Cô đồng bổ cau "đúng nhận sai cãi" có thể bị xử lý như thế nào?
Cô đồng bổ cau "đúng nhận sai cãi" có thể bị xử lý như thế nào?
Gia Khiêm
Thứ tư, ngày 08/02/2023 13:17 PM (GMT+7)
Luật sư Giang Hồng Thanh đã đưa ra phân tích những vấn đề mà cô đồng T.H. có thể bị cơ quan chức năng xử lý khi bổ cau xem bói với câu nói xôn xao "đúng nhận sai cãi".
Sáng ngày 8/2, lãnh đạo Công an thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương cho biết, đơn vị này đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh làm rõ thông tin cô đồng T.H. ở phường Hiến Thành bổ cau với câu nói "đúng nhận sai cãi" khi xem bói toán có biểu hiện hiện tượng mê tín dị đoan trên mạng xã hội.
Theo lãnh đạo Công an thị xã Kinh Môn, trường hợp nếu có các vi phạm, Công an thị xã sẽ cùng với Ban chỉ đạo tôn giáo của thị xã làm rõ và xử lý theo các quy định của pháp luật.
Cô đồng bổ cau "đúng nhận sai cãi" gây xôn xao mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng luật sư Giang Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, vào những ngày đầu xuân, nhiều người nô nức rủ nhau đi xem bói để hy vọng có thể dự đoán được thời vận của mình trong năm tới. Kết quả đúng hay sai thì chưa rõ nhưng lời phán của "thầy", của "cô đồng" khiến người đi xem bói chịu tác động tâm lý ít nhiều.
"Xem bói dường như là hoạt động mang tính tâm linh phổ biến trong thực trạng xã hội hiện nay. Đặc biệt là khi các trang web, tài khoản mạng xã hội chuyên về xem bói, tử vi hiện nay đang rất phát triển đã làm cho hoạt động này ngày càng được mở rộng và diễn ra với nhiều hình thức đa dạng hơn trước như xem bói qua livetream, tiktok, facebook, insta...
Hiện nay pháp luật không có quy định nào cấm đối với hành vi xem bói nếu việc xem bói không nhằm mục đích trục lợi, không gây nên hậu quả xấu và không làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự xã hội", luật sư Thanh chia sẻ.
Luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng Luật sư Giang Thanh trao đổi về tính pháp lý trong vụ cô đồng bổ cau "đúng nhận sai cãi". Ảnh: NVCC
Theo luật sư Thanh, đối với hành vi lợi dụng bói toán để trục lợi bất chính sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tuỳ thuộc vào mức độ và tính chất của hành vi vi phạm pháp luật.
"Hành vi xem bói rất dễ biến tướng trở thành hành vi mê tín dị đoan, nếu có tác động tiêu cực đến đời sống xã hội thì nó được xem là vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 7 Điều 14 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 như sau: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan. Theo đó, hành vi tổ chức xem bói được biến tướng thành dạng hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan thì chủ thể thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng", luật sư Thanh phân tích.
Bên cạnh đó, theo luật sư, trường hợp hành vi xem bói khi biến tướng thành mê tín dị đoan gây ra các hậu quả thiệt hại nghiêm trọng, tác động xấu làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội thì chủ thể thực hiện hành vi không chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 320 BLHS 2015.
"Như vậy, pháp luật không cấm việc chúng ta đi xem bói, tuy nhiên để không bị vướng vào pháp luật cũng như trở thành đối tượng mà người khác trục lợi chúng ta cần trang bị cho mình thêm nhiều kiến thức xã hội cũng như pháp lý để nhận thức đầy đủ về hoạt động này", luật sư Thanh nói thêm.
"Điều 320. Tội hành nghề mê tín, dị đoan
1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết người;
b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng"
Vui lòng nhập nội dung bình luận.