Trong những ngày đầu tháng 1/2023, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn tăng do khách hàng Trung Quốc có nhu cầu mua hàng chuẩn bị kế hoạch sản xuất sau khi Chính phủ Trung Quốc mở cửa trở lại sau dịch Covid.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, ước khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn tháng 1 năm 2023 đạt 300.000 tấn với giá trị đạt 116 triệu USD, tăng 15,6% về khối lượng và tăng 4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, giá sắn nguyên liệu tăng đáng kể do nguồn nguyên liệu một số vùng bắt đầu có xu hướng giảm trong tháng 1/2023. Cụ thể, tại Tây Ninh, giá sắn ở mức 2.950 đồng/kg, tăng 150 đồng/kg so với cuối tháng 12/2022; Kon Tum ở mức 2.425 đồng/kg (tăng 50 đồng/kg).
Giá sắn tại miền Bắc và miền Trung cùng tăng 50 đồng/kg lên các mức tương ứng là 2.100 đồng/kg và 2.450 đồng/kg.
Trong tháng 1, giá chào bán tinh bột sắn xuất khẩu của các nhà máy Việt Nam ở mức 445 – 475 USD/tấn (FOB cảng TP.HCM) tăng 20 USD/tấn so với tháng 12 năm ngoái. Giá sắn lát xuất khẩu đi Hàn Quốc cũng tăng 20 USD/tấn lên 310 USD/tấn (FOB cảng Quy Nhơn).
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong năm 2022 đạt 3,25 triệu tấn và 1,41 tỷ USD, tăng 13,3% về khối lượng và tăng 19,7% về giá trị so với năm 2021.
Trong năm 2022, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, chiếm 91,5% thị phần, tăng 11% về khối lượng và tăng 17,2% về giá trị so với năm 2021.
Trong năm 2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam chủ yếu là tinh bột sắn và sắn lát khô.
Trong đó, Việt Nam xuất khẩu được 2,49 triệu tấn tinh bột sắn, trị giá 1,18 tỷ USD, tăng 22,9% về lượng và tăng 23,7% về trị giá so với năm 2021, chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc, thị trường Đài Loan, Hàn Quốc,...
Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ tinh bột sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 94,89% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước với 2,36 triệu tấn, trị giá 1,11 tỷ USD, tăng 21,9% về lượng và tăng 22,3% về trị giá so với năm 2021.
Trong năm 2022, Việt Nam cũng xuất khẩu được 772.990 tấn sắn lát khô, trị giá 223,42 triệu USD, giảm 10% về lượng và giảm 0,3% về trị giá so với năm 2021.
Sắn lát khô được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn lát khô lớn nhất của Việt Nam, chiếm 81,89% tổng lượng sắn lát khô xuất khẩu của cả nước với 632.990 tấn, trị giá 174,29 triệu USD, giảm 17,3% về lượng và giảm 9,7% về trị giá so với năm 2021.
Năm 2022, lượng sắn lát xuất khẩu sang Trung Quốc giảm so với năm 2021; trong khi xuất khẩu sang Hàn Quốc và Malaysia lại tăng mạnh.
Có thể thấy, Hàn Quốc đang có xu hướng tăng mua sắn của Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, trong năm 2022, Hàn Quốc nhập khẩu 311.300 tấn sắn, trị giá 106,53 triệu USD, tăng 44,8% về lượng và tăng 70,5% về trị giá so với năm 2021. Thái Lan, Việt Nam và Philippines là ba thị trường cung cấp sắn cho Hàn Quốc trong năm 2022.
Trong năm 2022, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp sắn cho Hàn Quốc, với 141.370 tấn, trị giá 59,94 triệu USD, tăng 49,5% về lượng và tăng 70,4% về trị giá so với năm 2021.
Thị phần sắn của Việt Nam chiếm 45,4% trong tổng lượng sắn nhập khẩu của Hàn Quốc, cao hơn so với mức 44% của năm 2021.
Năm 2022, Hàn Quốc cũng nhập khẩu 35.960 tấn tinh bột sắn, trị giá 20,17 triệu USD, tăng 189,5% về lượng và tăng 222,4% về trị giá so với năm 2021. Thái Lan, Việt Nam và Indonesia là ba thị trường cung cấp tinh bột sắn cho thị trường Hàn Quốc trong năm 2022.
Trong đó, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho thị trường Hàn Quốc trong năm 2022, với 4.000 tấn, trị giá 2,34 triệu USD, tăng 60,3% về lượng và tăng 76,3% về trị giá so với năm 2021.