đó.

Đại diện Tập đoàn Lộc Trời cho biết, đến thời điểm này Lộc Trời đã nhận được đơn đặt hàng lên đến 40.000 tấn gạo cho thị trường EU giao hàng trong năm 2023 này. 

Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cũng thông tin, tại thời điểm này, đã ký kết đơn hàng giao trong năm 2023 lên đến 30.000 tấn gạo các loại.

Ngoài ra, từ cuối tháng 12/2022, Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã chốt được đơn hàng 26.000 tấn gạo thơm sang các nước Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, châu Âu, Trung Đông, trong đó đơn hàng lớn nhất là Hàn Quốc với 20.000 tấn. Đơn hàng của công ty nhận được kéo dài đến tháng 4/2023, quý I/2023 gần như kín đơn đặt hàng.

Mới đầu năm, 27 tàu cập cảng chở một loại nông sản chủ lực của Việt Nam bán đi khắp thế giới - Ảnh 1.

Xuất khẩu gạo khởi sắc từ đầu năm 2023, thúc đẩy giá gạo xuất khẩu tăng bình quân khoảng 10 USD/tấn. Ảnh: BCT.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình cho rằng xuất khẩu gạo của Việt Nam những tháng đầu năm 2023 tiếp tục tăng trưởng tốt do thời tiết ở nhiều quốc gia châu Á khắc nghiệt. Tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán gay gắt ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc khiến nguồn cung gạo bị thiếu hụt.

Bên cạnh đó, chất lượng và độ an toàn thực phẩm của gạo Việt Nam ngày càng nâng cao nên được nhiều thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Trung Đông... lựa chọn.

Hiện nay bên cạnh dòng sản phẩm gạo thơm cao cấp, gạo organic, Việt Nam còn có loại gạo trắng hạt dài, dẻo cơm rất ngon. Phân khúc gạo trắng của Việt Nam tuy không thể sánh với gạo thơm của Thái Lan nhưng có chất lượng tốt hơn sản phẩm cùng loại của các quốc gia xuất khẩu gạo.

Trong khi đó, Tập đoàn Tân Long cũng tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu các dòng sản phẩm gạo chủ lực giá trị cao như ST24, ST24 Organic và Japonica sang Nhật. Sau Nhật Bản, Tân Long sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội tại các thị trường lớn tiềm năng khác như Mỹ, Châu Âu (EU).

Theo thông lệ, xuất khẩu gạo thời điểm đầu năm thường chờ đợi đơn hàng mới nên xuất khẩu chậm lại. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm 2023, nhiều tín hiệu cho thấy xuất khẩu gạo có nhiều khởi sắc, doanh nghiệp đã ký kết được nhiều đơn hàng mới.

Để đón thời cơ, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo các vùng trọng điểm sản xuất ưu tiên các giống lúa ngắn ngày chất lượng cao, giống lúa thơm phù hợp với yêu cầu của thị trường; giảm tỷ lệ các giống lúa chất lượng trung bình và lúa nếp. Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành sản xuất lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị, tập trung xây dựng thương hiệu cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Xuất khẩu gạo năm 2022 lập kỷ lục 

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt gần 7,11 triệu tấn, tương đương trên 3,45 tỷ USD, tăng 13,8% về khối lượng, tăng 5,1% về kim ngạch so với năm 2021, giá trung bình đạt 486,2 USD/tấn.

Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 45,2% tổng lượng và chiếm 43,2% tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt gần 3,22 triệu tấn, tương đương 1,49 tỷ USD, giá trung bình 464 USD/tấn, tăng 30,7% về lượng, tăng 19% về kim ngạch nhưng giảm 8,9% về giá so với năm 2021.

Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc chiếm trên 12% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt 850.949 tấn, tương đương 432,32 triệu USD, giá trung bình 508 USD/tấn.

Thị trường Bờ Biển Ngà đứng thứ 3 đạt 656.361 tấn, tương đương 294,6 triệu USD, giá 448,8 USD/tấn, tăng mạnh 53,3% về lượng và tăng 34,9% kim ngạch.