Mở cửa phiên giao dịch sáng nay (9/2), thị trường sớm chịu sức ép từ một số bluechip nên đã giảm điểm nhẹ ngay khi mở cửa.
Thị trường hôm nay tiếp tục đang vẫn "ngóng" các động thái tiếp theo sau thông tin về buổi họp giữa đại diện Ngân hàng Nhà nước với các doanh nghiệp BĐS lớn ngày hôm qua (8/2), trong đó quan trọng nhất là thông tin về việc sửa đổi Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp. Sau khoảng 1h thị trường mở cửa, hàng loạt cổ phiếu trong nhóm BĐS vẫn đang hiện sắc xanh, trong đó có NVL, PDR, DXG, KDH, DIG, CEO, QCG… Tuy nhiên, bộ ba VIC, VHM và VRE lại giảm, trong đó VHM giảm tới hơn 2%.
Nhóm ngân hàng đang thời điểm này chỉ trừ một số mã như VCB, HDB, MSB, OCB, TCB, đang sắc đỏ, đa số các mã còn lại của nhóm này đang có sắc xanh.
Tính đến 10h30, VN-Index giảm 4,01 điểm (0,37%) còn 1.068,21 điểm, VN30-Index giảm 7,6 điểm (0,71%) về 1.065,78 điểm.
Thời điểm này, bộ ba cổ phiếu "nhà Vingroup" vẫn duy trì sắc đỏ trên sàn HoSE, trong đó VHM vẫn giảm hơn 2%.
Tương tự, nhóm BĐS nhà ở thời điểm này cũng chuyển dần sang sắc đỏ như tại CRE, HDC, QCG, SCR… Riêng NVL đã quay lại về tham chiếu.
Càng về cuối phiên sáng, nhóm trụ cột bluechip càng phân hóa mạnh. Thời điểm 11h, các mã như VPB, SSI, TPB, GVR, GAS với mức tăng từ 0,2% đến 1,4% và nổi bật chỉ có PLX khi +3% lên 38.300 đồng.
Ở chiều ngược lại là HPG, VCB, MWG, NVL, TCB, VNM, VIB, VJC, STB… với mức giảm từ 0,2% đến 1,9%, riêng hai mã cổ phiếu "họ Vingroup" thì giảm mạnh hơn với VHM -2,5% xuống 45.450 đồng và VIC -2,6% xuống 53.000 đồng.
Tạm đóng cửa phiên sáng, chỉ số VN-Index giảm 3,82 điểm (-0,36%), xuống 1.068,4 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 219,5 triệu đơn vị, giá trị 4.040 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 38,1 triệu đơn vị, giá trị 924 tỷ đồng.
Tương tự, chốt phiên sáng chỉ số HNX-Index giảm 0,13 điểm (-0,06%), xuống 210,49 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 20,84 triệu đơn vị, giá trị 332 tỷ đồng.
Ngược lại, UpCoM-Index chốt phiên sáng lại tăng 0,09 điểm (+0,11%), lên 76,52 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 15,29 triệu đơn vị, giá trị 223,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1,65 triệu đơn vị, giá trị 17,1 tỷ đồng.
Bước sang phiên chiều, đà giảm điểm bắt đầu lan rộng từ nhóm cổ phiếu trụ như: VCB, VHM, TCB, HPG, MSN,... kéo theo sự sụt giảm của nhiều nhóm ngành.
Rổ VN30 có đến 23 mã giảm giá, trong khi có 7 mã tăng giá. Cổ phiếu VJC dẫn đầu chiều giảm với tỷ lệ mất giá là 5,6%.
Hàng loạt mã chứng khoán khác như STB, POW, BID, CTG, MSN, MWG, NVL, TCB, VCB, VHM, VPB, VRE… đã giảm mạnh ở trong 30 phút cuối phiên, hoặc ngay trong đợt ATC khiến thị trường liên tục bị "kéo giãn" đà giảm điểm.
Đóng cửa, VN-Index giảm 8,19 điểm (0,76%) về 1.064,03 điểm, HNX-Index tăng 0,3 điểm (0,14%) đạt 210,91 điểm, UPCoM-Index tăng 0,82 điểm (1,07%) đạt 77,25 điểm.
Thanh khoản của thị trường hôm nay với tổng khối lượng giao dịch trong phiên đạt gần 554,5 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 10.476 tỷ đồng.
Nhận định về thị trường chứng khoán trong tháng 2/2023, Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhấn mạnh khả năng thị trường điều chỉnh đang cao hơn, chiến lược giải ngân thận trọng với việc hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ giúp nhà đầu tư bảo toàn danh mục tốt hơn.
"Những nhịp đi xuống của thị trường là cơ hội để nhà đầu tư giao dịch ngắn hạn tối ưu hóa hiệu quả đầu tư trong năm 2023", báo cáo chiến lược của Công ty Chứng khoán Rồng Việt khuyến nghị.
Cũng theo dự báo của công ty chứng khoán này, trong kịch bản cơ sở, kỳ vọng VN-Index dao động trong khoảng 1.010 - 1.100 điểm.