Đây là địa bàn quen thuộc đối với tôi, vì gần như cả năm 1972, tôi đã ở chiến trường này, vừa mới trở ra Hà Nội. Trong những ngày tình hình thay đổi rất nhanh, được đi vào những nơi mũi nhọn là một may mắn. Thêm nữa, tuy tôi ở Quảng Trị chưa lâu, như một lẽ tự nhiên, tôi đã gắn bó với con người và mảnh đất này.
Đầu tháng 2/1973, chúng tôi lên đường. Ngoài anh Chu Chí Thành, anh Sửu lái xe và tôi, còn có anh Hồng Khanh, phóng viên báo Nhân Dân đi cùng. Chúng tôi có nhiệm vụ chủ yếu là thông tin về việc triển khai hiệp định vừa ký, nhất là việc trao trả tù binh ở bờ sông Thạch Hãn, cùng với các hoạt động khác như xây dựng chính quyền, cuộc sống của nhân dân ở đây. Theo hiệp định, sẽ có hai điểm trao trả tù binh giữa hai bên, một ở Quảng Trị, một ở Lộc Ninh (Bình Phước).
Chuyến đi đưa tôi đi dọc miền Trung, về Vĩnh Linh, Quảng Trị ngay sau khi tạm ngưng tiếng súng. Cảm nghĩ dọc đường thật đặc biệt. Cả một vùng khu IV từng bị đánh phá ác liệt một thời "xe chưa qua, nhà không tiếc" với bao hy sinh gian khổ, nhiều nơi chỉ còn là vùng trắng, nay bắt đầu gây dựng lại. Quảng Trị, mảnh đất của bao đau thương, giằng xé, bao mất mát giờ đây đang sống những ngày đầu của đoàn tụ, hồi sinh. Súng vẫn nổ đâu đó quanh vùng tranh chấp. Bom mìn trên những cánh đồng khi san lấp vẫn lấy đi mạng sống của con người… Nhưng công cuộc trở về với đời sống bình thường thật là vĩ đại trên từng con đường, mảnh ruộng, trong mỗi gia đình.
Tôi nhớ nhất cảnh qua cầu Hiền Lương hôm đó. Chỉ là cầu phao dựng vội, nhưng hai miền đất nước đã nối liền sau bao năm chia cắt. Dòng người xe đông đặc, bộ đội, cán bộ vào chiến trường, phục vụ cho việc triển khai công tác mới, nhân dân qua sông thăm hỏi, làm ăn, tìm người nhà… Khi chờ qua cầu, nhìn dòng sông Hiền Lương nhỏ bé giờ càng nhỏ hơn với dòng người xe qua lại, khó mà tin rằng đây là nơi chia đôi đất nước và là con sông đã đi vào lịch sử của dân tộc trong thế kỷ 20 đầy những biến động này. Ngay đầu cầu, cây cột cờ phía bắc từng hứng chịu bao bom đạn và là mục tiêu của các đợt pháo kích triền miên, vẫn đứng hiên ngang. Ở phía sau, đài tưởng niệm các liệt sĩ của thị trấn Hồ Xá cũng chi chít vết bom đạn… Tất cả đều đứng đó như chứng tích của một thời. Đó là những ngày người dân hai bờ muốn nhắn nhau thì ra bờ sông, nói trống không giữa dòng để người bên kia nghe mà hiểu ý. Đó là những ngày vợ lén ra bờ sông tìm bóng chồng đang đứng gác bên bờ phía bắc. Đó là những đêm, những người mẹ Vĩnh Linh vẫn chong đèn khâu những vết rách vì mảnh bom pháo trên lá cờ Tổ quốc; những đêm trong lòng địa đạo có những đứa trẻ sơ sinh vẫn lọt lòng và giành giật sự sống với thần chết trên mảnh đất quê hương…
Chúng tôi ghé thăm anh em phân xã Vĩnh Linh rồi đi thẳng vào Đông Hà. Lần này, chúng tôi ở tại nơi đóng quân của phân xã Quảng Trị trong một làng nhỏ sát bờ sông Hiếu, cách thị xã Đông Hà vài ki lô mét. Gặp lại anh Thanh Phong, trưởng phân xã và các anh Luận, Ngạn, điện báo viên và hai cháu Hồ Nghĩa, Hồ Nhân, người Vân Kiều, giúp việc cho phân xã. Sau hiệp định, phân xã được tăng cường các phóng viên của lớp GP 10, gồm anh Đỗ Tráng, chị Kim Quy, anh Mai Văn Minh. Lực lượng mạnh, tình thế khác, nhiệm vụ rất khẩn trương, nặng nề. Ngay hôm sau, chúng tôi đã có mặt ở T72, đoàn công tác đặc biệt, phụ trách việc đón nhận tù binh ở Quảng Trị, đang đóng tại thi xã Đông Hà. Mọi việc đang được triển khai gấp rút. Chúng tôi cũng hiểu rằng, triển khai việc thực hiện Hiệp định là một cuộc đấu tranh lớn, một hình thái đặc biệt của cuộc chiến tranh, nhất là ở các vùng cài răng lược, xen kẽ giữa lực lượng hai bên. Phải giành dân, giữ đất, đấu tranh bằng nhiều hình thức, nhiều phương pháp để tạo được những thuận lợi tối đa. Trong bối cảnh đó, việc trao trả tù binh vừa là một hoạt động nhân đạo lớn, vừa là một cuộc đấu tranh quyết liệt. Hoạt động nghề nghiệp của chúng tôi trong điều kiện mới sẽ có những điểm khác biệt rất lớn so với trước đây.
Phân xã Quảng Trị ngày ấy ở nhờ một nhà dân bên bờ sông Hiếu. Khu nhà khá rộng, có hai ông bà già, một người con dâu, con trai đi lính Sài Gòn, có một con gái nhỏ chừng 7 - 8 tuổi. Cháu gái đó tên là Tùng, xinh đẹp và hồn nhiên. Tuổi của cháu chỉ biết ba đi vắng xa nhà mà không hiểu gì. Hai cụ già rất hiền lành. Mặc dù là con cầm súng ỏ phía bên kia, nhưng thái độ với anh em cán bộ cách mạng vẫn rất thân thiện. Chị con dâu mải mốt việc nhà, đồng áng và lo cho con gái. Chỉ mong hòa bình đến sớm và ba của Tùng sớm trở về.
Anh em phân xã ở nhà ngang, rồi đào hầm cho máy phát. Tối mắc võng hoặc nằm đất. Chiều đến, tôi hay đi bộ ra bờ sông Hiếu hoặc xuống sông tắm. Nhiều anh em văn nghệ sĩ, báo chí cũng đã ghé qua căn hầm này của phân xã, như các nhà thơ Thanh Hải, Trần Nhật Thu, các nhà văn Trần Công Tấn, Vũ Từ Trang, nhà báo Đỗ Quảng, Thế Văn, Hồng Khanh… Các cơ quan của tỉnh Quảng Trị như báo Quảng Trị, Ban tuyên giáo… cũng ở quanh đó, nên nhiều cuộc gặp gỡ rất vui.
Việc chính của chúng tôi là chuẩn bị cho công tác trao trả tù binh. Thời gian không có nhiều vì khoảng giữa tháng hai, các đợt trao trả đầu tiên sẽ được thực hiện. Anh Chu Chí Thành và tôi bàn nhau về cách làm việc. Chúng tôi vẫn sẽ ở Đông Hà, nơi có trụ sở và điện đài. Vì có xe ô tô, hàng ngày chúng tôi sẽ đi vào bãi trao trả ở sát cầu Thạch Hãn, bên này sông, đối diện với thị xã Quảng Trị. Đấy là cách tốt nhất để giữ liên lạc, làm thông tin hàng ngày và gửi ảnh theo đường dây ra Hà Nội. Khoảng cách giữa Đông Hà và Quảng Trị cũng không xa, nếu ở lại hẳn chỗ trao trả tù binh thì về hậu cần cũng rất khó khăn. Các đơn vị làm công tác đón tiếp đang căng hết sức để đón một lượng người được trao trả lên đến hàng nghìn người trong một thời gian ngắn. Bên cạnh đó, lực lượng quân đội, hậu cần, y tế… cũng rất đông để có thể đón anh em về một cách chu đáo nhất. Ngoài ra, việc tiếp nhận và trao trả cho phía bên kia những tù binh đang được quân giải phóng giam giữ cũng là một việc rất lớn.
Bãi trao trả ở ngay bờ sông, phía bên kia quốc lộ 1, sát chân cầu Thạch Hãn. Bên kia sông là thị xã Quảng Trị. Người ta đã san ủi, gỡ bom mìn trên một vùng đất rộng, chuẩn bị các bến đón tàu thuyền, dựng các khu lều bạt. Có cả một chiếc sân lớn dựng cột cờ của Chính phủ cách mạng lâm thời. Một khu lều bạt trung tâm để hai phía làm việc. Khu dành cho tiếp nhận tù binh, khu dành cho báo chí, cho bộ phận hậu cần. Công việc rất khẩn trương. Liền sau bãi tiếp nhận, về phía Đông Hà là nhiều khu đón tiếp anh em được trao trả về. Những lều bạt lớn được dựng lên. Đường đi, cầu cống,… được sửa gấp. Bản thân tôi khi đi nắm tình hình về việc chuẩn bị cũng thấy ngỡ ngàng với mọi việc. Khó ai có thể ngờ rằng, chỉ ít ngày trước, đây còn là một chiến trường ác liệt. Một công việc hoàn toàn mới mẻ đang được triển khai, cùng với các công việc khác cũng quan trọng không kém. Vì khi đó, Quảng Trị trở thành thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời. Riêng việc xây dựng các khu để đón đoàn ngoại giao, nơi các Đại sứ có thể đến trình quốc thư cũng là một công việc đòi hỏi nhiều công sức. Chiến tranh vẫn rình rập. Đêm đêm, súng vẫn nổ vùng giáp ranh.
Một buổi chiều sát ngày trao trả đợt đầu, tôi đã đi ra bến sông, nơi sẽ đón những đoàn tù binh đầu tiên, nhìn sang phía bên kia thị xã. Phía quân đội Sài Gòn cũng đang có những sự chuẩn bị gấp gáp. Bến phà đối diện có lực lượng công binh đang thi công. Cờ ba sọc vàng cắm thành từng dãy. Qua loa phóng thanh, tiếng hát đám Thiên Nga sặc giọng chiêu hồi loang trên mặt sông. Thành cổ chỉ còn là một bãi gạch vụn. Thế mà trước đây, chúng tôi đã từng vào đó khi thị xã còn khá nguyên vẹn. Mới ít ngày trước, cuộc chiến Thành cổ với 81 ngày đêm mãi đi vào sử sách với trên 14.000 liệt sĩ ngã xuống… Một cảm xúc rất khó tả trong tôi lúc đó. Cuộc chiến tạm ngừng, chúng tôi đã may mắn được chứng kiến những ngày ngưng tiếng súng đầu tiên trên mảnh đất này. Không thể dự đoán được hết mọi điều, nhưng mọi người đều cảm nhận rằng, những ngày mới đang về trên mảnh đất đau thương này.
Ngày trao trả đầu tiên đã diễn ra với nhiều cảm xúc. Sau mấy lần trục trặc do các công tác chuẩn bị và cả sự trao đổi về cách thức tiến hành giữa hai bên, đợt trao trả đầu tiên bắt đầu. Từ sáng sớm, bãi trao trả đã đông người. Tất cả các phương án đều được tính đến. Và khi những người tù đầu tiên, các chiến sĩ bị giam giữ ở Phú Quốc xuất hiện trên bến phà đối diện, mọi người đều náo nức. Sau bao năm giam cầm, họ là những chiến sĩ đầu tiên được tự do trở về với quê hương, đồng đội và người thân. Mọi người đều cởi bỏ quần áo do đối phương cấp phát. Khi xuống xuồng để sang bờ bên này, tất cả anh em đều mặc quần đùi nâu, cởi trần. Mỗi một chiếc xuồng của thủy quân lục chiến ở phía Sài Gòn chở được chừng vài chục người. Có sĩ quan trao trả phía bên kia áp tải. Theo trình tự, khi lên đến bãi trao trả, mọi người đều đứng thành hàng, chờ đọc tên để giao nhận từng người một. Nhưng khi chiếc xuồng đầu tiên tiến vào bến , tất cả anh chị em có mặt trên bờ đều không thể chờ được. Mọi người lao ngay xuống bến sông.Những cái ôm hôn thật chặt. Những giọt nước mắt, nụ cười… Khoảnh khắc ấy thật đặc biệt. Những anh em thương tật đều được dìu đỡ hoặc bế lên bờ.
Cùng với đám đông là các nhà báo ở cả hai phía. Anh Chu Chí Thành và tôi cũng lao xuống bến sông, cố gắng ghi lại những hình ảnh gặp gỡ đầu tiên. Một lúc sau lên bờ, tôi chợt nhận ra mình đã ướt gần nửa người vì mải mê ghi hình, cứ lội ra xa mãi. Cũng chẳng ngại gì nước bắn tung tóe cả vào ống kính và ướt sũng cả túi đồ nghề. Ngay trong ngày hôm đó, chúng tôi đã có tin, ảnh và bài tường thuật về phiên trao trả đầu tiên để chuyển ra Hà Nội.
Những ngày tiếp sau đó, công tác trao trả diễn ra trong sự đấu tranh giằng co, có khi là một cuộc đấu trí giữa đôi bên. Sau những đợt trả tù binh nam giới, đến lượt các tù binh nữ giới. Hầu hết các anh chị đều từ nhà tù Phú Quốc trở về, môt số từ Côn Đảo và các nơi khác. Phía ta cũng tiến hành trao trả các tù binh quân đội Sài Gòn bị bắt trong các trận đánh nhau với với quân giải phóng. Gọi là một cuộc đấu tranh vì phía Sài Gòn nhiều lúc gây khó dễ hoặc để làm khó hoặc trì hoãn các đợt trao trả. Có khi những tranh cãi chỉ liên quan đến danh sách, đến việc trao trả một người vì những vấn đề nhạy cảm mà người ngoài khó mà hiểu hết được.
Trong các đợt trao trả tù binh, có những câu chuyện làm tôi nhớ mãi. Hôm đó, bãi trao trả đón các tù binh ở Phú Quốc và Cần Thơ. Trong số tù binh nam có trung tá Nguyễn Minh Sang, người trung đoàn phó có gương mặt rắn rỏi, cặp mắt sáng và nụ cười rất dễ mến. Anh bị thương, mất một chân, cùng các đồng đội được trả vào cuối buổi chiều. Một điều rất đặc biệt là vợ anh, chị Nguyễn Thị Hà, giao liên cho một mạng lưới tình báo phía nam, cũng bị bắt và trao trả vào buổi sáng. Họ đều quê ở Thừa Thiên - Huế. Tất nhiên, trong danh sách trao trả, không ai biết họ giữ những nhiệm vụ quan trọng như vậy và càng không biết họ là vợ chồng. Khi chị Hà được trả, chị mới biết chồng mình cũng ở trong số được trao trả ngày hôm đó. Họ cùng bị giam, người ở Phú Quốc, người ở Cần Thơ, nhưng gần như không có thông tin về nhau.
Cuối buổi chiều ấy, trên bãi rộng ở khu tiếp đón, một cảnh tượng rất xúc động diễn ra. Từ khu tù binh nam, sau khi thay quần áo và nghỉ ngơi, anh Sang biết tin và sang chỗ chị Hà. Chị Hà cũng đã sẵn sàng để gặp anh. Họ từ từ tiến lại phía nhau giữa vòng vây của hàng trăm người, có các chiến sĩ mới được trao trả, có bộ đội, anh em làm công tác phục vụ… và cả các nhà báo. Họ tiến đến gần nhau trong cặp mắt vui mừng trông đợi của bao con người. Trên thảm có, anh Sang chống nạng, bước từng bước chậm và dừng lại trước mấy bước. Chị Hà ngượng ngập trong bộ quần áo mới phát, mũ tai bèo, gương mặt thoáng chút e thẹn, tiến lại gần anh. Một cuộc gặp mặt lịch sử. Khi đó, anh Chu Chí Thành và tôi cùng bấm máy liên tục vì một sự kiện rất đặc biệt mà trong đời làm báo ít khi gặp được. Chỉ tiếc là trời đã tối rồi, máy của tôi không có đèn, nên khuôn hình thiếu sáng! Đó là bức ảnh để đời của anh Chu Chí Thành, sau này được dùng nhiều trên sách báo. Khoảnh khắc ấy, vì quá đông người nên anh chị có phần lúng túng. Anh Sang chỉ quàng tay qua vai chị Hà, giọng nói nhỏ và lạc đi vì xúc động:
- Hà à? Lâu ni khỏe không em?
Còn chị Hà thì cứ đứng nhìn anh, giọt nước mắt chảy dài trên má mà không nói được điều gì, trong khi tiếng vỗ tay reo mừng của hàng trăm con người làm át đi tất cả.
Tối hôm ấy, trong căn lều dành cho các anh chị em mới trở về, tôi đã ngồi ghi lại câu chuyện rất đặc biệt của hai anh chị. Anh Sang ở trong quân ngũ. Năm 1961, chị Hà cũng lên đường ra chiến trường. Gửi con và ra đi sau anh, chị được tăng cường vào đường dây liên lạc của cơ quan tình báo. Chị bị địch bắt giam trước anh, mặc dù chúng không biết chính xác chị làm gì. Anh Sang bị thương trong một trận đánh và cụt một chân trong đợt tấn công, lúc đầu giam ở Quy Nhơn, sau ra Phú Quốc. Chị lúc đầu cũng bị giam ở Quy Nhơn, sau về nhà giam Cần Thơ. Duy nhất một lần chị gặp anh ở nhà thương Quy Nhơn. Lúc đó, anh đang mê man vì bị ốm, nằm trên cáng và không biết gì. Khi ấy, rất tình cờ và cũng là lúc có điều kiện, chị đến gần người nằm trên cáng như một linh tính và nhận ra là chồng mình. Chị đã phải hết sức trấn tĩnh, không dám bộc lộ tình cảm của mình và quay mặt đi. Điều duy nhất chị vui mừng là anh thực sự còn sống và chị được nhìn thấy anh. Và liền với cảm giác đó là sự lo lắng cho sức khỏe và tính mạng của người chồng thân yêu, vì chị biết rằng, anh đã giữ một chức vụ khá cao trong quân giải phóng. Rất may anh không để lộ tung tích của mình. Anh khiến cho quân địch lầm tưởng rằng mình chỉ là một người nuôi quân bình thường và được trao trả theo Hiệp định mà đối phương không hay biết.
Nhiều câu chuyện khác mà tôi không thể quên được trong quá trình trao trả tù binh. Một lần, tôi được anh Hồng Khanh, báo Nhân Dân, rỉ tai nói nhỏ:
- Hôm nay bên kia để lọt một con cá to!
Thì ra trong danh sách trao trả do đối phương thông báo, có một tù binh tên là Trần Văn Trân, với chức danh y tá. Thực ra, đồng chí Ba Trân là sư đoàn trưởng của quân giải phóng, bị bắt trong một trận đánh ở Bảy Núi, An Giang, năm 1970. Khi bị bắt, đối phương không phát hiện ra đồng chí là cán bộ chỉ huy cao cấp. Khi bị vây, đồng chí đã lấy túi đồ nghề của người y tá cùng đơn vị đã hy sinh để mang theo. Đồng chí khai là y tá và không hề bị nghi ngờ cho đến tận lúc trao trả. Ngay sau khi được trả về, xe con đã đón đồng chí Ba Trân rời khỏi bãi trao trả trước con mắt ngỡ ngàng của nhiều người. Sau này, đồng chí Ba Trân trở thành sư đoàn trưởng Sư đoàn 341 và lên đến cấp tướng.
Cũng ở Thạch Hãn, chúng tôi là những người chứng kiến cảnh phóng viên Bùi Hoàng Chung của TTXGP được trao trả. Anh Hoàng Chung học Đại học Tổng hợp, phóng viên khóa 7, đi B và bị bắt trong một trận càn ở miền Trung. Hôm ấy, trên bãi trao trả, anh Chu Chí Thành nhận ra anh Chung ngay khi nhóm anh em được trao trả từ bến đò lên, đang xếp hàng để đọc tên. Anh Thành và anh Chung là bạn học khoa văn Đại học Tổng hợp, cùng về làm việc tại cơ quan. Theo tay anh Thành chỉ, tôi nhận ra một người thấp nhỏ, mặc quần đùi, gương mặt bình thản, đượm nét buồn. Lúc đó, hai anh em rất vui vì được trực tiếp đón một đồng nghiệp của mình, một phóng viên của cơ quan được trao trả. Lúc sau, khi các thủ tục bàn giao đã xong, chúng tôi chạy vội tới chỗ anh Chung. Tôi bấm được một kiểu ảnh anh Thành và anh Chung ôm nhau mừng rỡ. Anh Thành cũng chụp ảnh anh Hồng Khanh (báo Nhân Dân) và tôi cùng anh Chung. Anh Chung không ngờ được gặp lại bạn bè, anh em cùng cơ quan ngay trên bến sông ấy.
Còn nhiều câu chuyện đáng nhớ khác. Có các nữ tù nhân của chúng ta khi đến bãi trao trả đã đồng loạt hát vang những bài ca yêu nước. Các chị còn mang theo cả những chiếc khăn thêu được giấu kín trong người, kỷ niệm về những ngày trong lao tù vẫn giữ vững lòng tin ở tương lai.
Có một sĩ quan giải phóng làm nhiệm vụ ở nơi trao trả, lúc xem danh sách số tù bình trao trả cho phía bên kia lại có cả tên con trai mình. Anh thoát ly đã lâu, không có tin nhà. Con trai ở vùng địch bị vào lính, rồi phía ta bắt làm tù binh.
Có người lính Sài Gòn phải trả cho phía bên kia, nhưng không muốn về. Đến lúc ra bãi trao trả, bất ngờ anh ta vùng chạy. Mấy quân cảnh phía bên kia đã có sức giữ lại, nhưng người lính đó vẫn vùng chạy, vọt qua các khu lều bạt, lao thẳng ra cánh đồng còn bom pháo chưa nổ. Rất may là anh ta không bị sao.
Cũng trên bãi trao trả Thạch Hãn, chúng tôi gặp nhiều sĩ quan quân đội Sài Gòn. Có người còn cố chấp, thái độ làm việc rất hung hăng, ngang ngược. Nhưng cũng có những người mềm mỏng, biết cách ứng xử khi giải quyết công việc. Sau bao năm ở hai phía chiến tuyến, lần đầu những người lính của hai bên đối mặt, đấu tranh với nhau trong một khung cảnh mới. Điều ấy có thể hiểu được. Một lần, trên bãi xuất hiện một đại úy Sài Gòn, người nhỏ nhắn, nói tiếng miền Bắc, điệu bộ khá tự tin khi chất vấn hết chuyện này đến chuyện khác. Anh ta có lúc dừng lại và nói với chúng tôi mấy câu chuyện và cho biết, anh ta vừa ra Hà Nội để chúng kiến việc trao trả tù binh Mỹ, nói về vẻ đẹp của Hà Nội với một nỗi nhớ tiếc xa xôi… Nhà văn Nguyễn Minh Châu, khi ấy cũng thường xuyên có mặt ở bãi trao trả nói với tôi sau cuộc trò chuyện: "Đấy là Phan Nhật Nam, nhà văn khá nổi danh của quân đội Sài Gòn, người gốc Bắc, đã có khá nhiều phóng sự về chiến tranh đấy!". Sau này, khi đọc cuốn "Mùa hè đỏ lửa"của Phan Nhật Nam, tôi nhớ lại lần gặp gỡ ấy.
Tranh thủ khoảng thời gian giữa những đợt trao trả, anh Chu Chí Thành và tôi đi đến các vùng ở Quảng Trị. Cuộc sống đang trở về với mảnh đất bao năm xơ xác vì bom đạn này cũng là những mảng đề tài cần được quan tâm. Đặc biệt là đối với tôi, tôi có dịp gặp lại nhìều anh chị em ở những nơi mình đã gắn bó. Chúng tôi về lại Vĩnh Linh, thăm Vĩnh Chấp, Cửa Tùng, thăm bà con các xã ở hai bên sông Hiền Lương. Lần về lại Gio Mỹ, Trung Hải, tôi lại gặp các đội viên du kích cũ, những người đang gỡ từng quả mìn, đem lại sự hồi sinh cho những cánh đồng, xây lại những ngôi nhà, con đường, cây cầu nhỏ. Chúng tôi đã dự lễ khai trường học mới ở Gio Mỹ, ăn cơm mới trong mùa lúa đầu tiên trên vùng vành đai điện tử năm xưa. Chúng tôi về Triệu Đại, Triệu Thành, Triệu Độ… Nhớ thương vẫn còn đây, những kỷ niệm về những ngày qua vẫn chưa xa. Nhà văn Nguyễn Tuân khi đó cũng vào Quảng Trị. Tôi nhớ mãi một nhận xét của ông về cái Tết đầu tiên: "Nhiều khăn trắng quá!". Bao nhiêu người đã ngã xuống trên mảnh đất này để có được cơ hội hòa bình cho hôm nay.
Chúng tôi về lại Triệu Trạch, gặp lại các anh chị trong Đảng ủy xã và đội đu kích năm trước. Triệu Trạch vẫn ở thế xen cài. Phía bên ta một nửa, còn bên kia là các chốt quân Sài Gòn. Có lẽ, đây là mảnh đất tiêu biểu cho những gì đã và đang diễn ra ở Quảng Trị. Ở đây, lần đầu tiên, chúng tôi đã gặp gỡ với những người lính ở bên kia chiến tuyến trong một khung cảnh tạm ngưng tiếng súng. Các chiến sĩ giữ chốt ở đây cho biết: Sau khi cắm mốc, xác định ranh giới hai bên, thái độ của những người lính phía bên kia khá ôn hòa. Những người lính ở hai bên đã gặp nhau, có một khu đất chung để làm nơi gặp gỡ. Có vấn đề gì cần, hai bên chỉ huy gặp nhau để giải quyết, không có gì căng thẳng quá mức.
Trong một điểm "hòa hợp" tại thôn Long Quang, anh Chu Chí Thành, nhà quay phim tài liệu Quý Khôi và tôi đã có dịp trò chuyện với những ngưồi lính Sài Gòn. Biết chúng tôi là nhà báo nhưng họ khá cởi mở. Họ từ các vùng khác nhau, cũng có người quê ở Quảng Trị này. Chúng tôi nói chuyện về nhiều điều và cảm nhận được mong mỏi hòa bình là nỗi khao khát chung của những con người ở cả hai phía. Có anh lính tên Tư, ở miền Tây Nam Bộ, nói rất chân thành:
- Mệt mỏi lắm rồi mấy anh ơi! Tui chỉ mong được đến ngày về quê, giúp tía má mần mấy công đất. Có cô nào thương cưới làm vợ, có con cho ông già bà già vui lòng. Vậy thôi!
Những hình ảnh, thước phim quay được ở Triệu Trạch ấy có lẽ là những tư liệu hiếm hoi về thời kỳ này. Chính tại đây, chùm ảnh về "Hai người lính - người lính giải phóng Nguyễn Huy Tạo và người lính cộng hòa Bùi Trọng Nghĩa của nhà báo Chu Chí Thành chụp tại điểm hòa hợp Long Quang đã trở thành biểu tượng khát vọng hòa bình, hòa hợp dân tộc và mới đây đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Tôi nhớ mãi lần về Cam Lộ, trở lại đoạn đường gian nan đã hành quân qua khi quân giải phóng chuẩn bị đánh Đông Hà vào tháng 4/1972. Cũng như các vùng khác, Cam Lộ đang thay đổi từng ngày. Khi nói chuyện với các anh ở huyện, tôi được nghe một câu chuyện rất cảm động. Có một cháu bé mới sinh, mẹ tên là Giá, ở vùng Cùa. Chồng chị tên Chư, đi lính Sài Gòn đóng ở vùng đó. Khi giải phóng về, chồng chị chạy vào phía trong. Chị Giá bồng con qua làng Phan Xá thì ở lại. Chị được bà con trong làng giúp đỡ, chờ qua những ngày loạn lạc. Chẳng may chị bị thương, rồi lại bị trúng bom B52 chết, để lại đứa con nhỏ. Bà con trong trong làng Phan Xá chia nhau nuôi cháu lớn và hy vọng đến ngày hòa bình, cháu sẽ gặp được cha. Tôi đã viết lại câu chuyện này với lời nhắn gửi cho người lính Sài Gòn đang ở bên kia chiến tuyến. Tôi tin rằng tình thương yêu của bà con trong làng sẽ lay động trái tim anh ta và những người lính khác.Chính tình thương và lẽ phải mới là sức mạnh cho sự cảm hoá, cho hòa bình, hòa hợp đang là điều mong đợi của hàng triệu con người Việt Nam.
Cam Lộ những ngày ấy đã được chọn làm nơi đặt trụ sở của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (thôn Tây Hòa, thuộc thị trấn Cam Lộ). Công việc xây dựng được triển khai khẩn trương. Trong thời gian ngắn, các khu nhà dành làm trụ sở, khu nhà ở, khu dành cho các đại sứ khá khang trang đã hình thành. Đầu tháng 6, Chính phủ Cách mạng lâm thời đã làm lễ ra mắt tại đây, trước sự chứng kiến của các phóng viên, báo chí, trong và ngoài nước. Nhiều đại biểu, đại sứ nước ngoài đã tới đây gặp gỡ, trình Quốc thư. Chủ tịch Cuba Fidel Castro, nguyên thủ nước ngoài đầu tiên thực hiện chuyến thăm lịch sử đến Quảng Trị vào năm 1973 cũng đã được đón tiếp tại đây. Việc xây dựng trụ sở của Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Cam Lộ đã đánh dấu một cột mốc trên vùng đất lịch sử Quảng Trị, khẳng định vị thế mới của cách mạng miền nam gắn với việc ký hiệp định Paris lịch sử.
Sau những đợt trao trả tù binh cuối cùng ở Thạch Hãn, tôi và anh Chu Chí Thành trở ra Hà Nội. Những năm sau này, trong quá trình công tác, tôi có nhiều lần trở lại Quảng Trị, mảnh đất đã chịu muôn vàn hy sinh, đau thương, chia cắt trong chiến tranh. Sau năm 1972 gian khó ác liệt, mùa xuân 1973 với những khát vọng hòa bình ấy để lại trong tôi những dấu ấn không bao giờ quên.