Dân Việt

Thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM: Những nội dung thí sinh cần nhớ

Tào Nga 09/02/2023 10:17 GMT+7
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, thầy Trần Văn Dũng, giáo viên dạy Toán ở TP.HCM chia sẻ về kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Nắm được thông tin này, các thí sinh sẽ làm bài hiệu quả.

Nội dung cần nhớ khi thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM

Trong các năm gần đây, thi đánh giá năng lực (ĐGNL) nổi lên như một xu hướng, một phương thức mới để xét tuyển của học sinh vào các trường đại học. Năm 2023 tới đây, với sự kết nối giữa ĐGNL Hà Nội và TP.HCM, phương thức xét tuyển này một lần nữa khẳng định giá trị của mình.

Vậy làm sao để đạt được hiệu quả trong việc "cày đề" trong giai đoạn kỳ thi cận kề? Theo thầy Trần Văn Dũng, giáo viên dạy Toán ở TP.HCM, trước hết, bài thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) tích hợp được các kỹ năng về đọc hiểu, phân tích vốn được nhấn mạnh ở bài thi SAT và kỹ năng tư duy phản biện, giải quyết vấn đề của bài thi TSA.

Thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM: Những nội dung thí sinh cần nhớ - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực năm 2022. Ảnh: NVCC

Cụ thể, bài thi ĐGNL của ĐHQG-HCM đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh như: sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Nội dung bài thi được tích hợp đầy đủ cả về kiến thức lẫn tư duy dưới hình thức cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản. Bài thi ĐGNL của ĐHQG-HCM gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm với thời gian làm bài là 150 phút, bao gồm 3 phần:

Phần 1: Ngôn ngữ (gồm 20 câu tiếng Việt và 20 câu hỏi tiếng Anh)

Các câu hỏi, bài đọc đánh giá kiến thức văn học khả năng dùng từ, khả năng đọc hiểu, khả năng phân tích bài viết tiếng Việt và tiếng Anh. Cụ thể, 20 câu tiếng Việt chú trọng đến những năng lực căn bản của việc sử dụng tiếng Việt và đọc hiểu học sinh đã được tiếp cận khi học tại trường THPT.

20 câu tiếng Anh được chia làm 4 phần, trắc nghiệm ngữ pháp, từ vựng, tìm lỗi sai, chọn câu tương đương và đoạn đọc hiểu văn bản. Những kiến thức sẽ trải đều từ những năm cấp 2 và cấp 3, không quá khó khăn trong việc xử lý nhưng cũng yêu cầu thí sinh phải ôn luyện vững chắc những kiến thức từ vựng, ngữ pháp.

Phần 2: Toán học - Tư duy logic - phân tích số liệu (mỗi phần 10 câu hỏi)

Toán học gồm các câu hỏi tập trung về 7 chương học của chương trình lớp 12, phần xác suất (lớp 11) và các bài toán thực tế. Đa số những câu hỏi ở mức thông hiểu và vận dụng thấp. Học sinh chỉ cần nắm chức kiến thức là có thể xử lý trọn vẹn 10 câu hỏi.

Tư duy logic là phần kiến thức mà có lẽ nhiều bạn học sinh sẽ hoang mang, vì đây là phần hoàn toàn không được dạy trên trường. Phần logic bao gồm 2 câu đơn và 2 đoạn đọc hiểu mỗi đoạn 4 câu, kiểm tra kiến thức của học sinh trong việc suy luận và giải quyết vấn đề. Những câu hỏi sẽ không quá khó nhưng rất dễ làm học sinh bỉ rối vì có quá nhiều dữ kiện cộng thêm áp lực phòng thi nên dường như 10 câu hỏi logic chiếm phần lớn số điểm trong đề.

Các dạng toán logic không theo một quy luật nào, không có công thức để áp dụng nên việc luyện tập để suy luận đúng hướng trong quá trình luyện đề thi là vô cùng quan trọng giúp các bạn học sinh gia tăng tốc độ làm bài, tránh bị rối dẫn tới tâm lý với các câu hỏi còn lại.

Phân tích số liệu bao gồm 3 biểu đồ (2 bài 3 câu, 1 bài 4 câu) kiểm tra kiến thức học sinh về vấn đề xử lý số liệu (trung bình, phần trăm, các đặc trưng…). Các bài tập sẽ xoay quanh các dạng biểu đồ mà chúng ta sử dụng hằng ngày để thống kê số liệu như biểu đồ tròn, cột, đường, bảng số liệu… Phần này cũng không được dạy trên trường THPT nên dẫn tới các công thức tính tỉ số phần trăm, so sánh tỉ lệ… học sinh cũng phải suy nghĩ vận dụng thì mới giải được bài toán.

Phần 3. Giải quyết vấn đề (50 câu hỏi bao gồm 5 môn, mỗi môn 10 câu)

Cấu trúc chung của phần 3 bao gồm 4 câu hỏi trắc nghiệm đơn và 2 đoạn văn đọc hiểu (mỗi đoạn 3 câu) với mỗi môn học. Vật lý gồm 4 câu hỏi đơn kiểm tra học sinh về các kiến thức đã được học từ cấp 2 đến hiện tại, chủ yếu tập trung ở lớp 12 với mức độ là lý thuyết và bài tập vận dụng thấp, học sinh chỉ cần nắm kiến thức cơ bản và bao gồm 1 câu về việc ứng dụng các hiện tượng vật lý trong đời sống thực tế.

Hóa học là phần dường như khó nhất trong đề thi ĐGNL vì không được ôn luyện tại trường THPT. Các câu hỏi tập trung trong chương trình cấp 3 (chủ yếu lớp 12), những câu hỏi về nhận biết chất hữu cơ, vô cơ, các dạng lý thuyết đếm khó, bài tập ở mức vận dụng, vận dụng cao thường nằm trong câu hỏi 30 - 35 của đề thi THPT.

Trong hai đoạn đọc hiểu bao gồm những kiến thức của hóa chuyên, hóa đại cương mà xuất hiện những chất mà học sinh chưa bao giờ đọc qua như thực nghiệm hóa học, các vấn đề đi sâu vào bản chất của hóa học. Để làm tốt phần đọc hiểu thì phải nắm được kiến thức cơ bản, vì môn Hóa là môn thực nghiệm và suy luận. Để suy luận được thì phải từ kiến thức cơ bản suy luận lên.

Lịch sử - Địa lý: Đề thi gồm 10 câu bao gồm các phần lịch sử, địa lý Việt Nam và thế giới. Các kiến thức không phải hoàn toàn nằm trong sách giáo khoa, đề thi cũng yêu cầu học sinh phải đọc báo đài, các kiến thức xã hội. Bên cạnh đó, việc giải quyết đoạn văn đọc hiểu cũng yêu cầu học sinh một khả năng đọc - hiểu vấn để tránh lan man, mất thời gian và kỹ năng đọc bản đồ địa lý Việt Nam ở phân môn Địa lý.

Chính trị xã hội: Năm nay có điểm mới bao gồm những câu hỏi chính trị xã hội, đây cũng là phần đã được dự thảo từ những năm vừa rồi. Ngoài những câu hỏi lịch sử, địa lý thông thường sẽ bao gồm những câu hỏi về kiến thức tổng quan của học sinh với những sự kiện trên xã hội hiện tại, những vấn đề về pháp luật, kinh tế chính trị, triết học… Những kiến thức sẽ không hàn lâm như ở chương trình đại học mà được thiết kế theo kiểu học sinh vẫn có thể vận dụng các kiến thức mình hiện có để giải quyết các câu hỏi gắn liền với thực tế cuộc sống.

"Đa phần các câu hỏi được xây dựng theo hướng cung cấp số liệu dữ kiện và kiến thức cơ bản để đánh giá mức độ vận dụng, phân tích của người học. Tuy nhiên, điểm của từng câu hỏi sẽ có trọng số khác nhau tùy thuộc vào độ khó và độ phân biệt của câu hỏi. Nói chung, việc rèn luyện các môn học của học sinh đã được chuôi rèn 11 năm đèn sách. Giai đoạn nước rút sắp tới là quá trình học sinh cô đọng kiến thức đã học và mở rộng kiến thức thực tiễn của bản thân. Bên cạnh đó, phải nắm bắt các thông tin cấp thiết của kỳ thi và giữ cho mình một tâm thế bình tĩnh trước, trong kỳ thi", thầy Dũng chia sẻ.