Loại cá đặc sản dân Nam Định sau 9 tháng nuôi, cứ bắt lên bao nhiêu bán hết bấy nhiêu

Chủ nhật, ngày 25/12/2022 05:30 AM (GMT+7)
Những năm qua, cá bống bớp đã và đang trở thành đối tượng nuôi chủ lực của các địa phương ven biển tỉnh Nam Định, thu hút nhiều hộ nông dân tham gia. Hiện toàn tỉnh có khoảng 300ha nuôi cá bống bớp tập trung tại các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu và Giao Thủy; sản lượng đạt khoảng 1.000 tấn/năm
Bình luận 0

Để phát triển thủy sản theo hướng hàng hóa, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường, từ năm 2020, Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Nam Định đã thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá bống bớp bằng thức ăn công nghiệp” tại huyện Nghĩa Hưng. 

Sau 3 năm triển khai, mô hình đã mở ra hướng đi mới, giúp nghề nuôi cá bống bớp phát triển bền vững, hạn chế dịch bệnh, tạo sản phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng phục vụ tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu.

Loại cá đặc sản dân Nam Định sau 9 tháng nuôi, dân bắt lên bao nhiêu bán hết bấy nhiêu - Ảnh 1.

Kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển của cá bống bớp khi cho ăn thức ăn công nghiệp tại xã Nam Điền (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định).

Những năm qua, cá bống bớp đã và đang trở thành đối tượng nuôi chủ lực của các địa phương ven biển, thu hút nhiều hộ nông dân tham gia. Hiện toàn tỉnh có khoảng 300ha nuôi cá bống bớp tập trung tại các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu và Giao Thủy; sản lượng đạt khoảng 1.000 tấn/năm. 

Theo định hướng của ngành, cá bống bớp là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, cần được nhân rộng. Tuy nhiên thức ăn của cá bống bớp chủ yếu là cá tạp, tép moi tươi, hàm lượng dinh dưỡng không cân đối, người nuôi cũng khó chủ động được nguồn thức ăn khi biển động, làm chậm tốc độ sinh trưởng của cá. 

Ông Vũ Quốc Hùng, xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) là một trong những hộ đã nhiều năm nuôi cá bống bớp, dùng cá tạp làm thức ăn trong suốt chu kỳ nuôi cho biết: “Sử dụng loại thức ăn này, môi trường ao nuôi thường hay bị ô nhiễm do thức ăn dư thừa trong ao phân hủy, tiềm ẩn mầm bệnh. 

Nếu không thay nước thường xuyên sẽ dẫn tới cá dễ bị nhiễm dịch bệnh. Mặt khác, nguồn thức ăn phụ thuộc hoàn toàn vào đánh bắt nên các hộ nuôi không chủ động cùng với giá tăng cao mỗi khi vào vụ nuôi chính, thậm chí về mùa mưa bão lượng cá tạp hầu như không có. Điều này dẫn đến khó phát triển nghề nuôi cá bống bớp bền vững”. 

Sau khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá bống bớp bằng thức ăn công nghiệp, được phổ biến các tiêu chí chọn làm mô hình điểm trình diễn như điều kiện vùng nuôi, diện tích mặt nước ao phù hợp, nguồn kinh phí đầu tư đối ứng... nhận thấy cơ sở nuôi của gia đình đủ tiêu chuẩn để lựa chọn, ông Hùng đã mạnh dạn tham gia và đăng ký thực hiện mô hình với nguồn vốn đối ứng 50% chi phí mua con giống, thức ăn, thuốc hóa chất, chế phẩm sinh học…; phần còn lại được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ. 

“Mô hình được triển khai với quy mô diện tích mặt nước 4.000m2, cá giống thả nuôi có kích thước 5-6cm, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, con giống đồng cỡ, khỏe mạnh, không dịch bệnh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng được mua tại đơn vị cung cấp uy tín. Mật độ nuôi 10 con/m2, sử dụng hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp. 

Sau hơn 9 tháng thả nuôi, cá đạt kích cỡ thương phẩm, trọng lượng trung bình hơn 90 g/con” - ông Hùng cho biết thêm. Gia đình ông Trần Thanh Sơn, xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) chỉ nuôi cá bống bớp bằng cá tạp và tép moi theo hình thức quảng canh, bán thâm canh. Ao nuôi của gia đình ông thường cho thu hoạch sản lượng cá thấp, cá thương phẩm dễ bị các bệnh ký sinh trùng, đường ruột nên hình thức không đẹp, tỷ lệ hao hụt lớn, hiệu quả kinh tế không cao. 

Ông Sơn cho biết: “Tham gia mô hình, sử dụng thức ăn công nghiệp tôi thấy cá phát triển nhanh hơn, kích thước đồng đều hơn, môi trường ao nuôi trong sạch hơn. Tỷ lệ cá sống đạt trên 80%. Sau khi trừ chi phí, tôi thu lãi 107 triệu đồng từ 2.000m2 mặt nước thực hiện mô hình”.

Dự án đã lựa chọn 9 hộ nuôi tại các xã Nam Điền, Nghĩa Tân, Nghĩa Lâm, Nghĩa Bình là các xã nằm trong vùng quy hoạch và định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản của huyện Nghĩa Hưng để thực hiện mô hình nuôi cá bống bớp thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp.

Theo anh Nguyễn Thanh Thuần, cán bộ trực tiếp theo dõi và chỉ đạo kỹ thuật tại các hộ tham gia, mô hình sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên chìm chậm cho cá biển Ocialis Nutrilis số 1, Ocialis Nutrilis số 2, Ocialis Nanolis có hàm lượng Protein 46-55%. 

Các hộ tham gia đã cho cá ăn theo đúng hướng dẫn kỹ thuật, chủng loại, kích cỡ viên, hạt, có độ đạm phù hợp giai đoạn phát triển của cá như cho ăn 2 lần/ngày, tỷ lệ cho ăn tính theo phần trăm khối lượng cá, điều chỉnh theo cỡ cá, thời tiết, chất lượng môi trường nuôi và tình trạng sức khỏe cá nuôi. Mực nước ao nuôi duy trì không thấp hơn 1,2m; định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học. 

Nuôi cá bống bớp theo hình thức ít thay nước, chỉ thay khi thật sự cần thiết. Nước trước khi cấp vào ao nuôi phải được xử lý sát khuẩn. Qua 3 năm với tổng diện tích thực hiện là 3ha cho thấy năng suất cá bống bớp đạt 7,3 tấn/ha; tỷ lệ sống đạt 81%; hệ số thức ăn đạt 1,97; lợi nhuận đạt trên 510 triệu đồng/ha/vụ. 

Việc triển khai Dự án đã nâng cao nhận thức của người nuôi về phương pháp ứng dụng công nghệ nuôi cá bống bớp bằng thức ăn công nghiệp. So với các phương thức nuôi khác thì mô hình nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp có thể nuôi với mật độ cao hơn, dễ quản lý, chủ động được nguồn thức ăn, giảm áp lực khai thác cá tạp gần bờ, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hạn chế tác động đến môi trường, chống lây nhiễm dịch bệnh, giảm hệ số thức ăn. 

Ngoài ra, Dự án còn giúp người nuôi hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm việc sử dụng thuốc, hóa chất trong nuôi trồng thủy sản, tạo sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Trung tâm Khuyến nông tỉnh tư vấn, hướng dẫn giới thiệu sản phẩm các hộ nuôi với Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định (thành phố Nam Định) và các hợp tác xã, doanh nghiệp về liên kết tiêu thụ sản phẩm đã tạo tâm lý yên tâm cho người sản xuất, tránh tình trạng tư thương ép giá, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người nuôi.

Đồng chí Nguyễn Văn Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho biết: Việc xây dựng thành công các mô hình nuôi cá bống bớp thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp đã mở ra một hướng đi mới, giúp nghề nuôi thủy sản phát triển bền vững như hạn chế dịch bệnh, tạo ra sản phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. 

Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng các mô hình tới các hộ nông dân, doanh nghiệp để họ tiếp cận và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật của Dự án, tiến tới xây dựng các vùng nuôi tập trung, cung cấp các sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ tiêu dùng, hướng tới xuất khẩu nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Ngọc Ánh (Báo Nam Định)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem