Theo Cổng thông tin điện tử TP Hà Nội, Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh diễn ra trong hai ngày, 14 và 15 tháng Giêng năm Quý Mão.
Bên cạnh những nghi thức cổ truyền được phục dựng, duy trì, lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian, các hoạt động thi đấu thể thao, giao lưu văn nghệ, như: Kéo co, bắn nỏ, ném còn, cà kheo, đẩy gậy, leo núi, cờ tướng, chọi gà, bóng chuyền, bóng đá…, mang đến không khí du Xuân, trẩy hội đầy hấp dẫn cho nhân dân và du khách.
Tại lễ khai hội, các đại biểu cùng đông đảo nhân dân và du khách đã tham gia nghi thức dâng hương tưởng nhớ công ơn Đức Thánh Tản, cầu cho mưa thuận, gió hòa, nhân cường, vật thịnh, dân sinh ấm no, hạnh phúc.
Cũng tại đây, các đại biểu và nhân dân đã thưởng thức màn trình diễn trống hội, hát múa Trường ca sử Việt và sử thi tái hiện truyền thuyết Sơn Tinh cầu hôn con gái Vua Hùng, giúp dân chế ngự thiên tai.
Trước đó, nghi lễ rước kiệu liên vùng dâng lễ bái tế Đức mẫu Thánh Tản tại đền Mẫu Lăng Sương (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) và rước kiệu lễ, hạ lộc từ đền Lăng Sương về đền Hạ, huyện Ba Vì, Hà Nội, đã được thực hiện với đầy đủ nghi thức truyền thống, tạo nên một không gian văn hóa thiêng liêng và đặc sắc.
Phát biểu tại Lễ khai hội, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết, Ba Vì không chỉ nổi tiếng về cảnh quan tươi đẹp, sơn thủy hữu tình, mà còn là vùng đất cổ, không gian văn hóa đậm đặc gắn với truyền thuyết Tản Viên Sơn Thánh, vị anh hùng thời kỳ dựng nước của dân tộc và tục thờ cúng Tản Viên đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa tinh thần lâu đời của nhiều thế hệ người dân Ba Vì.
Những năm qua, huyện Ba Vì luôn xác định rõ di sản văn hóa là cốt lõi của bản sắc dân tộc, tài sản vô giá giúp gắn kết cộng đồng, để luôn quan tâm, chỉ đạo bảo tồn và phát huy giá trị các lễ hội truyền thống, trong đó, nổi bật là Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh, tại cụm di tích đền Thượng, đền Trung, đền Hạ.
Ông Hưng nhấn mạnh, sau 14 năm nỗ lực khôi phục, tôn vinh và quảng bá, những giá trị văn hóa của lễ hội Tản Viên Sơn Thánh đã được bảo tồn và lan tỏa mạnh mẽ, góp phần nhân lên niềm tự hào về bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc, giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ.
Được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2018, Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh mang ý nghĩa tri ân công đức vị thần đứng đầu trong "Tứ bất tử" của người Việt - người đã giúp dân khai sơn, trị thủy, dạy cách làm ruộng, săn bắn, dệt lụa, hát ca và mở hội.
Khắp một dải xứ Đoài rộng lớn, đâu đâu cũng có những di tích đình, đền gắn với tục thờ cúng Tản Viên Sơn Thánh, trong đó, nổi bật là cụm di tích đền Thượng, đền Trung, đền Hạ (khu vực núi Ba Vì), với những nghi thức linh thiêng và độc đáo, mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc Mường, Dao, là biểu tượng cho ước vọng chinh phục thiên nhiên, bảo vệ non sông và thần tiên hòa mình cùng dân tộc.