Bất chấp Mỹ và nhiều nước châu Âu đang gửi xe tăng đến giúp Ukraine chống lại quân đội Nga, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán đã công khai đặt câu hỏi về khả năng tồn tại của Ukraine với tư cách là một quốc gia có chủ quyền, theo The Hill.
Theo đó, Thủ tướng Viktor Orbán gần đây đã nói với một nhóm gồm các nhân vật bảo thủ rằng, Nga đã thành công trong việc biến Ukraine thành một đống đổ nát mà không ai có thể kiểm soát được.
“Bây giờ (Ukraine) là Afghanistan”, ông Orbán nói trong một cuộc thảo luận bàn tròn được mô tả trong The American Conservative.
Nhà lãnh đạo Hungary cũng lập luận rằng, Tổng thống Vladimir Putin sẽ không thua cuộc và thời gian đang đứng về phía Nga, đồng thời gọi Ukraine là “vùng đất không người ở".
Đó là một thông điệp gần như hoàn toàn trái ngược với những luận điệu bay xung quanh phần còn lại của liên minh phương Tây, mới tuần trước đã vượt qua một lằn ranh đỏ khác khi cam kết cung cấp cho Ukraine hàng chục xe tăng hiện đại.
Và thông điệp đó cũng làm gia tăng căng thẳng giữa Hungary và nước láng giềng Ukraine. Những tuyên bố của ông Orbán đã gây ra sự phẫn nộ trong giới chức Ukraine. Kiev nói rằng họ sẽ triệu tập đại sứ Hungary.
Quay trở lại Budapest, các chuyên gia nhận định rằng, cách tiếp cận của Orbán một phần được coi là một "mưu đồ" chính trị trong nước nhằm đánh lạc hướng công chúng khỏi những khó khăn kinh tế của Hungary đồng thời duy trì mối quan hệ lâu dài với Điện Kremlin.
Tuy nhiên, điều đó cũng cho thấy khoảng cách ngày càng lớn giữa chính quyền Orbán và phần còn lại của các đồng minh EU và NATO của ông.
Theo các chuyên gia, thực chất, ông Orbán không phải là người chống Ukraine, những lời tuyên bố của nhà lãnh đạo Hungary này chỉ đơn giản là một nỗ lực để chơi với cả hai bên và giành được điểm chính trị trong nước.
Thủ tướng Orbán được cho là đã dành nhiều năm để thực hiện chính sách đối ngoại kép: Tận hưởng lợi ích của tư cách thành viên EU và NATO trong khi phát triển các mối quan hệ sinh lợi với Moscow, Bắc Kinh...
Bất chấp cuộc chiến ở Ukraine, Hungary vẫn đang tiến hành dự án mở rộng nhà máy điện hạt nhân ở nước này cùng với tập đoàn Rosatom của Nga. Các quan chức Hungary vẫn tiếp tục đến Nga để thảo luận về các thỏa thuận năng lượng. Hungary - vốn phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga đã ký một thỏa thuận cung cấp năng lượng nhiều hơn với Moscow vào mùa hè năm ngoái - ngay khi những nước khác giảm nhập khẩu.