Dạy nghề cho lao động nông thôn: Nâng cao kỹ năng thích ứng và chuyển đổi nghề nghiệp
Dạy nghề cho lao động nông thôn: Nâng cao kỹ năng thích ứng và chuyển đổi nghề nghiệp
Thùy Anh
Thứ ba, ngày 08/09/2020 06:04 AM (GMT+7)
Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” chuẩn bị kết thúc. Trong giai đoạn cuối này, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc thực hiện đề án sẽ tập trung vào đào tạo nâng cao kỹ năng, hỗ trợ lao động nông thôn (LĐNT) thích ứng và chuyển đổi nghề nghiệp.
Theo Bộ LĐTBXH, trong năm 2020 sẽ đào tạo nghề các cấp trình độ cho hơn 1,4 triệu LĐNT, trong đó hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho gần 1 triệu người; tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 80%. Để thực hiện mục tiêu của năm 2020 trong bối cảnh dịch bệnh, Bộ LĐTBXH đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện tập trung hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT. Ngoài đào tạo lao động sống ở nông thôn, làm nông nghiệp, việc đào tạo hướng tới cả người đi làm việc tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp đã bị mất việc làm và trở về nông thôn.
Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009, thực hiện trong 11 năm (2010-2020) với mục tiêu: Dạy nghề cho khoảng 11 triệu LĐNT, trong đó hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho 6,54 triệu người.
Trong đó, giai đoạn này ưu tiên nâng cao kiến thức kỹ năng cho các lao động bị thôi việc, mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lao động bị mất việc ở các vùng biên giới, lao động di cư tự do, lao động bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long, lao động là người khuyết tật...
Nhìn lại thời kỳ trước đó, trong giai đoạn 2010 - 2019, cả nước đã có 9,6 triệu LĐNT được học nghề các cấp trình độ, đạt 87% mục tiêu của Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020". Trong đó, số LĐNT được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng là 5,59 triệu người, bao gồm gần 2 triệu người học nghề nông nghiệp, trên 3,59 triệu người học nghề phi nông nghiệp. Tỷ lệ LĐNT có việc làm sau học nghề đạt trên 80%...
Đề án đã góp phần nâng tỷ lao động qua đào tạo từ 28% năm 2009 lên 59,5% cuối quý I/2019; chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội từ 51,5% làm nông nghiệp năm 2009, xuống còn khoảng 35,4% cuối quý I/2019.
Đáng chú ý, năng suất lao động được tăng lên, từ 37,9 triệu đồng năm 2009 đã lên 102,2 triệu đồng năm 2018, tăng gấp 2,7 lần. Năng suất lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp thuy sản cũng tăng từ 14,1 triệu đồng năm 2009 lên 39,8 triệu đồng năm 2018, gấp 2,82 lần...
Chú trọng đào tạo lại
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thực hiện đề án đã xuất hiện nhiều bất cập, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Ông Đào Trọng Độ - Phó vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2020, do tác động của dịch Covid-19 nên chỉ có trên 700.000 LĐNT được đào tạo trình độ sơ cấp và các trình độ nghề nghiệp khác. Hiện nay, các địa phương đang đẩy mạnh đào tạo tăng số lượng LĐNT được hỗ trợ học nghề mới.
Sau giai đoạn thực hiện 2015 - 2019, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tập hợp một số vấn đề khó khăn cần tháo gỡ. Cụ thể, tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương thì thực tế kinh phí được bố trí thực hiện nội dung "nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT" là rất thấp, chỉ đạt 48% so với phương án đề xuất. Trong khi đó, hoạt động hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề và phương tiện vận chuyển để dạy nghề lưu động không được các địa phương quan tâm, bố trí kinh phí thực hiện.
Hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT không đồng đều giữa các vùng, vẫn còn tình trạng lao động học nghề xong không tìm được việc làm, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Một số địa phương trong quá trình triển khai thực hiện đã để xảy ra sai phạm trong việc tổ chức đào tạo, chậm chi trả hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại, chuẩn giáo viên, người tham gia dạy nghề, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị…
Từ những bất cập được nêu, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã đề ra các giải pháp cho giai đoạn tới. Các giải pháp này nhấn mạnh nội dung tăng cường tuyển sinh và đa dạng hoá các hình thức đào tạo; tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện đào tạo nghề cho LĐNT.
"Mục tiêu quan trọng từ nay tới cuối năm là đào tạo, và đào tạo lại cho lao động ở khu vực nông thôn vừa bị mất việc để họ tham gia thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội" - ông Độ nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.