Thông tin tại hội nghị tín dụng bất động sản, Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng khẳng định, Vietcombank không thiếu room tín dụng cho bất động sản (BĐS).
Ông chia sẻ, đến hết 31/12, dư nợ bất động sản chiếm trên 20% dư nợ của ngân hàng, bao gồm cả cho vay doanh nghiệp phát triển và cá nhân. Trong năm 2022, tín dụng bất động sản tăng 17%. Điều này cho thấy VietcomBank vẫn luôn đáp ứng đủ room tín dụng cho bất động sản và đây là lĩnh vực không bị hạn chế.
Trong đó, dư nợ cho vay bất động sản đối với cá nhân chiếm khoảng 90% tổng tín dụng cho bất động sản. 10% còn lại là cho vay doanh nghiệp bất động sản. Phân chia theo tiểu ngành, dư nợ bất động sản khu công nghiệp, khu chế xuất tăng 4 lần trong năm 2022 do tiềm năng của ngành nghề này và sẽ tiếp tục được ưu tiên trong năm 2023.
"Đối với bất động sản nhà ở, trong năm 2023 chúng tôi cũng chia ra làm hai đối tượng. Đối với những đơn vị phát triển dự án uy tín, tài chính minh bạch, rõ ràng đều được áp dụng các chính sách lãi suất hợp lý. Đối với cá nhân mua nhà ở, chúng tôi sẽ tập trung ưu tiên đồng thời thận trọng hơn đối với phân khúc giá trị cao", ông Tùng cho hay.
Ông Tùng cho biết thêm, Vietcombank cũng như các ngân hàng khác gặp nhiều khó khăn liên quan vấn đề pháp lý, các chính sách BĐS qua các thời kỳ. Có trường hợp cấp tín dụng xong thì chủ đầu tư bị thay đổi hồ sơ pháp lý dự án, điều này không chỉ ảnh hưởng đến chủ đầu tư mà trực tiếp ảnh hưởng tới ngân hàng thương mại. Do đó, khi thẩm định về tính pháp lý của dự án, ngân hàng phải làm chặt chẽ hơn.
"Không chỉ khó cho các doanh nghiệp bất động sản, bản thân ngân hàng cũng bị khó nên ngân hàng phải làm chặt chẽ", ông Tùng nhấn mạnh.
Đối với cho vay nhà ở cá nhân, nếu so với mặt bằng chung, giá nhà đất hiện nay cao hơn so với thu nhập của người dân. Đây là một cái khó trong việc tìm nguồn trả nợ, nên ngân hàng cũng phải thận trọng trong việc đánh giá nguồn trả nợ của khách hàng cá nhân.
Liên quan đến việc các doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn trong việc phát hành trái phiếu riêng lẻ, theo ông Tùng điều này gây sức ép lên ngân hàng – đây cũng là khó khăn của ngân hàng thương mại. Bởi các ngân hàng ngoài việc cho vay còn phải tuân thủ rất nhiều chỉ số an toàn. Do vậy, đề nghị Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước làm thế nào để hỗ trợ thị trường TPDN phát triển lành mạnh, an toàn hiệu quả, cùng hệ thống ngân hàng cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế.
Liên quan đến lãi suất, đại diện Vietcombank cho biết, ngay trước cuộc họp này, Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại đã nhóm họp và thống nhất giảm lãi suất huy động nhằm giảm lãi suất cho vay nói chung và lãi suất cho vay bất động sản nói riêng.
Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khẳng định, ngân hàng vẫn cho vay và không giảm hay kiểm soát đối với dư nợ tín dụng bất động sản.
Tuy nhiên, năm 2022 do khó khăn từ thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu, nhu cầu vốn tín dụng dồn vào hệ thống ngân hàng khá lớn.
"Ngân hàng thời gian qua vẫn đáp ứng đủ vốn cho nhu cầu của khách hàng. Thời gian tới BIDV sẽ tập trung cho vay đối với bất động sản khu công nghiệp và ưu tiên những dự án có quy mô từ 50ha trở lên. Đối với bất động sản nhà ở, BIDV ưu tiên tại các địa bàn Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, và ưu tiên các doanh nghiệp có uy tín", ông Lâm khẳng định.
Về phía VietinBank, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng Giám đốc, phụ trách Ban điều hành cho rằng: "Doanh nghiệp và ngân hàng đang trên một chiếc xuồng, phải cùng chèo một nhịp, phải hết sức bình tĩnh, chỉ cần chèo lạc nhịp là có thể bị chìm".
Liên quan đến đề xuất cơ cấu nợ cho các doanh nghiệp sản bất động sản, lãnh đạo VietinBank cho rằng đây là vấn đề của thị trường, nếu có cơ chế đặc thù cho sản bất động sản thì các hiệp hội ngành nghề khác cũng đòi cơ cấu nợ, như vậy sẽ không đảm bảo nguyên tắc công bằng giữa các ngành nghề.
"Tôi cho rằng các doanh nghiệp nên tự cơ cấu, các anh chị bán đi tài sản, vấn đề là bán bao nhiêu", Phó Tổng giám đốc Vietinbank nêu ý kiến.
Về vấn đề này, NHNN cho hay sẽ tiếp thu và nghiên cứu. Dù vậy, cơ quan này cho rằng, rất khó đưa ra cơ chế ưu ái riêng cho doanh nghiệp bất động sản, bởi nếu vậy các ngành nghề khác cũng đòi cơ chế tương tự, trong khi bất động sản không phải là lĩnh vực ưu tiên.
Theo NHNN, nợ xấu bất động sản đang có xu hướng tăng lên, từ mức 1,67% năm 2021 lên 1,81 năm 2022. Nếu thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản tiếp tục khó khăn, nợ xấu bất động sản sẽ còn tăng mạnh thời gian tới.