Dân Việt

Nhu cầu sử dụng nước của các hộ gia đình dự kiến tăng mạnh vào năm 2023

Quốc Hải 02/02/2023 09:49 GMT+7
Nhu cầu tiêu thụ nước sạch tại Hà Nội sẽ tăng 12% trong giai đoạn 2025 - 2030, và tăng bình quân 6 - 8%/năm tại TP.HCM trong cùng giai đoạn, đây là triển vọng tích cực cho các doanh nghiệp ngành nước.
Nhu cầu sử dụng nước của các hộ gia đình ước đạt từ 8,2 - 8,6 triệu m3/ngày vào năm 2023 - Ảnh 1.

Nhu cầu sử dụng nước của các hộ gia đình ước đạt từ 8,2 - 8,6 triệu m3/ngày vào năm 2023

Theo dữ liệu từ SSI Research, nhu cầu tiêu thụ nước tăng trưởng ổn định ở mức 5~8% so với cùng kỳ hàng năm, nhưng các công ty có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm trong ngành có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn trung bình ngành thông qua giao dịch M&A

Doanh nghiệp ngành nước "ăn nên làm ra" nhờ M&A

Theo các chuyên gia SSI Research, trong năm 2022, các doanh nghiệp ngành nước đã có các hoạt động M&A (mua bán, sáp nhập) sôi động.

Chẳng hạn, Công ty Cổ phần DNP Holding (DNP) tiếp tục mở rộng các nhà máy nước do doanh nghiệp sở hữu (15 nhà máy nước tại các tỉnh thành) với kỳ vọng dòng tiền ổn định khi đi vào hoạt động. Trong khi đó, Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) vẫn duy trì đầu tư vào các nhà máy nước tại TP.HCM, nơi có nhu cầu dồi dào, mức tiêu thụ cao và hoạt động ổn định.

Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương (BWE) thì mua lại Công ty CP Cấp nước Cần Thơ với kỳ vọng mở rộng mạng lưới cấp nước liên vùng ĐBSCL. Đồng thời, công ty cũng mua lại Nhà máy nước Gia Tân để mở rộng mạng lưới cấp nước tới vùng sâu, vùng xa của Đồng Nai, lấy nguồn nước từ sông Đồng Nai.

Theo quy hoạch tổng thể ngành nước đến năm 2030, mức tiêu thụ nước bình quân đầu người tăng từ 105~110 lít/người/ngày trong năm 2021 lên 120 lít/người/ngày năm 2030.

Tỷ lệ dân số nông thôn được cấp nước qua hệ thống cấp nước ước tính sẽ tăng từ 43,5% hiện nay lên 47% vào năm 2030.

Ngoài hoạt động M&A, trong năm 2022, có nhiều yếu tố đã hỗ trợ cho ngành nước hoạt động hiệu quả hơn.

Thứ nhất, nhu cầu sử dụng nước hộ gia đình tăng 5% so với cùng kỳ. Tiêu thụ nước hộ gia đình (chiếm 71% tổng nhu cầu nước sạch) tăng 5% so với cùng kỳ ở khu vực nông thôn và khoảng 3~4% so với cùng kỳ ở khu vực thành thị. 

Trong năm 2022, mức tiêu thụ nước trung bình tăng 3~6% so với cùng kỳ do tốc độ đô thị hóa tăng lên.

Thứ hai, nhu cầu sử dụng nước công nghiệp tăng 5~8% so với cùng kỳ. Nhu cầu tiêu thụ nước công nghiệp (chiếm 18% tổng nhu cầu nước) tăng trưởng trở lại sau Covid. Cụ thể, lượng nước tiêu thụ tại Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang (các cụm khu công nghiệp) tăng lần lượt 6%, 7%, 5% và 8% so với cùng kỳ trong năm 2022.

Nhu cầu sử dụng nước của các hộ gia đình ước đạt từ 8,2 - 8,6 triệu m3/ngày vào năm 2023 - Ảnh 3.

Chuỗi giá trị ngành nước. Nguồn: SSI Research

Thứ ba, giá bán nước bình quân (ASP) tăng 3% so với cùng kỳ. Giá nước trên thị trường do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định. Cụ thể, giá bán nước bình quân tại TP.HCM và Bình Dương tăng 5% so với cùng kỳ trong năm 2022. Ngược lại, Hà Nội và Hải Phòng, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu không tăng giá.

Nhờ các yếu tố hỗ trợ trên, trong 9 tháng 2022, doanh thu và lợi nhuận của các công ty niêm yết trong ngành nước lần lượt đạt 21 nghìn tỷ đồng (hay 882 triệu USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ) và 3,1 nghìn tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ). 

Triển vọng nào cho ngành nước sạch trong năm 2023?

Khát quát cho triển vọng ngành nước trong năm 2023, SSI Research đã chia các công ty cấp nước thành hai nhóm: (i) các công ty sở hữu mạng lưới phân phối nước (BWE, DNW, Sawaco, Hawaco,CTW, HPW, DNA, BWS, HDW, NBW, GDW, LKW, BDW, NAW, NQB, PJS , TAW, VPW,…); và (ii) các công ty sở hữu nhà máy xử lý nước (DNP, TDM, VCW).

Cụ thể, với các công ty sở hữu và vận hành mạng lưới phân phối nước. Các công ty có hệ thống phân phối nước được sự quản lý của UBND tỉnh, điều này đồng nghĩa với việc các công ty này độc quyền phân phối. Vì vậy, hiệu quả hoạt động của các công ty cấp nước phụ thuộc vào tỷ lệ thất thoát nước cũng như mật độ dân số trên địa bàn phân phối.

"Đối với những công ty này, chúng tôi ước tính doanh thu tăng 8% so với cùng kỳ vào năm 2023. Cụ thể, lượng nước tiêu thụ trung bình tăng 6% so với cùng kỳ, trong khi giá nước bán lẻ bình quân tăng 3% so với cùng kỳ", chuyên gia của SSI Research, nêu.

Nhu cầu sử dụng nước của các hộ gia đình ước đạt từ 8,2 - 8,6 triệu m3/ngày vào năm 2023 - Ảnh 4.

Nhu cầu nước (nm m3/ngày). Nguồn: SSI Research

Một trong các yếu tố hỗ trợ kết quả kinh doanh này của các doanh nghiệp ngành nước là do dhu cầu nước tăng trưởng ổn định 5% so với cùng kỳ. 

Theo Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA), tổng công suất của các nhà máy xử lý nước tại Việt Nam đạt từ 11,2 triệu m3 đến 11,5 triệu m3/ngày. Mặt khác, nhu cầu sử dụng nước của các hộ gia đình ước tính đạt từ 8,2 triệu m3 đến 8,6 triệu m3 mỗi ngày (tăng 6% so với cùng kỳ) vào năm 2023. 

"Chúng tôi dự báo nhu cầu tiêu thụ nước tại Hà Nội sẽ tăng 12% trong giai đoạn 2025~2030, và tăng bình quân 6~8%/năm tại TP.HCM trong cùng giai đoạn", chuyên gia SSI Research nêu.

Nhu cầu sử dụng nước của các hộ gia đình ước đạt từ 8,2 - 8,6 triệu m3/ngày vào năm 2023 - Ảnh 5.

Suất vốn đầu tư nhà máy cấp nước và xử lý nước (đồng/m3). Nguồn: SSI Research

Thứ hai, hiệu quả hoạt động của các công ty phân phối nước tiếp tục được cải thiện. Tỷ lệ thất thoát nước trung bình dự kiến sẽ giảm từ 17,5% vào năm 2022 xuống còn 16,5% vào năm 2023, khi các công ty cấp nước áp dụng hệ thống phát hiện rò rỉ nước cải tiến, bên cạnh việc cải thiện mạng lưới đường ống dẫn nước cho người tiêu dùng cuối.

Thứ ba, giá bán lẻ nước sạch bình quân tăng 3~5% so với cùng kỳ. 

"Chúng tôi dự báo giá bán nước sạch bình quân sẽ tăng khoảng 3~5% tùy theo tỉnh/thành phố. Trong đó, Hà Nội và TP.HCM có khả năng tăng giá bán lẻ bình quân 5% và Bình Định có khả năng tăng giá bán bình quân 3% trong năm 2023. Những khu vực khác như Bình Dương, Hải Phòng và Đồng Nai có khả năng sẽ không tăng giá bán lẻ bình quân trong năm 2023. 

Riêng giá nước công nghiệp, khả năng giá sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu ngày càng tăng của các các khách hàng trong khu công nghiệp, đặc biệt các nhà đầu tư FDI", chuyên gia SSI Research dự báo.

Nhu cầu sử dụng nước của các hộ gia đình ước đạt từ 8,2 - 8,6 triệu m3/ngày vào năm 2023 - Ảnh 7.

Giá bán nước theo tỉnh thành (đồng/m3) năm 2022. Nguồn: SSI Research

Về rủi ro với ngành, việc xử lý ô nhiễm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của công ty cấp nước.

Cụ thể, Luật Tài nguyên nước và Môi trường sẽ được thông qua vào năm 2023, trong đó quy định rõ nguồn nước có thể khai thác, và chi phí thuế tài nguyên môi trường sẽ được tính theo sản lượng khai thác thay vì theo công suất. 

Do đó, dự báo các công ty cấp nước sẽ ghi nhận mức phí cao hơn. Chi phí nguyên vật liệu chiếm 30~35% chi phí hoạt động của các doanh nghiệp nước. Hóa chất chiếm 21% chi phí nguyên vật liệu. Ngoài ra, thuế tài nguyên tại các tỉnh dao động trong khoảng 48~50 VND/m3 vào năm 2023. 

"Chúng tôi dự báo tỷ suất lợi nhuận gộp ở các DN này sẽ giảm 0,2~0,4% do chi phí nguyên vật liệu và thuế tài nguyên nước tăng", chuyên gia SSI dự báo.

Riêng với các doanh nghiệp sở hữu nhà máy nước, các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của nhà máy xử lý nước bao gồm: (i) khoản đầu tư nhà máy nước; (ii) khoảng cách từ nhà máy đến nguồn nguyên liệu (nước mặt hoặc nước ngầm); và (iii) sản lượng và giá bán cho các công ty phân phối. 

Hiện, tỷ suất lợi nhuận ròng của các nhà máy nước hiện tại đạt 35~40%. Tuy nhiên, suất vốn đầu tư các nhà máy xử lý nước sạch tăng theo thời gian. 

Cụ thể, theo các công ty nước niêm yết, suất vốn đầu tư nhà máy xử lý nước sạch tại một số công ty nước niêm yết giai đoạn 2022 - 2023 sẽ đạt 5.300 đồng/m3 - cao hơn mức 4.600 đồng/m3 bình quân giai đoạn 2020 - 2021.

Theo Bộ Xây dựng, đến năm 2022, Việt Nam có 750 nhà máy nước sạch ở khu vực đô thị và nông thôn đi vào hoạt động, với tổng công suất 11,2 triệu m3/ngày.

Quy hoạch các nhà máy nước được Bộ Xây dựng quy định tại Thông tư 01/2021/TT-BXD, phù hợp với quy hoạch của từng địa phương trong đó các công ty tư nhân được phép tham gia. Trong khi đó, hệ thống phân phối được quản lý bởi công ty cấp thoát nước và môi trường tỉnh.