Mới đây, phản ánh tới Báo điện tử Dân Việt, chị Mai Thanh Loan (một nhân viên văn phòng làm việc tại quận Hà Đông, TP Hà Nội) cho biết bị mất cả trăm triệu đồng khi làm cộng tác viên, việc làm bán thời gian qua mạng xã hội.
Cụ thể, từ một số điện thoại lạ, chị Loan được giới thiệu công việc có thể làm thêm tại nhà là nghe nhạc, tăng lượt like, tương tác cho bài hát để kéo view, đua top.
Đang trong thời gian rảnh rỗi, cũng như muốn kiếm thêm thu nhập chị Loan đã đồng ý. Sau đó, nạn nhân được đưa vào một nhóm trên Telegram, được cấp tài khoản để đăng nhập.
Hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên dễ dàng, chị Loan được chuyển 20.000 đồng vào tài khoản. Ít phút sau, chị Loan được giao ngay 1 bài hát mới cần like, lần này số tiền chị nhận được là 50.000 đồng.
"Thấy công việc nhẹ nhàng, chỉ ngồi like và nghe nhạc một tí tôi đã thu được 70.000 đồng, nhẩm tính nếu chăm chỉ sẽ kiếm được khoản rất khá nên tôi xin thêm nhiệm vụ để làm, từ đây tôi đã bị chúng đưa vào tròng", chị Loan kể.
Chị Loan tiếp tục được hướng dẫn làm nhiệm vụ thứ 3, lần này chị thu về 120.000 đồng.
Sau khi làm hết 3 nhiệm vụ đầu tiên, nạn nhân được "nhà tuyển dụng" giới thiệu công việc Vip, siêu Vip. Đối với nhiệm vụ này, yêu cầu người thực hiện phải chuyển tiền trước và được hưởng từ 30 - 60% hoa hồng số tiền đã chuyển.
"Lần đầu tiên họ bắt tôi chuyển 800.000 đồng và hưởng 30% hoa hồng. Nhưng vừa làm xong nhiệm vụ này chưa nhận được tiền thì tôi cùng một số người trong nhóm lại được giao nhiệm vụ mới với hoa hồng 40%.
Thấy mọi người tích cực làm, chuyển tiền liên tục cũng thúc giục tôi phải làm, vì không làm thì số tiền 800.000 đồng kia cùng số hoa hồng sẽ không nhận được", chị Loan tâm sự.
Theo đó, chị Loan nhận phải chuyển trước 12.700.000 đồng với niềm tin nhận về hơn 5.000.000 đồng tiền hoa hồng và cả tiền gốc.
Sau nhiệm vụ này, phía người tuyển dụng lại đưa ra loạt bài hát cần like mới dù hoa hồng cũ chưa nhận được và người này liên tục gọi đó là may mắn cho người thực hiện vì có nhiệm vụ siêu Vip.
Bài cũ tiếp tục được dùng để dụ các nạn nhân với mức 15.000.000 đồng được nhận 6.750.000 tiền hoa hồng, 36.000.000 đồng được nhận 14.400.000 đồng hoa hồng, 48.000.000 đồng được nhận 24.000.000 đồng tiền hoa hồng và 68.000.000 đồng nhận về 44.200.000 đồng tiền hoa hồng.
"Phía công ty đưa ra nhiệm vụ và lần nào cũng bảo là lần cuối. Khi đã dùng hết nguồn lực, không biết vay ở đâu nữa tôi mới ngớ ra mình đã bị lừa.
Bên kia vẫn cố thuyết phục tôi nhiệm vụ chốt là 120.000.000 đồng và hoàn thành sẽ nhận lại toàn bộ hoa hồng và tiền gốc. Nhưng khi tôi nói không thể vay được nữa, họ im bặt.
Tôi phải mất mấy ngày mới trấn tĩnh lại bởi số tiền là quá lớn đối với tôi, thế nhưng trong một phút giây tìm hiểu không kỹ, tôi đã bị lừa", nạn nhân kể.
Chị Loan không phải trường hợp duy nhất bị lừa theo hình thức này. Theo tìm hiểu của Dân Việt, nhiều người lao động đang làm việc những ngành nghề khác nhau như nhân viên văn phòng, giáo viên, công nhân... đã tin theo và mất tiền với chiêu thức trên.
Đang làm công nhân tại thành phố Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Mạnh Mão (quê Nghệ An) cũng đã sập bẫy lừa với hình thức hoàn thành nhiệm vụ online.
"Tôi đã mất tất cả, thậm chí phải đi vay lãi, lừa người thân để có tiền hoàn thành nốt đơn cuối cùng, thế nhưng làm gì có chuyện hồi lại tiền. Họ cứ nói đơn cuối, đơn cuối và cuối cùng tổng số tiền tôi chuyển gần 100.000.000 triệu đồng", anh Mão nấc nghẹn.
Theo đó, số tiền ban đầu anh Mão chỉ có 5.000.000, khi đã bị lừa hết, anh Mão tiếp tục được giới thiệu nhiệm vụ, đến lúc phải chuyển nhiệm vụ cuối là 55.000.000 đồng, anh Mão bất lực.
"Với mức lương công nhân 6.000.000 đồng/tháng, ăn uống chi tiêu nữa, không biết bao giờ tôi mới trả hết số nợ kia", anh Mão bộc bạch.
Tinh vi hình thức lừa chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng
Ngày 17/2, Cơ quan CSĐT Cục Cảnh sát hình sự (CSHS, Bộ Công an) cho biết vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 23 bị can, bắt tạm giam 22 bị can (1 bị can được tại ngoại do đang mang thai) để điều tra về hành vi "lừa chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng", xảy ra tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Theo điều tra ban đầu, từ tháng 3/2022, 2 đối tượng người Trung Quốc đến Campuchia thành lập công ty trá hình, sử dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân VN.
Thông qua các trang mạng xã hội, 2 đối tượng trên đăng tuyển dụng lao động, đưa gần 100 nhân viên ở VN sang Campuchia làm việc. Tại Campuchia, 2 đối tượng người Trung Quốc thỏa thuận trả 800USD/tháng/người và được hưởng hoa hồng trên tổng số tiền lừa đảo. Các nhân viên được bố trí ăn ở, làm việc cùng nhau trong một tòa nhà; được đào tạo các chiêu thức lừa đảo bằng cách học theo kịch bản, lời thoại đã soạn sẵn...
Tiếp đó, các nhân viên được chia theo tổ (nhóm) để cùng nhau phối hợp hoạt động lừa đảo. Nhóm Telesale có khoảng 20 đối tượng (do Dương Hoàng Tiểu Băng, 21 tuổi, ngụ Tây Ninh làm quản lý), có nhiệm vụ gọi điện, nhắn tin qua Facebook... để dụ dỗ, lôi kéo nạn nhân tham gia làm việc online trên mạng internet và được trả công từ 100.000 - 300.000 đồng/ngày/người. Khi có người đồng ý, thì chuyển thông tin (số điện thoại, tài khoản Facebook) cho nhóm Sale.
Nhóm Sale có khoảng 80 đối tượng được chia thành 3 nhóm (mỗi nhóm chia thành nhiều tổ; mỗi tổ có 3 nhân viên được giao quản lý 1 máy tính và điện thoại gọi là máy 1-2-3) do Nguyễn Hoàng Sang (22 tuổi, ngụ Tây Ninh), Phan Trung (27 tuổi, ngụ Đà Nẵng) và Lê Trường Thịnh (26 tuổi, ngụ Tây Ninh) làm nhóm trưởng, cùng nhau quản lý.
Hằng ngày, Trung, Sang và Thịnh trực tiếp giao việc cho các nhân viên thực hiện nhiệm vụ lừa đảo. Cụ thể, khi nhân viên máy 1 tiếp nhận thông tin nạn nhân từ nhóm Telesale chuyển sang, thì gọi điện, nhắn tin qua Facebook dụ dỗ nạn nhân tham gia theo dõi, thả tim trên TikTok, Facebook, nghe nhạc MP3 trên mạng sẽ được trả tiền.
Khi nạn nhân đồng ý tham gia thì đối tượng chuyển thông tin cho nhân viên máy 2. Nhân viên máy 2 hướng dẫn thực hiện các thao tác trên thì được trả công từ 10.000 đồng - 50.000 đồng/lần.
Sau khi chuyển tiền để lấy niềm tin, các đối tượng bắt đầu dụ dỗ nạn nhân làm cộng tác viên làm việc online trên mạng internet; chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng để đặt mua đơn hàng trên các sàn thương mại điện tử (giả mạo Shoppe, Lazada…); lập tài khoản trên website Corona đặt cược đánh bạc tài/xỉu để được hưởng hoa hồng (từ 30% - 60%); dụ dỗ đầu tư tài chính….
Khi bị hại đồng ý thì các đối tượng sẽ gửi qua Telegram cho một hợp đồng của Công ty tài chính TNHH MB SHINSEL cam kết bảo hiểm an toàn 100% vốn.
Về vấn đề trên, luật sư Nguyễn Đoàn - Hệ thống Luật sư X (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết, một trong những đặc điểm chung dễ nhận thấy ở các hành vi lừa đảo qua mạng xã hội nói chung như thế này, đó là công việc đơn giản, dễ thực hiện; lãi suất, hoa hồng cao hoặc có thể nói là béo bở để dụ dỗ, lôi kéo người dân sập bẫy.
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp cụ thể thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt...
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh...
Luật sư Nguyễn Đoàn cho biết: "Theo quan điểm của cá nhân tôi, khung hình phạt như vậy chưa thực sự đủ sức răn đe".
Theo luật sư này, thực tế ngày càng có nhiều hành vi lừa đảo chiếm đoạt diễn ra với những thủ đoạn tinh vi, sử dụng công nghệ thông tin, không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, số tiền chiếm đoạt từ lớn tới rất lớn với không chỉ một mà của nhiều nạn nhân, ở nhiều nơi khác nhau do tính “không biên giới, không khoảng cách” mà mạng xã hội tạo ra, gây nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, phòng ngừa, bắt giữ, xử lý, ảnh hưởng tới an ninh trật tự, ổn định xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân.
"Theo tôi, việc xử lý nghiêm cũng như tăng cường các biện pháp đối với các đối tượng lừa đảo này là điều cần thiết, nhất là các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa, sự chung tay của cả hệ thống chính trị, cơ quan ban ngành và người dân trên tinh thần chỉ thị số: 21/CT-TTg ban hành ngày 25/5/2020 của Thủ tướng chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản" - luật sư Đoàn nói.
Theo luật sư này, người dân cần thường xuyên theo dõi, cập nhật kịp thời tin tức về các thủ đoạn, chiêu trò lừa đảo trên kênh truyền hình, báo chí chính thống, trang mạng xã hội để trang bị kiến thức, hiểu biết và chủ động nhận biết, phòng tránh.
Bên cạnh đó, mỗi người cần tuyên truyền, chia sẻ cho gia đình, bạn bè, nhưng người thân xung quanh mình về các thủ đoạn, chiêu trò lừa đảo để nâng cao kiến thức nhận biết, cảnh giác, phòng tránh cho họ.
Đặc biệt, người dân cần trình báo ngay với Cơ quan công an khi phát hiện hành vi có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản để Cơ quan công an nhanh chóng nắm bắt thông tin, xác minh, ngăn chặn, xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định pháp luật và có thông báo, cảnh báo tới người dân về các thủ đoạn, chiêu trò lừa đảo mới.