Từ sáng sớm 2/2, (tức ngày 12 tháng Giêng năm Qúy Mão), đông đảo người dân xã Bắc Sơn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ đã có mặt tại đình làng để tham gia hội làng Gia Dụ với các phần thi kéo lửa, giã gạo thổi cơm, tung cầu...
Trong đó, hội thổi cơm thi truyền thống được tổ chức để tưởng nhớ công ơn của thành hoàng làng, các vị anh hùng có công với nước với dân, cầu cho mưa thuận gió hòa, người người, nhà nhà được ấm no, hạnh phúc.
Tương truyền, làng Gia Dụ bao quanh đỏ nặng phù sa, phong cảnh hữu tình, nhân dân sống yên bình với nghề trồng lúa nước.
Vào đời Vua Hùng thứ 18, ba vị Đại vương là Ngọc Thanh, Ngọc Yến, Ngọc Thành đi dẹp loạn giữ nước, khi về đến làng Gia Dụ thấy "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" nên đã quyết định lập đồn trú lại.
Tại đây, ba vị Đại vương đã triệu tập các bô lão và toàn thể nhân dân trong làng lập đền thờ, miếu mạo, Ba vị Đại vương tổ chức lễ khao quân với các trò chơi chẻ tre, kéo lửa, thổi cơm thi, tung cầu đạt giải nhằm chọn được những người có sức, có đức, có tài để giữ làng giữ nước.
Từ đó, cứ đến ngày 12 tháng Giêng hằng năm, bà con làng Gia Dụ lại tổ chức hội kéo lửa nấu cơm thi để tưởng nhớ công ơn của các vị anh hùng đã đem lại bình yên cho dân chúng.
Cho đến nay, hội thổi cơm thi vẫn là lễ hội vô cùng độc đáo, gắn bó với phong tục tập quán của người Việt và tô đậm thêm truyền thống văn hóa giữ nước của cha ông.
Tham gia hội thi, các đội sẽ thi để nấu được một nồi cơm chín dẻo, thơm và trong thời gian nhanh nhất để dâng lên Thành hoàng làng và các vị thần linh.
Trong lúc đàn ông kéo lửa, chị em phụ nữ trong đội sẽ thay nhau giã thóc, sàng, sảy cho ra những hạt gạo tròn, mẩy, trắng để nấu cơm. Nước dùng để nấu cơm là được cất lọc từ những giọt nước mưa tinh khiết ở mái đình đựng trong hũ.
Để có nồi cơm thơm dẻo, toàn đội phải tập trung điều chỉnh sao cho lửa cháy đều. Song song với việc thổi cơm, các đội còn phải nấu nồi canh từ rau, củ thơm mát.
Khi cơm đã dậy mùi thơm ngọt sẽ được đơm ra bát sứ. Hạt cơm phải căng, trắng, chín dẻo mới đạt ngon. Mâm cơm canh chín, đạt chất lượng sẽ được dâng lên thắp hương làm lễ tế thần.