Giá dầu đã giảm mạnh trong phiên cuối tuần qua, dầu Brent về dưới mốc 80 USD/thùng, đẩy mức giảm xăng dầu cả tuần xuống sâu, gần 8%.
Giá dầu thế giới được ghi nhận vào sáng ngày 6/2 (7h07 theo giờ Việt Nam) cụ thể như sau: Dầu thô WTI của Mỹ ổn định ở mức 73,697 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent ở mức 80,103 USD/thùng.
Mặc dù các nhà đầu tư vẫn đang dành nhiều sự chú ý về lệnh cấm vận của EU đối với các sản phẩm lọc dầu của Nga, nguồn cung không còn là nỗi lo lớn như trước. Mỹ hiện là quốc gia đang giúp EU giải quyết bài toán này khi lượng dầu thô của Mỹ được xuất khẩu sang châu Âu đã tăng đáng kể trong những tháng gần đây.
Các nhà phân tích nhận định rằng bất kỳ sự sụt giảm nào về lượng dầu thô của Nga vận chuyển vào EU có thể sẽ được bù đắp phần lớn bằng sự gia tăng về lượng dầu thô đến từ Mỹ. CME Group cho biết chỉ riêng trong năm 2022, tổng lượng dầu vận chuyển của Mỹ đến châu Âu đã tăng khoảng 70% so với năm 2021, đạt 1,75 triệu thùng/ngày. Xuất khẩu dầu thô của Nga sang châu Âu đã giảm về dưới 200.000 thùng/ngày trong vòng một tháng qua.
Trong các phiên gần đây, khi tác động từ các yếu tố cơ bản về cung cầu giảm bớt, sự tương quan giữa dầu thô và các yếu tố vĩ mô đang tăng lên. Sự phục hồi của đồng USD đang làm gia tăng sức ép bán trên thị trường dầu, nhất là khi sức mua vốn đã yếu.
Ngày 4/2, giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 1 tháng qua sau phiên giao dịch cuối tuần đầy biến động.
Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent chuẩn toàn cầu mất 2,43 USD, tương đương 3%, xuống 79,74 USD/thùng, sau khi lên cao nhất phiên ở 84,2 USD; dầu WTI mất 2,66 USD, tương đương 3,4%, về 73,22 USD/thùng.
Như vậy, giá dầu Brent ghi nhận mức giảm 7,8% trong tuần qua trong khi dầu WTI giảm 7,9%.
Giá dầu biến động phiên cuối tuần sau khi dữ liệu việc làm của Mỹ công bố tăng, dấy lên lo ngại về những đợt tăng lãi suất cao hơn của Cục Dự trữ liên bang Mỹ trong chiến lược chống lạm phát.
Trong một diễn biến khác, Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) cho biết các nước thuộc EU đã đồng ý đặt giá trần đối với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga nhằm hạn chế... ngân quỹ của Nga đổ vào cuộc xung đột kéo dài với Ukraine. Phía Nga thì cho rằng, lệnh cấm vận của EU đối với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga sẽ dẫn đến sự "mất cân bằng" nhiều hơn trên thị trường năng lượng toàn cầu.
Tại thị trường trong nước, ngày 30/1, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 30/1.
Theo đó, trước diễn giá xăng dầu thế giới tăng cao, ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu trong nước và tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân, liên Bộ Bộ Công Thương – Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều hành giá xăng dầu vào ngày 30/1/2023.
Tại kỳ điều hành này, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng mức chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 lên mức 850 đồng/lít, xăng RON 95 lên mức 950 đồng/lít. Đồng thời, giảm mức trích lập Quỹ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với tất cả các mặt hàng dầu về mức 200 đồng/lít/kg, để giá các mặt hàng xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính cũng quyết định thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với dầu diesel ở mức 200 đồng/lít (kỳ trước 605 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 200 đồng/lít (kỳ trước 650 đồng/lít); dầu Mazut ở mức 200 đồng/kg (kỳ trước 300 đồng/lít).
Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 6/2 như sau: Xăng E5 RON 92 không cao hơn 22.329 đồng/lít (tăng 977 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 818 đồng/lít; Xăng RON 95-III không cao hơn 23.147 đồng/lít (tăng 993 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu điêzen 0.05S không cao hơn 22.524 đồng/lít (tăng 890 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành); Dầu hỏa không cao hơn 22.576 đồng/lít (tăng 767 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 13.934 đồng/kg (tăng 568 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).
Liên Bộ Công Thương-Tài chính cho biết, thị trường xăng dầu thế giới từ ngày 11/01/2023-30/01/2023 chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: Việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế sau một thời gian dài áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt để phòng chống đại dịch Covid-19; tác động của việc áp dụng giá trần do phương Tây áp đặt lên dầu mỏ của Nga; đồng USD yếu hơn cộng với việc OPEC+ được dự báo sẽ giữ nguyên chính sách cắt giảm sản lượng trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tiếp tục được cải thiện;…các yếu tố này tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là tăng.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 11/01/2023 cho đến ngày 30/01/2023 là: 98.859 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (tăng 10.239 USD/thùng, tương đương tăng 11,55% so với kỳ trước); 102.269 USD/thùng xăng RON 95 (tăng 10.247 USD/thùng, tương đương tăng 11,14% so với kỳ trước); 117.710 USD/thùng dầu hỏa (tăng 7.993 USD/thùng, tương đương tăng 7,29% so với kỳ trước); 116.994/thùng dầu điêzen (tăng 8.414 USD/thùng, tương đương tăng 7,75% so với kỳ trước); 397,803 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (tăng 26,648 USD/tấn, tương đương tăng 7,18% so với kỳ trước).
Phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường; bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với biến động của giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá xăng đã có 4 đợt điều chỉnh, trong đó có 2 đợt tăng, 1 đợt giảm và 1 lần giữ nguyên.
Được biết, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, thời gian điều hành giữa 2 kỳ được đề xuất sửa đổi theo hướng rút ngắn thời gian điều hành/công bố giá xăng dầu từ 10 ngày (như hiện nay) xuống mức 7 ngày, quy định vào 1 ngày cụ thể trong tuần.
Theo dự thảo, thời gian điều hành giá xăng dầu vào ngày thứ năm hàng tuần, không kể ngày nghỉ lễ (trừ trường hợp trùng vào ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3 tháng 1 âm lịch của Tết Nguyên đán). Trường hợp thứ năm trùng vào những ngày từ mùng 1 đến mùng 3 tháng 1 âm lịch, kỳ điều hành sẽ được chuyển đến ngày mùng 4 tháng 1 âm lịch. Đây là khác biệt đáng kể với quy định hiện hành khi Nghị định 95 nêu rõ kỳ nghỉ lễ không điều hành giá xăng dầu, dịp Tết Nguyên đán kỳ điều hành sẽ được lùi sang kỳ tiếp theo.
Đối với trách nhiệm điều hành giá xăng dầu, dự thảo nêu rõ: Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính trong công tác điều hành giá xăng dầu bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu để duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Còn Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương điều hành giá bán xăng dầu, điều hành trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá. Mức trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá tại thời điểm công bố giá cơ sở thực hiện sau khi thống nhất với Bộ Công Thương. Khi có ý kiến khác nhau, Bộ Tài chính quyết định và chịu trách nhiệm; trường hợp cần thiết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Giải thích việc muốn Bộ Tài chính chủ trì điều hành giá xăng dầu, tại dự thảo Tờ trình, Bộ Công Thương nêu rằng: Việc này nhằm tập trung quản lý giá về 1 đầu mối, phù hợp với chức năng nhiệm vụ, chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Tài chính.
Bộ Công Thương cũng muốn sửa đổi quy định về quyền của đại lý kinh doanh xăng dầu theo hướng cho phép cây xăng được lấy hàng từ nhiều nguồn, có thể giới hạn từ 2-3 nguồn.
Trong khi đó, quan điểm nhất quán của Bộ Tài chính là cần sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP để giao thống nhất một đầu mối về Bộ Công Thương là cơ quan quản lý ngành thực hiện nhiệm vụ về xác định giá và định mức chi phí, bao gồm các nhiệm vụ về tính toán các khoản định mức trong giá cơ sở; điều hành và giám sát việc thực hiện trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; Bộ Tài Chính chỉ thực hiện chức năng thanh, kiểm tra theo đúng quy định.