Dân Việt

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh điều này

Thế Anh 07/02/2023 10:31 GMT+7
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ GTVT sẽ tiếp tục nâng cấp để khai thác hiệu quả tuyến đường sắt Bắc – Nam và chuẩn bị phấn đấu khởi công các đoạn ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được ưu tiên

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của Vùng.

Theo đó, Bộ GTVT quyết tâm đến năm 2025 hoàn thành đưa vào khai thác tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đưa tổng chiều dài đường cao tốc trong vùng lên 1.390km.

"Hoàn thành tuyến đường bộ ven biển, cải tạo nâng cấp các tuyến quốc lộ đã có trong danh mục đầu tư công trung hạn", Bộ trưởng Thắng nêu rõ.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam nào được ưu tiên khởi công? - Ảnh 1.

Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây sắp hoàn thành. Ảnh: Thế Anh

Bộ trưởng Thắng cho hay: "Đến năm 2030, hoàn thành các tuyến cao tốc trục ngang có lưu lượng lớn. Nâng cấp các tuyến quốc lộ trọng yếu kết nối Đông Tây đặc biệt là kết nối với các cảng biển lớn".

Người đứng đầu Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT sẽ tiếp tục nâng cấp để khai thác hiệu quả tuyến đường sắt Bắc – Nam hiện tại, chuẩn bị đầu tư để phấn đấu khởi công các đoạn ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

"Nghiên cứu kêu gọi đầu tư tuyến đường sắt kết nối vùng với khu vực Tây Nguyên và cửa khẩu quốc tế, khôi phục tuyển đường sắt phục vụ du lịch Tháp Chàm - Đà Lạt", Bộ trưởng Thắng nêu rõ.

Cùng đó, Bộ GTVT nâng cao hiệu quả khai thác các hàng lang vận tải thủy ven biển và các tuyển vận tải thủy kết nối với các cảng biển. Phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa phục vụ du lịch và kết nối từ bờ ra đảo.

Bộ GTVT huy động nguồn lực đầu tư các bến cảng thuộc các cảng biển có tiềm năng phát triển thành cảng đặc biệt như Nghi Sơn, Cửa Lò, Liên Chiểu, Vân Phong; Nâng cấp, cải tạo và nâng cao hiệu quả khai thác 9 cảng hàng không hiện có trong vùng.

Bên cạnh đó, sẽ đầu tư xây dựng cảng hàng không Phan Thiết, Quảng Trị, nghiên cứu khai thác lưỡng dụng sân bay Thành Sơn và đầu tư một số sân bay chuyên dụng. Phát triển đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, khu vực và quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các hành lang kinh tế trọng điểm.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, để đạt được các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển, tạo động lực tăng trưởng cho Vùng, Bộ GTVT đề xuất một số giải pháp.

Bộ GTVT đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng trong quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông để tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, tăng năng lực cạnh tranh vùng.

"Đầu tư kết cấu hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, hỗ trợ phát triển các ngành kinh tế biển, mở rộng quan hệ đối ngoại, nhất là với nước bạn Lào và các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông", Bộ trưởng Thắng khẳng định.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam nào được ưu tiên khởi công? - Ảnh 2.

Hệ thống đường sắt quốc gia đang khai thác. Ảnh: VNR

Cần huy động vốn tư nhân

Ngoài những nội dung nêu trên, Bộ trưởng Thắng cho biết thêm, cần đa dạng nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng cơ chế, chính sách đột phủ để huy động vốn tư nhân, vốn hợp pháp khác tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông.

Trong đó, cần phải ưu tiên các nguồn lực để đầu tư các công trình trọng điểm, có vai trò động lực, lan toả, liên kết vùng, kết nối các cảng biển và cửa khẩu quốc tế. Kết hợp hiệu quả nguồn vốn Trung ương và địa phương với nguồn vốn huy động ngoài ngân sách.

Các địa phương sớm hoàn thành quy hoạch tỉnh đảm bảo phù hợp, đồng bộ với các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng, khai thác có hiệu quả quỹ đất sau khi các dự án kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư. Kiện toàn bộ máy đủ năng lực để làm cơ quan chủ quản và chủ đầu tư các dự án đường bộ cao tốc; chỉ đạo quyết liệt công tác GPMB và quản lý chặt chẽ hành lang an toàn giao thông.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, logistics triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm ATGT. Ứng dụng công nghệ trong tổ chức, điều hành giao thông, giam ủn tắc tại khu vực ra vào đầu mỗi vận tải lớn (cảng biển, cảng hàng không).