ChatGPT đang gây bão trên toàn thế giới. Hàng triệu người dùng liên tục chia sẻ những trải nghiệm thú vị mà họ có được khi trò chuyện với chatbot AI này, từ việc nhờ nó giải toán, viết code, cho đến viết một bài tiểu luận. Chatbot này cũng có thể trở thành một người bạn tâm giao, nó có thể đưa ra những lời khuyên giúp bạn cải thiện các mối quan hệ, những lời khuyên về sức khỏe và thậm chí có thể kể bạn nghe một câu chuyện cười thú vị.
Bạn đã bao giờ tự hỏi làm thế nào nó có thể thực hiện điều này một cách đáng kinh ngạc như vậy chưa? Câu trả lời cho điều này nằm ở tốc độ và sự hiểu biết về các chủ đề phức tạp.
Gần đây, OpenAI đã nêu bật cách ChatGPT thực sự hoạt động trên trang web của mình. Công ty nói rằng ChatGPT là một mô hình anh em với InstructGPT, được đào tạo để làm theo hướng dẫn ngay lập tức và cung cấp phản hồi chi tiết.
Theo một bài báo đăng trên BBC Science Focus, mô hình này đã được đào tạo bằng cách sử dụng cơ sở dữ liệu từ internet bao gồm 570 GB dữ liệu khổng lồ có nguồn gốc từ sách, wikipedia, bài báo nghiên cứu, webtext, trang web và các dạng nội dung và bài viết khác trên mạng. Khoảng 300 tỉ từ đã được đưa vào hệ thống.
Là một hệ thống ngôn ngữ lớn, mô hình này hoạt động dựa trên xác suất do đó nó có thể dự đoán từ tiếp theo hoặc dấu nhắc trong câu. Điều này có thể thực hiện được khi mô hình trải qua giai đoạn thử nghiệm có giám sát.
ChatGPT được nạp vào những câu lệnh đầu vào (input) như "Cà chua là trái cây hay rau?", và nhóm phát triển hiển nhiên có câu trả lời chính xác (đầu ra, output) để nạp vào hệ thống. Tuy nhiên, điều này không đảm bảo nó sẽ đưa ra một câu trả lời chính xác, bởi vẫn phải dựa vào câu hỏi hay bản chất của chỉ thị. Nếu mô hình hiểu sai, câu trả lời đúng sẽ được nạp lại để huấn luyện nó phản hồi chính xác vào lần tiếp theo, và cũng giúp tăng cường kho tàng kiến thức của nó.
Sau đó, nó trải qua giai đoạn tiếp theo, nơi nó đưa ra các phản hồi đa dạng và người huấn luyện sẽ xếp hạng các câu trả lời từ phù hợp nhất cho đến sai.
Mô hình này đi trước một bước so với các mô hình hiện có khác vì ChatGPT tiếp tục học hỏi và phát triển dựa trên kiến thức của mình, đồng thời hiểu bản chất của câu hỏi, sau đó đưa ra câu trả lời tương ứng, từ đó cho phép phép ChatGPT trả lời tất cả các câu hỏi mà người dùng đặt ra.
Điều làm nên sự khác biệt của công nghệ này là nó tiếp tục học trong khi đoán từ tiếp theo sẽ là gì, không ngừng nâng cao hiểu biết của nó về các gợi ý và câu hỏi để trở thành "một nhà thông thái".
Bởi được huấn luyện bằng thuật toán học tăng cường, mô hình này học hỏi và tự cập nhật không ngừng nghỉ để tìm ra được câu trả lời phù hợp dựa trên bản chất câu hỏi. Nó còn có thể kiêm vai trò một phần mềm autocomplete nhưng thông minh hơn, để hỗ trợ khi bạn bắt đầu gõ một câu nào đó - nói cách khác, nó dự đoán được hành động tiếp theo sắp xảy ra.
Tuy nhiên, mô hình này vẫn thất bại khi trả lời câu hỏi ở một số chủ đề nhất định. Ví dụ, nó không thể trả lời được mối liên hệ giữa bản thân với các GAN (mạng đối nghịch tạo sinh), và cần bổ sung thêm nhiều lớp xác thực để thu thập thông tin tốt hơn.
Ngoài ra, trong nỗ lực chịu trách nhiệm và nhận thức được khả năng AI có thể bị thao túng để tạo ra nội dung sai lệch hoặc có hại, OpenAI đã đảm bảo rằng Chatbot được giới hạn khả năng phản hồi của nó đối với những câu hỏi không phù hợp với nguyên tắc đặt ra.
Khi bàn về việc liệu ChatGPT có tiềm năng thay thế các nhà phát triển phần mềm trong tương lai hay không, một người dùng Twitter giải thích rằng dù mô hình AI này có thể tạo ra những đoạn văn bản hệt như con người, nó vẫn có những hạn chế trong việc hiểu và kiểm soát các hệ thống phức tạp mà chỉ con người làm được. Chưa hết, một mô hình ngôn ngữ như ChatGPT không có suy nghĩ hay năng lực sáng tạo độc lập, vốn là những kỹ năng vô cùng quan trọng mà một nhà phát triển phải có. Nói ngắn gọn, dù các mô hình ngôn ngữ quy mô lớn như ChatGPT có thể hỗ trợ các nhà phát triển hoàn thành những tác vụ nhất định, nhưng chúng không thể thay thế con người hoàn toàn.
Xu hướng liên quan ChatGPT hiện cũng là một trong những chủ đề được thảo luận sôi nổi nhất trong cộng đồng tài chính, đặc biệt là crypto. Sự phổ biến bất ngờ của chatbot này đã thôi thúc giới đầu tư đua nhau tìm mua những token liên quan đến AI, khiến giá của chúng tăng đến 77%.
Trong số những token được hưởng lợi nhiều nhất chính là DeepBrain Chain (DBC), với mức tăng 76,7% chỉ trong vòng một tuần sau khi ChatGPT ra mắt. Tiếp sau đó là Numeraire (NMR), token AI có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất hiện nay, với mức tăng 54,5% cũng trong cùng khoảng thời gian, từ 11,26 USD lên 17,40 USD.