Clip: Trồng loại cây cao 3 mét, nông dân vùng cao vươn lên làm giàu
Khoảng vài năm về trước, nhắc tới xã vùng ba Chiềng Lương (Mai Sơn, Sơn La), ai cũng lắc đầu ngao ngán vì đường đất khó đi, một bên là taluy dương cao vài chục mét còn bên kia là vực sâu, giữa đường là những ổ voi, ổ gà. Từ đường QL6 vào tới xã Chiềng Lương quãng đường chưa tới 20km, thế nhưng để vào đến vùng đất khó này, đi xe máy cùng phải mất cả tiếng đồng hồ, có những đoạn phải xuống dắt bộ.
Đến nay, xã Chiềng Lương đã thay đổi, có đường, hệ thống hạ tầng điện, trường, trạm được kiên cố, đời sống của của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở đây ngày một đổi thay, no ấm.
Một trong những đòn bẩy giúp xã Chiềng Lương đổi thay phải kể đến những chương trình, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như hỗ trợ sản xuất. Trong đó, nổi bật nhất là chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cây mía là loại cây được người dân nơi đây chọn để phát triển kinh tế.
Theo chân cán bộ nông vụ của Công ty cổ phần mía đường Sơn La đến xã Chiềng Lương, thời điểm này, bà con nơi đây bước vào vụ thu hoạch mía. Mía ở đây được trồng ở khắp nơi, trên những sườn đồi, nương dốc, dưới thung lũng.
Tại nương mía của gia đình ông Quàng Văn Nhất, bản Mờn, xã Chiềng Lương (Mai Sơn, Sơn La), gần 20 người đang khẩn trương vác những bó mía lên xe tải để chở đến nhà máy cho kịp thời gian. Bó mía nào cũng chắc nịch, năng 30 – 40kg.
Vội lau những giọt mồ hôi trên trán, ông Nhất chia sẻ: Gia đình tôi có hơn 2 ha đất đồi, trước kia chủ yếu trồng cây ngô, cây sắn. Thế nhưng đất dốc, nhiều năm canh tác dẫn đến bạc màu, không phù hợp với các loại cây trồng trên, cộng với đó giá nông sản như ngô, sắn không ổn định, mất giá liên tục, có làm cũng không đủ chi phí đầu tư.
Được vận động, cùng với hỗ trợ của Công ty mía đường Sơn La, gia đình ông đã chuyển đổi toàn bộ diện tích đất nương dốc sang trồng mía làm nguyên liệu cho nhà máy đường. Với hơn 2 ha mía, mỗi năm gia đình ông Nhất thu hoạch khoảng 150 tấn mía nguyên liệu. Trừ chi phí, gia đình ông thu lời hơn 120 triệu đồng.
"Năm nay, bà con ai cũng phấn khởi, mía vừa được mùa, giá cả cũng được công ty tăng lên. Chúng tôi chặt mía đến đâu có xe của công ty đến chở hết, không phải lo mía bị hỏng, bị thối không bán được. Có nhà máy đường, bà con chúng tôi cứ thế yên tâm sản xuất thôi, cuối vụ là nhận tiền cục về", ông Nhất nói.
Cách nương mía nhà ông Nhất không xa, gia đình chị Cầm Thị Trinh, bản Mờn 1, xã Chiềng Lương đang hối hả chặt mía.
Chị Trinh chia sẻ: Đã gần chục năm nay gia đình tôi gắn bó với cây mía, cũng nhờ cây mía gia đình tôi đã thoát được nghèo và có điều kiện cho con cái ăn học. Như trước đây, chỗ nương này, gia đình tôi chỉ trồng ngô để phục vụ chăn nuôi, có những năm còn bỏ hoang, bởi trồng cây gì cũng khó bán được, có bán giá cũng thấp, không bõ công chăm sóc.
Năm 2016, sau khi được địa phương vận động, cũng như được nhà máy đường hỗ trợ giống, phân bón, công làm đất, gia đình tôi đã quyết định chuyển sang trồng mía. Sau hơn 2 vụ mía, thấy lợi nhuận từ cây mía đem lại cao, gia đình tôi đã quyết định thầu thêm đất để trồng mía. Đến nay, gia đình tôi đã có hơn 3 ha mía, mỗi năm thu về hơn gần 300 tấn mía nguyên liệu.
"So với các loại cây khác, tôi thấy trồng mía hiệu quả hơn nhiều. Gia đình nào chăm mía tốt, lợi nhuận cao hơn so với trồng cây ngô 2-3 lần.
Trồng mía không phải lo nghĩ nhiều, phân, giống đã có nhà máy lo, tiêu thụ, chặt đến đâu nhà máy thu mua đến đấy. Chặt một bãi này là gia đình tôi xong vụ năm nay, với giá mía cao như hiện nay, gia đình tôi dự kiến thu về hơn 200 triệu", chị Trinh vui vẻ nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Cầm Văn Mười, Chủ tịch UBND xã Chiềng Lương cho biết: Trên địa bàn xã có trên 2.100 hộ thì có đến 1.800 hộ trồng mía. Từ khi địa phương định hướng phát triển cây mía là cây trồng chủ lực, đời sống người dân ngày càng khấm khá hơn.
Cũng theo ông Mười, những năm vừa qua, do nắng hạn gay gắt, nhiều ruộng mía bị hạn, đa số diện tích mía trên địa bàn bị thiếu nước nghiêm trọng nên năng suất chỉ đạt thấp.
Để giải quyết vấn đề trên cho cây mía, xã đã có nhiều giải pháp, đặc biệt là xã đang thí điểm mô hình tưới nhỏ giọt cho một số diện tích mía ở vùng thấp, nếu mô hình này đạt hiệu quả, đây sẽ là phương pháp hữu hiệu nhất để bà con nông dân giải quyết vấn đề khô hạn.
"Có thể nói, cây mía đang là một trong những cây trồng chủ lực được người dân xã Chiềng Lương lựa chọn phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Nhờ liên kết trồng mía với Công ty cổ phần mía đường Sơn La, tỷ lệ hộ nghèo ở xã giảm theo từng năm. Đây là động lực giúp người dân Chiềng Lương tích cực hăng say lao động, sản xuất", ông Mười nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Sơn La, cho biết: Thực hiện chủ trương tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp của tỉnh đã tạo bước đột phá cho Công ty cổ phần mía đường Sơn La phát triển. Công ty đã đầu tư phát triển vùng mía nguyên liệu trên địa bàn các huyện Mai Sơn, Yên Châu và Thành phố Sơn La.
Đồng thời, Công ty đã tích cực phối hợp với các địa phương, vận động bà con chuyển đổi những diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng mía; tích cực khảo nghiệm giống mía mới phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng để đưa vào trồng đại trà thay các giống mía cũ.
Song song với phát triển vùng nguyên liệu, Công ty cổ phần mía đường Sơn La đã từng bước đầu tư thay thế thiết bị cũ không bảo đảm an toàn và môi trường; đẩy mạnh việc nâng cấp dây chuyền sản xuất, bảo đảm tiêu thụ hết diện tích mía nguyên liệu cho nông dân.
Niên vụ mía năm 2022-2023, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La có trên 9.500 ha mía nguyên liệu, với sản lượng khoảng 600.000 tấn mía tập trung chủ yếu ở huyện Mai Sơn, Yên Châu và Thành phố. Công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho hơn 10.000 hộ dân trồng mía.
Để bảo đảm ổn định sản xuất, Công ty tiếp tục có những chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu. Công ty cổ phần mía đường Sơn La đã dành hàng trăm tỷ đồng cho các hộ dân ký cam kết trồng mía, vay để đầu tư phục vụ sản xuất, sửa chữa nhà ở..., qua đó, đã tạo niềm tin và sự gắn kết chặt chẽ giữa người trồng mía với doanh nghiệp.
Nhằm duy trì ổn định chất lượng nguyên liệu, Công ty đã tích cực nghiên cứu các loại giống mới năng suất cao, khả năng chống hạn và sâu bệnh tốt để cung ứng cho nông dân trồng mía. Đồng thời, công ty chỉ đạo xí nghiệp nguyên liệu tăng cường cán bộ nông vụ của đơn vị đồng hành với nông dân trong quá trình sản xuất...
Công ty cũng hỗ trợ khoa học kĩ thuật, cung ứng các loại phân bón phù hợp với cây mía; xây dựng mô hình thâm canh giống mới tại các bản để bà con tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm; vận động bà con tận dụng phụ phẩm của cây mía để phát triển chăn nuôi đại gia súc, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập.
"Bước vào niên vụ mía năm 2022-2023, Công ty đã chú trọng công tác bảo dưỡng thiết bị máy móc, dây chuyền, môi trường, đầu tư bổ sung theo công nghệ về chất lượng đường thành phẩm và kế hoạch vào vụ. Công ty mong muốn công tác thu hoạch, vận chuyển, sản xuất, chế biến vụ mùa mới 2022 -2023 được thuận lợi, ổn định, đáp ứng được khung thời vụ", ông Hiếu nói.