Dân Việt

PGS.TS Trần Thành Nam: Xuất hiện sau dịch Covid-19, ChatGPT "thỏa mãn" người cô đơn

Khải Phạm 09/02/2023 17:04 GMT+7
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Giảng viên Đại học Giáo dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội, ChatGPT xuất hiện sau dịch Covid-19 khi giới trẻ thiếu những công cụ giải trí nên đã gây "sốt" toàn cầu và cả ở Việt Nam.

Sáng nay (9/2/2022), Báo Nông thôn Ngày nay/ Điện tử Dân Việt tổ chức buổi tọa đàm ChatGPT: "Cỗ máy tám chuyện hay bách khoa toàn thư" với sự tham gia của ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam và PGS.TS Trần Thành Nam, Giảng viên Đại học Giáo dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội.

PGS.TS Trần Thành Nam, xuất hiện sau dịch Covid-19, ChatGPT "thỏa mãn" người cô đơn - Ảnh 1.

Tọa đàm ChatGPT: "Cỗ máy tám chuyện hay bách khoa toàn thư".

Sự bùng nổ của ChatGPT trong thời gian gần đây đến từ nhiều nguyên nhân dù chat AI không còn mới với người dùng khi trước đây đã có nhiều công cụ khác. Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Thành Nam, Giảng viên Đại học Giáo dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội, ChatGPT đã gây "sốt" bởi đây là một công cụ chat AI dành cho "người cô đơn".

"Những người cô đơn tìm đến công cụ ChatGPT như một người bạn tâm sự mà những công cụ khác như Google hiện nay chưa làm được. Khi họ được ChatGPT giải đáp những câu hỏi, thắc măc tự khắc sẽ giới thiệu đến bạn bè và cùng với đó sức mạnh truyền thông đã vô tình thổi bùng khiến ChatGPT trở thành hiện tượng công nghệ nổi bật nhất hiện nay", PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.

Không chỉ vậy, ChatGPT xuất hiện đúng thời điểm sau đại dịch Covid-19, khi giới trẻ thiếu những công cụ giải trí và tìm đến chat AI hoàn toàn mới này.

PGS.TS Trần Thành Nam, xuất hiện sau dịch Covid-19, ChatGPT "thỏa mãn" người cô đơn - Ảnh 2.

PGS.TS Trần Thành Nam, Giảng viên Đại học Giáo dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội chia sẻ. Ảnh Viết Niệm.

"ChatGPT trả lời những câu hỏi của người dùng một cách tận tâm, bảo mật thông tin và khiến người dùng không bị xấu hổ và một bộ phận người dùng coi ChatGPT như bạn", ông Nam nói thêm.

ChatGPT phù hợp với cuộc sống hiện nay khi con người đang có xu hướng sống vội, cần thông tin tổng hợp nhanh.

"Google đưa ra hàng loạt chỉ dẫn khiến người dùng phải đầu tư công sức để tìm kiếm nhiều hơn. Tuy nhiên, tâm lý của mọi người hiện nay sống vọi nên muốn mọi thứ phải nhanh nên ChatGPT tích hợp tất cả thông tin tốt nhất để đưa đến người dùng với câu hỏi đưa ra.

Mặc dù vậy, bất cập của ChatGPT đến từ việc người dùng có thể "dạy" ngược lại công cụ này. Chẳng hạn khi ChatGPT đưa ra câu trả lời, người dùng phản bác thì ChatGPT sẽ ghi nhận ý kiến. Hiểu đơn giản là ChatGPT chưa có chính kiến với chính thông minh mà công cụ này đưa ra", ông Nam nói.

Trong lĩnh vực giáo dục, khi ChatGPT ra đời sẽ khiến con người phải thay đổi nhiều thứ trong cách truyền đạt tri thức để thúc đẩy phát triển.

"Trước đây, Google ra đời thì người dùng sử dụng rất nhiều và bây giờ sự xuất hiện của ChatGPT là bước tiến, xu thế không thể đảo ngược trong tiến trình phát triển của công nghệ. Phát minh nào mới ra đời cũng có quan ngại như việc máy tính cầm tay ra đời, người ta bảo thế này thì học toán làm gì, cuối cùng vẫn phải học", PGS.TS Trần Thành Nam nhận định.

Cũng theo ông Nam, ChatGPT ra đời nhiều người sẽ lo ngại cách dạy học truyền thống sẽ chìm vào quên lãng, nhưng điều này là không thể. 

"ChatGPT có thể trao trả tri thức trực tiếp, nhưng vấn đề học trò nhìn thấy không chịu học nên giáo viên vẫn là người truyền cảm hứng. Đồng thời, ChatGPT không có sự sáng tạo trong cách làm việc, học tập mà sẽ là cỗ máy lập trình sẵn. Kiến thức nhân loại đã đưa ra phải được vận dụng vào từng tình huống thực tế để nâng cao chất lượng công việc, nhưng ChatGPT không làm được", ông Nam phân tích

Dĩ nhiên, ChatGPT ra đời sẽ làm ảnh hưởng đến nền giáo dục, nhưng nó sẽ thúc đẩy cách tiếp cận, phương pháp, trọng tâm để dạy học và đánh giá.

"Cuối cùng, con người hơn cỗ máy chính ở sự sáng tạo, linh hoạt, phẩm chất người", Giảng viên Đại học Giáo dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội khẳng định.

Ở chiều ngược lại, một số quốc gia cấm sinh viên sử dụng ChatGPT bởi sẽ làm gia tăng tỷ lệ gian lận trong học tập khiến chất lượng giáo dục đi xuống. Thực tế, ChatGPT có thể thay thế con người làm bài kiểm tra, luận văn ở nhiều lĩnh vực nên lo lắng đó là có cơ sở.

"ChatGPT ra đời không phải là công cụ tiên phong cho sự gian lận bởi trước đó sinh viên vẫn có thể gian lận bằng Google để làm luận văn hay kiểm tra. Ở đây, giới chức trách lo ngại sự tác động của AI đến giới trẻ đến nhậc thức khi kiến thức chủa ChatGPT bị hạn chế, thiên lệch bởi những nguồn tin mà Chatbot này được tiếp cận do không thể phân biệt thông tin đúng sai. Khi cung cấp thông tin, ChatGPT cũng không có lập trường để bảo vệ nguồn tin đó", ông Nam đưa ra nhận định.

Ở khía cạnh giải trí, ChatGPT có thể làm tốt khi trở thành người bạn tâm sự, đặc biệt với người cô đơn. Tuy nhiên, khía cạnh giáo dục, những thông tin mà ChatGPT đưa ra sẽ là dị bản chứ không phải nguyên bản và không có trích dẫn nguồn, quan trọng người dùng cần sàng lọc để biến ChatGPT thành trợ thủ đắc lực chứ đừng phụ thuộc vào Chatbot AI này.