Từ giấc mơ là siêu nhân ngày nhỏ, nam sinh Hà Nội được 6 trường lớn ở Mỹ mời học Kỹ sư
Từ giấc mơ là siêu nhân ngày nhỏ, nam sinh Hà Nội được 6 trường lớn ở Mỹ mời học
Tào Nga
Thứ tư, ngày 08/02/2023 11:01 AM (GMT+7)
Không chỉ thích học Vật lý, tiếng Anh mà Duy còn có những cách học và áp dụng vào thực tiễn rất thiết thực... Hiện Duy đang cân nhắc sẽ theo học trường nào ở Mỹ để tiếp ước mơ trở thành kỹ sư của mình.
"Ngày còn bé, em có một giấc mơ, đó là trở thành siêu nhân. Và giờ đây em biết, mình có thể sử dụng khoa học để làm được những điều phi thường có giá trị với cuộc sống con người…", Phạm Hoàng Duy (lớp 12 SBQT, trường PTLC Olympia, Hà Nội) đã viết trong bài luận để gửi tới một số đại học Mỹ apply du học ngành Kỹ sư.
Và với sự xuất sắc trong cả học tập và hoạt động cộng đồng, đặc biệt là khả năng ứng dụng lý thuyết vào giải quyết các vấn đề của cuộc sống, Phạm Hoàng Duy đã nhận được thư chấp thuận nhập học từ 6 đại học danh tiếng nước Mỹ là Đại học Case Western Reserve, Đại học Tiểu bang Ohio, Đại học Purdue, Đại học Maryland-College Park và đặc biệt, Đại học Michigan State, ngôi trường đứng top 12 nước Mỹ về đào tạo kỹ sư nông nghiệp đã cấp cho em học bổng 100.000 USD (hơn 2,3 tỷ đồng) cho 4 năm đại học, Trường Worcester Polytechnic Institute cũng hỗ trợ 88.000USD. Duy đang đợi kết quả của một số trường khác sẽ thông báo vào tháng 3 sắp tới.
6 trường Mỹ nhận lời mời học ngành kỹ sư
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, Duy vui vẻ tiết lộ: "Ngày bé em nghĩ siêu nhân có thật, có thể bay trên trời và siêu năng lực. Lớn hơn một chút em mới biết không phải như vậy nhưng từ câu chuyện đó em đã tìm hiểu về ngành kỹ sư. Em không biết vai trò của kỹ sư trong cuộc sống là gì nhưng ở một khía cạnh nào đó cũng là giải cứu con người, giải cứu thế giới, không phải bằng siêu năng lực mà bằng công nghệ".
Từ câu chuyện ngày bé đó, Duy đã rất yêu thích môn Vật lý, Toán học và mang khát khao được trở thành kỹ sư, mà cụ thể hơn là kỹ sư cơ khí để khám phá, hiểu biết thật nhiều về thế giới xung quanh, cách chế tạo, hoạt động của các loại máy móc hiện đại. Duy hy vọng với kiến thức sẽ học được từ đại học Mỹ sau này sẽ đóng góp vào việc giải quyết một số vấn đề khó khăn của Việt Nam như: thiết kế nhà chống lũ, phổ biến năng lượng tái tạo...
Thực tế, Duy đã áp dụng nhiều kiến thức học được vào đời sống thường ngày của mình. Em dùng kiến thức phần mô men quán tính để sửa được tư thế phát bóng của bản thân khi chơi tennis, giúp tạo được lực phát bóng mạnh nhất. Dùng định luật Bernoulli quả bóng có thể xoáy khi chơi trong các môn thể thao, hay từ kiến thức nhiệt động lực học giúp em hiểu được cấu trúc của bình nóng lạnh và vì sao nó lại có một ống ngắn và một ống dài...
Từ giữa năm lớp 11, Hoàng Duy tham gia làm việc cùng các sinh viên của câu lạc bộ Robotic trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Nam sinh cũng làm trợ giảng tại một trung tâm STEM để học hỏi thêm nhiều điều về kiến thức Vật lý, cũng được bồi đắp nhiều kỹ năng liên quan đến ngành kỹ sư sau này.
Năm học 2020-2021, Hoàng Duy đạt danh hiệu "Học sinh xuất sắc”. Năm học 2021-2022, em là “Học sinh vượt trội” và đạt danh hiệu “Học sinh vượt trội” trong các môn Vật lý, tiếng Anh, Công nghệ thông tin và Truyền thông. Trước đó, Duy là một trong 15 học sinh xuất sắc nhất, trong số hàng trăm thí sinh đến từ 27 trường THCS khác nhau trên địa bàn Hà Nội dự thi và nhận được học bổng danh giá Griffin Scholars năm 2020 của trường Olympia.
Giỏi giang, năng động và đam mê thiện nguyện
Duy khiêm tốn nhận trình độ tiếng Anh của mình ở mức khá hơn trung bình nhưng từ năm lớp 10 Duy đã đạt IELTS 8.0. Điều ấn tượng là em không đến trung tâm ôn luyện mà tự học, tự làm bài. Sắp tới Duy đăng ký thi lại và với mục tiêu đạt IELTS 8.5.
Duy bắt đầu học tiếng Anh từ năm lớp 3 nhưng tiếp xúc với tiếng Anh từ sớm qua các bài hát thiếu nhi và nghe 2 chị gái của mình nói chuyện với nhau. "Em nghĩ tiếng Anh chỉ là một ngôn ngữ. Em thấy nhiều người học như học Toán là chăm chăm nhớ cấu trúc câu. Em thì em học tự nhiên hơn. Em dùng như cuộc sống hàng ngày, xem phim, nghe nhạc. Em nghe để hiểu người ta nói về cái gì hơn là đọc phụ đề. Hay muốn làm gì trong tiếng Việt thì em nghĩ trong tiếng Anh sử dụng thế nào...", Duy nói.
Tiết lộ về sở thích của mình, Duy cho biết có thời gian rảnh là cậu chơi tennis, piano, đàn tranh và dạy kèm tiếng Anh miễn phí. Duy là thành viên năng nổ trong nhiều sự kiện của trường, tham gia nhiều dự án thiện nguyện. Em và các bạn đã tự tổ chức 2 dự án gửi áo ấm vào dịp Tết cho các em nhỏ vùng cao và quyên góp máy tính cũ cho trẻ em nghèo trong đại dịch Covid-19. Hiện Duy đang ấp ủ kế hoạch xây thư viện cho Trường tiểu học Vĩnh Đồng, Hòa Bình bằng việc bán sách "Miếng xoài hi vọng" mà em trong vai Tổng Biên tập đã cùng các bạn biên dịch - xuất bản.
Duy cho biết, hiện tại em vẫn đang chờ kết quả từ một số trường đại học trước khi quyết định sẽ theo học ở đâu. Học xong em sẽ ở lại Mỹ làm việc 2 năm để trải nghiệm, sau đó trở về Việt Nam. "Em chưa có kế hoạch tương lai cho mình nhưng em muốn trở về và làm một điều gì đó để cải thiện đời sống của mọi người", Duy khẳng định.
"Duy là có khả năng định hướng rất tốt cho bản thân, biết tự thiết kế các hoạt động cần thiết cho lộ trình học tập và phát triển của mình. Em cũng có khả năng tự học, tự tìm tòi mở rộng kiến thức tốt. Các bài học trên lớp luôn được Duy chủ động huy động nhiều nguồn lực, từ học liệu trong và ngoài trường, hỏi các thầy cô… để bồi đắp sâu-rộng nhất có thể hiểu biết của bản thân", cô Phạm Thùy Giang, giáo viên Vật lý của Duy nhận xét.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.