Ngày 31/1, TAND TP Hà Nội đã nhận đơn kháng cáo của 17/36 bị cáo của vụ án nhận hối lộ, vi phạm đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai và Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế AIC (Công ty AIC).
Theo đó, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - cựu Chủ tịch Công ty AIC đang bỏ trốn nhưng luật sư của bà Nhàn đã làm đơn kháng cáo thay với nội dung cho rằng cơ quan tố tụng điều tra chưa đầy đủ.
Luật sư của bà Nhàn cho rằng, tòa sơ thẩm chưa có căn cứ chứng minh cựu Chủ tịch AIC là chủ mưu, chỉ đạo thông thầu. Việc định giá thiệt hại quá cao và chưa được tranh luận làm rõ.
Ngoài bà Nhàn, 7 bị cáo khác đang bỏ trốn cũng được các luật sư kháng cáo thay với nội dung đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại bản án sơ thẩm…
Sau thông tin này, bạn đọc đặt câu hỏi, bị cáo bị tuyên án vắng mặt, đang bỏ trốn thì luật sư có được kháng cáo thay?
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện nay, người bào chữa được quyền kháng cáo thay cho bị cáo đối với trường hợp bị cáo là người dưới 18 tuổi và trường hợp bị cáo là người có nhược điểm về thể chất hoặc về tâm thần.
Với người đã đủ 18 tuổi, không có nhược điểm về thể chất hoặc về tâm thần, phải tự mình kháng cáo nếu không đồng ý với nội dung bản án sơ thẩm của tòa án đã tuyên.
Về mặt pháp lý, quyền kháng cáo là một trong những quyền quan trọng, cơ bản của bị cáo trong vụ án hình sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự nếu không đồng ý với nội dung bản án sơ thẩm đã tuyên về tội danh, về mức hình phạt hoặc về các vấn đề có liên quan đến vụ án, bị cáo có quyền kháng cáo, viện kiểm sát có quyền kháng nghị.
Quyền kháng cáo là quyền cơ bản của bị cáo và do bị cáo tự mình thực hiện, nội dung này quy định tại Điều 331 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Từ phân tích trên, ông Cường cho biết, theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự Việt Nam, quyền kháng cáo được quy định rất cụ thể về tại Điều 331 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Theo đó, bị cáo, người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người bào chữa và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự có quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Trong đó người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc về thể chất mà mình bào chữa (khoản 2, Điều 331 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).
Còn đối với người đã đủ 18 tuổi không có nhược điểm về tâm thần, không có nhược điểm về thể chất, phải tự mình kháng cáo, người bào chữa không có quyền kháng cáo trong trường hợp này.
Vị chuyên gia nhấn mạnh, pháp luật Việt Nam cũng không có quy định trường hợp bị cáo bỏ trốn, bị truy nã, người bào chữa được quyền kháng cáo thay. Quyền kháng cáo của người bào chữa được quy định cụ thể tại khoản 2, Điều 331 Bộ luật tố tụng hình sự.
Bởi vậy, ngoài trường hợp quy định tại khoản 2, điều trên, người bào chữa không có quyền kháng cáo đối với các trường hợp khác, các bị cáo khác.
Ngoài ra, điều 73 Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định quyền của người bào chữa, trong đó có quyền được gặp bị can, bị cáo phải được tham gia hỏi cung, đối chất, nhận dạng, được quyền khiếu nại các văn bản quyết định tố tụng...
Những điều luật này cũng không quy định người bào chữa được quyền kháng cáo thay cho bị cáo, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 331 nêu trên.
Vì thế, việc luật sư của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn có đơn kháng cáo thay cho bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, tòa án cấp sơ thẩm sẽ tiếp nhận đơn để xem xét trường hợp này có thuộc quy định tại khoản 2, Điều 331 nêu trên hay không.
"Theo thông tin từ phía các cơ quan tố tụng, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người đã thành niên, nếu không có căn cứ cho thấy bà này có nhược điểm về tâm thần hoặc về thể chất, tòa án có thể sẽ không chấp nhận đơn kháng cáo, coi đơn này là không hợp lệ và không thụ lý đối với nội dung kháng cáo trên" – ông Cường nêu quan điểm.