Là đại diện của Tập đoàn VinGroup đến tham dự và phát biểu tại hội nghị tín dụng bất động sản (BĐS), ông Phạm Thiếu Hoa - Tổng giám đốc Vinhomes nêu ra 3 vướng mắc.
Đầu tiên là về mục đích vay vốn, liên quan đến mục đích mua bán hay đặt cọc, chuyển nhượng phần vốn góp và cổ phần trong các công ty đầu tư dự án và hoạt động M&A. Trên quan điểm thận trọng, các ngân hàng không tài trợ cho hoạt động này và quy vào diện cho vay mua cổ phiếu, cổ phần và bị hạn chế bởi thông tư 2022.
Trong khi triển khai BĐS, ngay từ đầu có nhiều chi phí phát sinh nhưng không phải chi phí nào cũng được ngân hàng thương mại (NHTM) giải ngân. Trước đây các doanh nghiệp có thể tận dụng nguồn vốn huy động từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) để trang trải các chi phí này, nhưng hiện nay việc phát hành TPDN cũng đang gặp khó khăn.
Đối với việc vốn vay bù đắp chi phí doanh nghiệp (DN) đã bỏ ra, Hiện nay NHTM chỉ cho vay bù đắp chi phí phát sinh trong vòng 6 tháng, nhưng thực tế các doanh nghiệp BĐS có thời gian chi phí phát sinh thường kéo dài hơn 6 tháng.
Vướng mắc thứ hai liên quan đến lãi suất. Theo đó, quy định hiện nay, BĐS đang chịu hệ số rủi ro cao lên tới 200%. Tuy nhiên, với các dự án đầy đủ cơ sở pháp lý sẽ không có nhiều rủi ro. Áp dụng hệ số rủi ro cao ảnh hưởng tới lãi vay của doanh nghiệp. Ngoài ra, room cho vay hạn chế cũng đẩy lãi suất vay lên cao.
Vướng mắc thứ ba là về tài sản đảm bảo. Trên quan điểm tiếp cận thận trọng do lo ngại rủi ro yếu tố thị trường, các NHTM yêu cầu tài sản đảm bảo trên vốn vay của các DN BĐS cao hơn các lĩnh vực thông thường. Ngoài ra, có trường hợp phải bổ sung thêm tài sản đảm bảo khác.
Từ những vướng mắc trên, VinGroup đề nghị NHNN xem xét các dự án có đầy đủ cơ sở pháp lý thì nên duy trì tỷ lệ tài sản đảm bảo như các khoản vay thông thường trong bối cảnh thị trường đang gặp nhiều khó khăn.
Trên cơ sở đó, đề nghị NHNN và các ngân hàng làm rõ các quy định, tháo gỡ các vướng mắc về mục đích vay vốn và hình thức giải ngân tại các văn bản hướng dẫn, có biện pháp tháo gỡ về cơ chế liên quan đến việc xếp loại và kiểm soát cho vay trong lĩnh vực BĐS.
Đồng thời, cần bổ sung chính sách đặc thù với các nhà đầu tư lớn, các dự án đầy đủ pháp lý,… tránh cào bằng giữa các nhà đầu tư, các dự án.
Về lãi suất, cần có giải pháp giảm dần lãi suất, hỗ trợ khả năng tài chính cho người dân và chủ đầu tư.
Đồng ý với những khó khăn như đại diện VinGroup đã trình bày, bà Vũ Thị Phương Nam – Giám đốc phụ trách tái cấu trúc NovaLand chia sẻ thêm, trong thời gian qua, ách tắc pháp lý trong lĩnh vực BĐS diễn ra rất lâu, đặc biệt là các dự án tại TP.HCM. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới chi phí cho sản phẩm cao, do đó giá thành sản phẩm đến người dân cao. Trong thời gian tới, cần có những biện pháp căn cốt hơn trong vấn đề này.
Cũng theo bà Nam, trong giai đoạn khủng hoảng cũng dẫn đến sự lo lắng của các ngân hàng, ngân hàng cũng rất quan ngại và đặt ra rất nhiều biện pháp phòng ngừa cho chính ngân hàng của họ. Điều này cũng rất tự nhiên bởi ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp, phải bảo vệ lợi ích của chính doanh nghiệp mình.
Riêng đối với NovaLand, bà Nam cho biết, doanh nghiệp hiện vẫn đang làm việc với các NHTM để tháo gỡ khó khăn đối với các khoản vay. Trên cơ cở đó, Novaland đề nghị NHNN xem xét cho các tập đoàn bất động sản được tái cấu trúc nợ, giãn nợ trong vòng 24-36 tháng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp BĐS rất khó khăn để trả nợ trái phiếu đến hạn. Chính vì vậy, Novaland đề nghị NHNN với vai trò lãnh đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại với tư cách là những nhà đầu tư chuyên nghiệp xem xét các giải pháp có thể giúp đỡ doanh nghiệp hoàn thiện nghĩa vụ với các trái chủ.
Về phía Hưng Thịnh Land, đại diện doanh nghiệp này thừa nhận, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp bị ảnh hưởng do mất niềm tin của người dân, trái chủ nên "bị tắc". Trong bối cảnh đó, Hưng Thịnh Land đề xuất, NHNN xem xét nới lỏng room tín dụng.
Cũng giống như Novaland, đại diện Hưng Thịnh Land cũng bày tỏ mong muốn được giãn nợ, cơ cấu nhóm nợ.
"Đối với Hưng Thịnh Land câu chuyện nhảy nhóm nợ là chưa nhảy, không phải không nhảy. Nếu không có chính sách hỗ trợ thì dư nợ của DN sẽ nhảy nhóm nợ trong thời gian tới. Vì vậy, Hưng Thịnh Land kiến nghị NHNN cho phép cơ cấu nợ, tránh tình trạng nhảy nhóm nợ cho DN", đại diện Hưng Thịnh Land đề nghị.
Đại diện của Hưng Thịnh Land cũng đề nghị NHNN, các NHTM xem xét giảm lãi suất cho vay bởi mặt bằng lãi vay đối với lĩnh vực BĐS rất cao. Điều này ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm của DN.
Chủ yếu kinh doanh trong lĩnh vực du lịch dịch vụ, BĐS nghỉ dưỡng, đại diện SunGroup cho biết, đặc trưng của BĐS nghỉ dưỡng là chủ đầu tư mua BĐS nghỉ dưỡng vẫn cho các nhà điều hành thuê lại, sử dụng làm hạ tầng du lịch.
Năm 2019, tăng trưởng du lịch quốc tế và trong nước tại Việt Nam thuộc top cao của thế giới, nên dư địa cho phát triển du lịch rất lớn. Nhưng từ quý III/2022, việc phát triển hạ tầng du lịch gặp khó khăn từ khó khăn chung của ngành BĐS trong nước.
Vì thế, đại diện Sungroup đề xuất tháo gỡ chính sách liên quan đến bất động sản nghỉ dưỡng. Theo đó, cần có cơ chế chính sách phát triển riêng cho loại hình này để khuyến khích phát triển du lịch.
Về việc sửa đổi Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp, SunGroup mong muốn cơ quan soạn thảo xem xét, đưa ra điều kiện phát hành linh hoạt và chuyên nghiệp hơn.
Về vướng mắc pháp lý, theo đại diện SunGroup, hiện lĩnh vực liên quan đến BĐS xây dựng đang chịu sự điều chỉnh của hơn 100 thông tư, dẫn đến nhiều chồng chéo, mâu thuẫn trong thực hiện. Dù các Bộ ngành thường xuyên cập nhật, chỉnh sửa nhưng vẫn chưa theo kịp thực tế.
Hơn nữa, điều hành của các cơ quan chức năng tại địa phương vẫn còn nhiều chồng chéo, nên cần rà soát để các doanh nghiệp có kênh đầu tư kinh doanh hiệu quả.