Dân Việt

Không rọ mõm chó, còn đánh người: Chủ nuôi thể hiện bản tính côn đồ, kể cả xin lỗi vẫn phải xử lý

Gia Khiêm 07/02/2023 06:04 GMT+7
Đó là chia sẻ của TS.LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp sau sự việc người cha bị chủ nuôi hành hung khi bảo vệ con khỏi chó không rọ mõm ở chung cư quận 7, TP.HCM.

Kinh hãi chủ nuôi không rọ mõm chó, còn đánh người 

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 7 (TP.HCM) đang thụ lý điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ một người đàn ông bị đánh vào mặt vì cản một con chó không rọ mõm... chạy tới gần con trai mình.

Vụ việc xảy ra tại chung cư Q7 Saigon Riverside (phường Phú Thuận, quận 7) vào tối 2/2. Theo nguồn tin, chung cư Q7 Saigon Riverside quy định không được nuôi thú cưng, tuy nhiên hôm xảy ra vụ việc, Đ.T.V. (28 tuổi, trú tại quận 7) đã dắt chó của mình xuống sảnh chung cư và không rọ mõm. 

Không rọ mõm chó, còn đánh người: Chủ nuôi thể hiện bản tính côn đồ, coi thường pháp luật! - Ảnh 1.

V. lao vào đánh anh Dũng sau khi người này đẩy con chó ra xa con mình - Ảnh chụp màn hình

Lúc này, anh Nguyễn Hoàng Dũng (34 tuổi, cùng ngụ chung cư) dẫn con trai đi vào sảnh chờ thang máy ở chung cư. Con chó của V. cũng ở đây và liên tục tiến gần tới chỗ con trai anh Dũng.

Lo sợ con trai bị chó cắn, anh Dũng dùng chân đẩy con chó ra. Sau đó, anh bị V. đấm mạnh vào mặt. Mắt kính của anh Dũng vỡ và đâm vào mắt gây chảy máu (phải khâu 5 mũi), vỡ mảnh răng cửa hàm dưới trái, ngực trái có vết sưng.

Trao đổi với PV Dân Việt, TS.LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho hay, qua theo dõi clip người đàn ông cứu con mình khỏi bị chó cắn thì bị chủ vật nuôi đánh gây thương tích khiến nhiều người bức xúc, bất bình nên việc xem xét xử lý người đàn ông này là cần thiết để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội. 

Không rọ mõm chó, còn đánh người: Chủ nuôi thể hiện bản tính côn đồ, coi thường pháp luật! - Ảnh 2.

TS.LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp. Ảnh: NVCC

"Theo quy định của pháp luật thì người nuôi chó phải xích, nhốt giữ trong khuôn viên của gia đình mình. Trường hợp đưa chó ra khỏi khuôn viên của gia đình thì phải đeo rọ mõm hoặc xích có người dắt, đảm bảo an toàn cho những người xung quanh. Cụ thể, Khoản 3 Điều 66 của Luật Chăn nuôi 2018 quy định, chủ nuôi chó, mèo cần phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, đồng thời chủ vật nuôi cùng phải giữ gìn vệ sinh môi trường và bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y", luật sư Cường thông tin.

Luật sư Cường cho hay, các biện pháp bảo đảm an toàn hiện nay bao gồm đeo rọ mõm cho chó; xích giữ chó khi ra đường; một số biện pháp khác. Ngoài ra, Khoản 1 Điều 7 Nghị định 05/2007/NĐ-CP về Phòng, chống bệnh dại ở động vật quy định: "Tất cả chó, mèo trong diện tiêm phòng bắt buộc phải được tiêm vắc xin phòng bệnh dại theo quy định của cơ quan thú y". 

Người vi phạm về nuôi chó có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp không tiêm phòng, không quản lý chó nơi công cộng để chó cắn người dẫn đến hậu quả chết người thì chủ vật nuôi có thể bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định an toàn nơi đông người theo điều 295 bộ luật hình sự. 

Trường hợp đưa chó ra nơi công cộng mà không có người dắt, không xích (thả rông) mà chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng thì cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP của Chính phủ thì hành vi mang chó ra nơi công cộng không đảm bảo an toàn có thể bị phạt tiền 2.000.000 đồng: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó; không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng... 

"Như vậy, có thể thấy người đàn ông này thả chó ra sảnh nhà chung cư là hành vi vi phạm pháp luật, với hành vi này thì người đàn ông này sẽ bị xử phạt hành chính đến 2.000.000 đồng. Hành vi này còn thể hiện ý thức kém trong việc thực hiện nếp sống văn minh, gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, an toàn công cộng. 

Nếu không may trường hợp con chó cắn người gây thương tích nghiêm trọng hoặc tử vong thì người đàn ông này có thể bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn nơi đông người theo điều 295 bộ luật hình sự. Rất may mắn là cha của cháu bé đã có mặt để can thiệp kịp thời, tránh việc cháu bé bị chó cắn", luật sư Cường phân tích.

"Hành vi của chủ vật nuôi thể hiện tính chất côn đồ, coi thường pháp luật"

Luật sư cho rằng, đáng lẽ với tình huống như vậy thì chủ vật nuôi phải xin lỗi hai bố con nhưng thật bất ngờ người đàn ông này lại tấn công cha của cháu bé khiến anh này ngã xuống sàn. 

"Hành vi của chủ vật nuôi thể hiện tính chất côn đồ, coi thường pháp luật, xâm phạm đến sức khỏe của người khác, gây bức xúc dư luận. Bởi vậy, trong trường hợp người đàn ông bị thương tích có đơn đề nghị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích, đồng thời kết quả giám định thương tích cho thấy có tỷ lệ thương tích thì dù thương tích dưới 11% cơ quan điều tra vẫn có thể khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để xử lý người đàn ông này về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 Bộ luật Hình sự với tình tiết định khung là hành vi có tính chất côn đồ. Trường hợp bị xử lý hình sự thì người đàn ông này sẽ phải đối mặt với hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm", luật sư Cường nhấn mạnh.

Không rọ mõm chó, còn đánh người: Chủ nuôi thể hiện bản tính côn đồ, coi thường pháp luật! - Ảnh 3.

Hình ảnh chó thả rông không rọ mõm tại Hà Nội. Ảnh minh hoạ Viết Niệm

Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cũng cho hay, ngoài việc bị xử lý hình sự với chế tài có thể tới 3 năm tù thì người đàn ông này sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với nạn nhân, thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, thu nhập bị mất, bị giảm sút và bồi thường một khoản tiền tổn thất về tinh thần không quá 50 tháng lương cơ bản. 

"Hành vi của người đàn ông chủ vật nuôi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lý của nạn nhân. Điều đáng chú ý là chỉ vì cứu giúp, che chở cho con mình và người đàn ông này đã bị đánh thương tích. Hành vi côn đồ trước mặt trẻ em như vậy là rất đáng trách, đáng lên án. Sự việc này sẽ tạo ra cú sốc tâm lý đối với cháu bé và đối với cha của cháu bé. 

Sự việc được lan tỏa trên mạng xã hội gây bức xúc trong dư luận. Hành vi của chú vẫn nuôi rõ ràng không phù hợp với đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục, xâm phạm đến sức khỏe của người khác. Mặc dù sau khi sự việc xảy ra, người đàn ông này đã tỏ ra hối lỗi, xin lỗi người bị hại và không còn gì để bào chữa cho hành vi sai trái của mình. Tuy nhiên cũng cần phải có mức xử lý phù hợp để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội. Xử lý vụ việc này như thế nào, xử lý đến đâu trước tiên sẽ phụ thuộc vào yêu cầu của người bị hại", luật sư nhấn mạnh. 

Trong trường hợp người bị hại đề nghị xử lý và kết quả giám định thương tích có phần trăm thương tích thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội cố ý gây thương tích để xử lý đối với chủ vật nuôi. 

Trường hợp người bị hại không có đơn đề nghị xử lý hoặc rút đơn thì cơ quan chức năng cũng sẽ xử phạt vi phạm hành chính đối với người đàn ông này vì nhiều lỗi trong đó có lỗi thả rông vật nuôi và hành hung gây thương tích đối với người khác. 

Theo quy định của pháp luật, người có hành vi cố ý gây thương tích cho người khác nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng. 

"Việc xử lý nghiêm minh đối với người đàn ông này để đảm bảo công bằng xã hội, để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội, tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra. Việc xử lý nghiêm mình cũng đảm bảo để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của công dân nơi công cộng", luật sư Cường nói thêm.