Dân Việt

Vô ý gây TNGT không gây hậu quả nghiêm trọng, tài xế có phải bồi thường?

Quốc Phương/Báo Giao thông 05/02/2023 10:17 GMT+7
Theo luật sư, người gây thiệt hại trong trường hợp bất khả kháng hoặc hoặc hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì không phải bồi thường.

Một tài xế ở Hải Dương cho biết, trong lúc chở hàng thì có một cháu bé bất ngờ chạy ngang đường. Do đánh lái và phanh gấp để tránh cháu bé, nên xe ô tô đã vô tình quệt với một xe đạp đi chiều ngược lại. Do 2 xe đều đi với tốc độ chậm nên người đi xe đạp chỉ bị xây xước.

"Sự việc chỉ là vô tình chứ hoàn toàn không phải lỗi của tôi và hậu quả cũng không nghiêm trọng, nhưng người đi xe đạp yêu cầu bồi thường tiền thuốc, tiền do phải nghỉ làm việc mấy hôm. Xin hỏi, như vậy thì tôi có phải chịu trách nhiệm bồi thường hay không?", tài xế ô tô hỏi.

Vô ý gây TNGT không gây hậu quả nghiêm trọng, tài xế có phải bồi thường? - Ảnh 1.

Người gây thiệt hại trong trường hợp bất khả kháng hoặc không do lỗi thì không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Giải đáp thắc mắc trên, luật sư Nguyễn Thị Thuý Kiều, Giám đốc Công ty Luật TNHH Bắc Nam (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015; khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Theo đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi hội đủ các căn cứ: Có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác; Có thiệt hại xảy ra (về vật chất, về tinh thần(; Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi xâm phạm (thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi xâm phạm và ngược lại hành vi xâm phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại).

Bộ luật Dân sự 2015 không còn quy định yếu tố lỗi là yếu tố bắt buộc để làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, mà mở rộng trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngay cả khi không có lỗi.

Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 584 của Bộ luật này và khoản 3 Điều 2 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP (có hiệu lực từ ngày 1/1/2023), trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Như vậy, trong trường hợp này, tài xế ô tô tham gia giao thông và gây thiệt hại cho người đi xe đạp. Trừ khi chứng minh được tài xế ô tô gây tai nạn do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của người đi xe đạp thì tài xế ô tô mới không phải chịu trách nhiệm bồi thường. Còn dù là lỗi vô ý nhưng tài xế ô tô vẫn có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị nạn.

"Vấn đề bồi thường thiệt hại trước hết do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì sẽ giải quyết dựa trên nguyên tắc, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm được quy định tại Điều 585, Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015; Điều 3, Điều 7 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao", luật sư Kiều cho hay.