Những ngày vừa qua, trào lưu "đúng nhận sai cãi" bất ngờ thịnh hành và được lan truyền rộng khắp các nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam. Được biết, hot trend này bắt nguồn từ tài khoản TikTok cô đồng T.H. ở thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
Qua theo dõi các clip do cô đồng này đăng tải, mọi người nhìn thấy cô vừa bổ cau vừa phán cùng câu nói cửa miệng "đúng nhận sai cãi" sau mỗi lần "phán" về lá số tử vi bản mệnh.
Với tốc độ nói nhanh không vấp, giọng điệu dứt khoát của cô đồng này đã nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng trên nền tảng này và thu về lượt tương tác cao. Hiện tài khoản này có gần 180 nghìn người theo dõi cùng gần 1 triệu lượt yêu thích trên TikTok, hai thông số này liên tục tăng vọt theo từng giờ. Các video đăng tải cũng nhận được lượt xem lớn, dao động từ 100 nghìn đến vài triệu lượt xem, có video gần 11 triệu lượt xem.
Trong các video này, cô đồng T.H luôn xưng với người xem bói là cô và con, chuyên xem về đường tình duyên, đất cát nhà cửa, công danh sự nghiệp, vận hạn…
Đáng chú ý, sau mỗi câu phán, cô đồng T.H thường thêm câu nói cửa miệng: "Đúng nhận sai cãi". Câu nói này đã trở thành trend giới trẻ học theo trên nền tảng TikTok.
Chỉ cần gõ tìm kiếm trên các nền tảng mạng xã hội cụm từ "đúng nhận sai cãi" dễ dàng xuất hiện hàng loạt clip từ bổ dưa, nho, bưởi, thanh long, cam,… ăn theo trend cô đồng T.H với nhiều tình tiết hài hước, gây cười.
Trong một video, cô đồng T.H phán: "Bản thân lá số tử vi cung mệnh mình rất hợp với cô Chín, mình là con cô đấy! Người của cô, của của cô, gia bản trong tay cô, lộc cô chả thiếu chi chi, lộc cô không thiếu thứ gì đâu ạ. Cô đã thương ai tài lộc cô ban, cô thương ai cô hái lộc trên ngàn cô về cô cho".
Khi phán cho một người khác, cô đồng T.H. đưa ra những lời lẽ khiến người nghe cảm thấy "sợ". "Không có các cụ đỡ cho thì giờ mồ yên mả đẹp, đỏ hương cứ ngồi mà ngắm chuối xanh với gà khoả thân thôi. Đúng nhận sai cãi cho tôi cái. Bàn tay này làm ăn lộc kinh doanh đấy, đúng nhận sai cãi cho cô, lá số tử vi trong cung mệnh đất cát nhà mình ở ngoài đường, trong ngõ thôi nhưng đều có cửa lớn, tính mình không thích nói nhiều đâu, cần bố rất cần không cần bố 'đ…' thèm cần luôn.
Gần khu xóm nhà mình có ông nào bị tai biến như kiểu ảnh hưởng đến chân, ngẫm đi cho tôi cái nào? Đúng nhận sai cãi… Ở nhà không lộc không tài, không tiền, không phát… đi ra phát lộc phát tài, phát tiền, công danh, cả tình duyên… không đi hai bánh, không đi bốn bánh mà đi bằng cánh!?, trai có gái có đấy, đúng nhận sai cãi giúp tôi".
Những lời cô đồng này nói rất cuốn nhưng khiến cư dân mạng cảm thấy nhiều từ ngữ vô lý, mang tính chất chung chung. Nhiều người cho rằng đây không khác gì mê tín dị đoan.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Mai Lan (ở Hà Nội) cho biết, hai ngày nay chị như "tẩu hoả nhập ma" cả trên mạng và ngoài đời sống. "Tôi lên mạng lướt đâu cũng thấy người người nhà nhà đua nhau làm clip. Giờ câu nói đúng nhận sai cãi cũng thành câu cửa miệng của nhiều người thân quen, bạn bè. Thậm chí ngay cả con tôi cũng bắt chước người lớn rất nhanh", chị Mai Lan nói.
Cũng như chị Mai Lan, anh Thành Chung (nhân viên văn phòng) cho biết, ban đầu khi thấy xuất hiện cụm từ đúng thật sai cãi được nhiều người trao đổi qua lại anh cũng không biết gì. Sau đó anh Chung lên mạng tìm kiếm thì xuất hiện một loạt các clip về việc này.
"Việc làm clip ăn theo nghe cũng vui tai, hài hước nhưng nếu nhắc đi nhắc lại nhiều quá cũng sẽ nhàm", anh Chung cho biết.
Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung Tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học Việt Nam) cho hay, câu nói "đúng nhận sai cãi" của cô đồng T.H. sau mỗi lần phán với người xem bói cũng chỉ là câu nói hết sức tình cờ. Tuy nhiên điều này lại chạm đúng tâm lý của nhiều người.
"Người cô đồng nói ra như một chân lý đúng nhận sai cãi sau khi phán người xem bói. Câu nói đó giống như quy luật, cung cách hành xử, khuyên dạy nhưng lại khiến nhiều người nghe rất thuận tai, thích thú và được nhắc đi nhắc lại nhiều lần", ông Bình nói.
Chia sẻ về vấn đề này với PV Dân Việt, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cô đồng T.H. xem bói đăng tải lên mạng xã hội với nội dung mang tính chất câu view giải trí nhưng truyền bá liên quan đến mê tín dị đoan đã vi phạm một trong những quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Về phía luật an ninh mạng, cô đồng này sẽ phải chịu trách nhiệm.
"Những nội dung này mang tính chất truyền bá mê tín dị đoan, không ít người xem bói bằng chỉ tay, xem cái này cái khác, thậm chí có người xem cả vân chân, xem tướng đưa lên mạng… tất cả những cái đó có thể xem là hệ luỵ. Khi một số trào lưu mang tính chất mê tín dị đoan đưa lên thu hút sự chú ý của nhiều người làm cho một số người khác bắt chước, điều này không đúng và không hay ho gì cho không gian mạng", PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.
Theo ông Nam, đối với nhiều người trẻ có thể bị "tiêm nhiễm" một số niềm tin khi xem bói và nghĩ số phận mình như đã được "an bài" không cần phải cố gắng để phát triển bản thân… Bên cạnh đó, có một số trào lưu mang tính chất nhái lại làm mục tiêu giễu nhại nhưng làm cho nhiều người mất thời gian.
"Trào lưu nhái lại mặc dù có ý chê trách những người tuyên truyền mê tín dị đoan nhưng cách mọi người đang nhái lại tình huống đó khiến nhiều người không nắm rõ bắt đầu đi tìm xem trend gì, xu hướng gì để rồi tiếp cận những thông tin mang tính chất lệch lạc như vậy.
Thông tin a dua, nhái lại với mục đích giải trí cũng cần xem xét nội dung có nguy cơ gây hại cho cộng đồng hay không. Bản thân chính cô đồng đưa lên mạng mê tín dị đoan chắc chắn công an vào cuộc làm rõ vi phạm. Những người khác nên nhìn thấy hệ quả của cô đồng này để có hành xử cho phù hợp, những video không phải nội dung lành mạnh, không có nguy cơ gây hại cho người khác", ông Nam nhấn mạnh.