Với mô hình sản xuất nước mắm truyền thống, ông Lại Văn Quang – thành viên chi hội nghề nghiệp chế biến thuỷ sản xã Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định là một điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương.
Ông Quang cho biết: Nằm ven đê sông Đáy, làng Ngọc Lâm, xã Nghĩa Hải vốn có nghề khai thác thuỷ hải sản và chế biến nước mắm truyền thống. Bản thân ông Quang được cha mình truyền lại cho nghề làm mắm.
Hơn 20 năm cần mẫn với nghề làm mắm truyền thống, đến nay, ông Quang đã có một cơ ngơi bề thế là cơ sở chế biến mắm tôm và nước mắm cốt rộng khoảng hơn 10.000 m2. Mỗi năm gia đình ông xuất bán khoảng 500 tấn mắm tôm và hơn 30.000 lít nước mắm cốt. Trừ chi phí, nhân công mỗi năm gia đình thu về 500 - 700 triệu đồng.
Ông Quang chia sẻ thêm, cơ sở sản xuất của ông luôn có hơn 20 lao động trong thôn đến phụ giúp. Nhờ đó, gia đình gia tăng sản lượng, còn bà con thì có thêm thu nhập. Cuộc sống sẽ ổn định khi có thu nhập đều đặn, thôn xóm sẽ ấm no, mọi người nhìn nhau tươi cười góp phần làm đẹp xóm làng.
Cũng là điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, hộ ông Nguyễn Văn Thỉnh ở thị trấn Quỹ Nhất lại nổi tiếng với mô hình nuôi cá chạch đồng kết hợp chế biến "Cá chạch kho niêu" được công nhận là sản phẩm OCOP, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10-15 lao động.
Ông Lại Văn Quang, ông Nguyễn Văn Thỉnh là 2 trong số hàng nghìn nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở Nghĩa Hưng. Đây đều là những nông dân năng động, khát khao làm giàu trên quê hương và tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động nông thôn.
Bà Lê Thị Thu Hà – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghĩa Hưng cho biết: Hội Nông dân huyện Nghĩa Hưng có tổng số 38.473 hội viên, đạt tỷ lệ 89,2% so với hộ nông thôn. Những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế như: tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề tạo việc làm, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Cụ thể: Trong 5 năm qua, Hội phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật được 580 lớp cho 89.500 lượt hội viên; triển khai cung ứng vật tư trả chậm cho hội viên như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các loại chế phẩm sinh học trong chăn nuôi và cây trồng được 3.288,63 tấn các loại; hỗ trợ 206 .000 cây giống, tổng giá trị trên 204,340 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện phối hợp tổ chức 91 lớp dạy nghề cho 3.119 học viên, trên 90% lao động sau học nghề có việc làm ổn định.
Về hoạt động tạo vốn cho nông dân phát triển sản xuất, Hội Nông dân huyện còn phối hợp với Ngân hàng NNPTNT tín chấp 2.019,49 tỷ đồng cho 6.631 hộ vay; nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 2.559 hộ vay 125,19 tỷ đồng. Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện và cơ sở cho trên 500 lượt hộ vay trên 3 tỷ đồng để hội viên đầu tư phát triển sản xuất.
Từ sự đồng hành hỗ trợ của Hội ND, nông dân Nghĩa Hưng hăng hái tham gia phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững".
Bình quân mỗi năm có trên 26.000 hộ đăng ký và có trên 13.000 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng ngày càng có nhiều hộ mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động ở địa phương.
Điển hình như trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt có ông Lại Văn Đương ở thị trấn Quỹ Nhất với mô hình chăn nuôi lợn thu nhập 1-2 tỷ đồng/năm; ông Trần Văn Cấp, xã Hoàng Nam sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu. Hay như hội viên các chi hội ở thị trấn Liễu Đề trồng hoa cây cảnh, cho thu nhập 300-350 triệu đồng/hộ/năm.
Trong lĩnh vực thủy sản, tiêu biểu như ông Nguyễn Văn Sửu, xã Nghĩa Lợi nuôi trồng thủy sản thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm; ông Vũ Văn Chức, xã Phúc Thắng nuôi ngao sạch, thu nhập từ 1,5-2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 10-20 người có thu nhập từ 8-10 triệu đồng/người/tháng. Mỗi hộ gia đình trong Tổ hợp tác chế biến thủy hải sản ở Nghĩa Hải tạo việc làm cho 10-15 lao động, thu nhập bình quân 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. Ông Vũ Quang Tuyến, thị trấn Rạng Đông nuôi cá nước ngọt và chế biến cá kho mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình và nhiều hội viên nông dân. Ông Ngô Văn Lạc, xã Nam Điền nuôi thả cá mú, cá bống bớp cho thu nhập từ 150-200 triệu đồng/năm.
Trong lĩnh vực ngành nghề, kinh doanh dịch vụ điển hình là hộ ông Nguyễn Văn Điệp, xã Nghĩa Lạc sản xuất đồ gỗ dân dụng thu nhập 1,5 tỷ đồng/năm. Ông Lương Văn Huynh, xã Nghĩa Hùng sản xuất hương xuất khẩu thu nhập 1,5 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 30 lao động. Ông Đinh Văn Khánh, thị trấn Liễu Đề với mô hình chăn nuôi, thu mua, kinh doanh gia cầm thu nhập hơn 1,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 5 lao động, bình quân 5 triệu đồng/người/tháng…
Đến nay, Hội Nông dân huyện Nghĩa Hưng đã tuyên truyền vận động hội viên tham gia 23 tổ hợp tác, 4 chi Hội nông dân nghề nghiệp, 8 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp. Các mô hình đều xây dựng được quỹ, quy chế hoạt động, tổ chức sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, giúp đỡ nhau về giống, vốn, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm theo sự thống nhất chung.
Hội Nông dân huyện Nghĩa Hưng còn duy trì 4 CLB "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" ở Nghĩa Bình, Nghĩa Phú, Nghĩa Tân, thị trấn Rạng Đông nhằm liên kết các hộ giúp nhau về khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.