Dân Việt

Hà Nội cần lượng lớn lao động làm ngành IT

Thùy Anh 07/02/2023 13:01 GMT+7
Theo dự báo, một số ngành kinh tế trọng điểm sẽ "hút" lực lượng lớn lao động. Dẫn đầu trong nhóm ngành này là ngành công nghệ thông tin (IT), con số tuyển dụng có thể lên tới 15.000 lao động trong năm 2023 này, tại Hà Nội.

Thị trường lao động khởi sắc dần, nhu cầu tuyển dụng lao động công nghệ thông tin - IT tăng 

Tất cả những dự báo vĩ mô, lẫn vi mô từ trung ương tới các đơn vị đều cho thấy những dấu hiệu tích cực của thị trường lao động trong năm 2023, nhất là cuối năm 2023.

Số liệu tổng hợp từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, sau Tết, một số nhóm ngành mà các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn như: Vận tải – logistics; Dịch vụ nhà hàng – khách sạn, du lịch; Hoạt động kinh doanh bất động sản; Hoạt động dịch vụ tài chính, ngân hàng; Công nghệ - thông tin;… với tổng số nhu cầu tuyển dụng khoảng 100.000 – 120.000 người lao động.

Quý I, nhu cầu di chuyển của người dân và vận chuyển hàng hóa tăng cao nên dự kiến nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp vận tải – logistics khoảng 14.000 – 18.000 người lao động, chủ yếu ở các vị trí lái xe, nhân viên kho, nhân viên điều vận.

tuyển dụng lao động công nghệ thông tin

Các doanh nghiệp ở Hà Nội cần tuyển lượng lớn lao động làm ngành công nghệ thông tin. Ảnh: NV

Hiện nay, nhiều chính sách, chương trình kích cầu du lịch được ban hành thúc đẩy hoạt động của ngành du lịch phục hồi và tăng trưởng mạnh.

Do vậy, dịch vụ lưu trú ăn uống, khách sạn, du lịch hứa hẹn là ngành có nhu cầu tuyển dụng rất nhiều nhân sự trong quý I/2023 và giai đoạn tiếp theo.

Ước tính nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp ngành dịch vụ lưu trú ăn uống, khách sạn khoảng 10.000 – 12.000 nhân sự.

Trong năm 2023, cụ thể là quý 1, quý 2 năm 2023, Bộ LĐTBXH dự báo một số doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn do tác động của thị trường thế giới, quý 1, quý 2 sẽ có hiện tượng thiếu lao động cục bộ ở khu vực phía Nam và miền Trung.

Tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh, thành phố thì nhu cầu tuyển dụng trong các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2022 và quý I/2023 khoảng 377,7 nghìn người (cao hơn rất nhiều so với số mất việc làm trong các doanh nghiệp thời gian vừa qua).

Các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bất động sản có nhu cầu tuyển dụng ước tính khoảng 10.000 – 15.000 nhân sự, ở các vị trí nhân viên môi giới, nhân viên trực tổng đài,…

Tài chính – Ngân hàng cũng là ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn, ước tính từ 15.000 – 20.000 nhân sự, tập trung chủ yếu ở các vị trí nhân viên giao dịch, nhân viên quan hệ khách hàng doanh nghiệp, nhân viên thẩm định tài sản. 

Trong khi đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, công nghệ thông tin vẫn là lĩnh vực được dự báo có mức tăng trưởng cao trong năm 2023.

Trong quý I/2023, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng từ 12.000 – 15.000 nhân sự, tập trung vào những vị trí đòi hỏi chuyên môn cao như: Nhân viên phát triển IT, nhân viên phát triển phần mềm, lập trình ứng dụng di động, lập trình games,…

Mặc dù nhu cầu tuyển dụng gia tăng nhưng tỷ lệ lao động (trong đó có cả lao động ngành công nghệ thông tin) hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) vẫn khá cao. Sở LĐTBXH TP. Hà Nội cho biết quý I/2023 Hà Nội đã ra quyết định hưởng trợ cấp BHTN cho 14.295 trường hợp với số tiền 427 tỷ đồng. Ông Vũ Quang Thành - Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, là đơn vị sự nghiệp công, thời gian qua ngoài việc thực hiện các chính sách, chế độ chi trả trợ cấp thất nghiệp, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội còn tư vấn giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, trong đó có lao động thất nghiệp đang hưởng trợ cấp. Chỉ tính quý I/2023, trung tâm đã tư vấn giải quyết việc làm cho 12.603 người, hỗ trợ học nghề cho 232 lao động thất nghiệp đang hưởng trợ cấp với số tiền 1,02 tỷ đồng.

Nhiều giải pháp kết nối cung - cầu lao động

Ngay từ những ngày đầu năm, tại các trung tâm dịch vụ việc làm trong cả nước đã diễn ra những phiên giao dịch đầu năm nhằm kết nối cung - cầu lao động.

Ngày 9/2 tới đây Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội còn tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 7 tỉnh thành phố phía Bắc gồm: Bắc Giang; Bắc Ninh; Thái Nguyên; Hưng Yên; Bắc Kạn; Lạng Sơn.

Đây là phiên giao dịch nhằm đảm bảo phát triển thị trường lao động được hiệu quả, hỗ trợ lao động có nhu cầu việc làm sau Tết nguyên đán Quý mão năm 2023, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự phù hợp, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, đảm bảo sự phát triển đồng đều và bền vững không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hoạt động của doanh nghiệp.

https://danviet.vn/nam-2023-ky-vong-thi-truong-lao-dong-phuc-hoi-manh-me-20230130160647906.htm

Hà Nội tổ chức phiên giao dịch việc làm liên tỉnh để kết nối cung - cầu lao động từ những ngày đầu năm. Ảnh: NT

Dự kiến phiên giao dịch sẽ có khoảng 80 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng hàng nghìn chỉ tiêu việc làm.

Trước đó, từ những ngày đầu xuân, mùng 7, mùng 10 Tết, nhiều trung tâm dịch vụ việc làm trong cả nước như: Trung tâm DVVL tỉnh Thừa - Thiên - Huế, Trung tâm DVVL Quảng Bình... cũng đã tổ chức phiên giao dịch việc làm đầu năm.

So với các năm trước, năm nay các phiên giao dịch việc làm ghi nhận một lượng lớn lao động ở lại quê làm việc thay vì tới các tỉnh, thành phố lớn.