Thông tin được Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn đưa ra tại Hội nghị giao ban hôm 8/2. Theo đó, tính đến ngày 3/2, công tác rà soát tính pháp lý, kiểm đếm, lập hồ sơ bồi thường được thực hiện đúng quy trình, công khai, minh bạch; đồng thời các cơ quan liên quan đã ban hành thông báo thu hồi đất, chi trả tiền đối với những hộ dân đồng thuận, kiến nghị rút ngắn thời gian công khai.
Hiện tất cả các dự án xây dựng khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 đều được phê duyệt. Các đơn vị cũng đã kê khai, kiểm đếm, lập hồ sơ đối với mồ mả trong phạm vi giải phóng mặt bằng; tổ chức họp với nhân dân, công khai phương án di chuyển mồ mả. Các đơn vị đã kiểm đếm 8.958/11.682 ngôi mộ; phê duyệt phương án hỗ trợ di chuyển 6.662 ngôi; di chuyển và hoàn thành chi trả tiền đối với 5.187 ngôi.
Để đạt được mục tiêu khởi công dự án đường Vành đai 4, thành phố Hà Nội dự kiến bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng trong tháng 6/2023 và hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 12/2023.
Về công tác giải quyết đơn, kiến nghị liên quan dự án, tính đến ngày 3-2, có 3 đơn kiến nghị của nhân dân thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện và 2 đơn đã được giải quyết xong.
Theo ông Đỗ Anh Tuấn, các địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền về tầm quan trọng đặc biệt và ý nghĩa của Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận thực hiện chính sách giải phóng mặt bằng của dự án; tập trung giải quyết kịp thời, đúng quy định những kiến nghị, khiếu nại của người dân.
Ban Dân vận Thành ủy đánh giá, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần mở rộng không gian phát triển cho Thủ đô, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Dự án trên địa bàn Hà Nội dài 58,2 km, đi qua 7 quận, huyện: Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.