Những ngày đầu xuân, hòa vào dòng người về trảy hội đền Cao – An Phụ nơi thờ An Sinh Vương Trần Liễu (thân phụ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn), chúng tôi thấy nhiều du khách đến tham quan, vãn cảnh khu tượng đài Trần Hưng Đạo tọa lạc dưới chân đền Cao.
Anh Đào Văn Tiền, nhân viên bảo vệ ở khu tượng Trần Hưng Đạo của Ban Quản lý Di tích Kinh Môn cho biết: "Từ sau giao thừa đến mồng 8 Tết, du khách đến đây rất đông. Họ thắp hương chiêm bái, xem tranh phù điêu, chụp ảnh kỷ niệm ở đây xong mới đi lên đền".
Du khách đến đây, ngoài dâng hương trước tượng Trần Hưng Đạo, nhiều du khách còn thích thú ngắm bức tranh phù điêu. Bức tranh tái hiện lại giai đoạn lịch sử của triều đại nhà Trần trong chống giặc ngoại xâm và 3 lần giành chiến thắng giặc Nguyên Mông xâm lược.
Trong đó có một gia đình du khách 3 người gồm: Bố, mẹ và con trai nhỏ. Tại mỗi điểm nhấn của bức tranh, người bố lại giải thích cho con trai mình hiểu hơn về nội dung bức tranh, về lịch sử giai đoạn mà phần bức tranh đó tái hiện. Người con trai nhỏ chăm chú xem tranh và nghe bố giảng giải về nội dung bức tranh.
Đó là gia đình anh Phan Huy Hưng, du khách đến từ TP Hải Phòng. Gia đình anh đi cùng với các anh em trong công ty đi lễ du xuân đầu năm về đền Cao – An Phụ. Khi đặt chân đến đây, gia đình anh liền vào khu tượng Trần Hưng Đạo.
Anh Hưng cho biết: "Ngoài đi lễ, du xuân đầu năm tại các di tích, mình còn tìm hiểu lịch sử di tích, lịch sử các danh nhân được thờ tại các di tích. Năm nay, tôi đưa cháu đến đền Cao – An Phụ để cháu được chiêm ngưỡng tượng Trần Hưng Đạo và ngắm bức phù điêu gốm này.
Tôi cũng kể cho cháu nghe câu chuyện lịch sử về triều Trần anh dũng trong 3 lần kháng chiến và giành chiến thắng quân Nguyên Mông xâm lược. Qua đó, để cho cháu hiểu về lịch sử của cha ông ta.
Đặc biệt trong đó có phần bức phù điêu tái hiện hình ảnh, Trần Quốc Tuấn tắm cho Trần Quang Khải tôi cho rằng đây là điểm nhấn có ý nghĩa xóa bỏ hiềm khích giữa cá nhân 2 ông tạo mối đoàn kết, chung một mục tiêu, một ý chí để đánh giặc".
Còn du khách Dương Văn Đước đến từ thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: "Quang cảnh ở đây rất đẹp. Tượng đài Trần Hưng Đạo uy nghi còn bức tranh phù điêu bằng gốm quá hoành tráng, dài hơn 40m tái hiện lịch sử triều Trần rất có ý nghĩa cho thế hệ sau".
Con gái anh Đước là cháu Dương Thị Quỳnh Anh rất thích thú khi được bố giới thiệu về lịch sử di tích, về An Sinh Vương Trần Liễu, về Trần Hưng Đạo, về triều Trần đánh 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông, về bức tranh phù điêu tái hiện câu chuyện lịch sử về triều Trần.
Cháu Quỳnh Anh cho biết: "Cháu cám thấy rất tự hào về lịch sử của ông cha. Chuyến tham quan đầu xuân này rất ý nghĩa với cháu".
Chị Phạm Thị Bích Huệ, hướng dẫn viên Ban Quản lý Di tích Kinh Môn cho biết: "Bức tranh truyện phù điêu gốm dài 45m, cao trung bình 2,5m được ghép bởi 265 viên gạch của tác giả Hoàng Nhân và Vũ Ngọc Thạch. Bức tranh này đã được xác lập kỷ lục Guinness năm 2013 là bức tranh truyện bằng đất nung ngoài trời dài nhất Việt Nam".
Bức tranh phù điêu gốm tái hiện lịch sử hào hùng của vương triều Trần khi ba lần lãnh đạo quân dân Đại Việt chiến thắng quân Nguyên Mông.
"Đáng chú ý trong tổng thế bức tranh, có một mảng tranh tái hiện hình ảnh Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn tắm nước lá thơm cho Thượng tướng, Thái sư Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải tại bến Đông để giải tỏa mối hiềm khích trong hoàng tộc"- chị Huệ cho hay.
Theo sử sách, sự hiềm khích giữa 2 ông xuất phát từ những mâu thuẫn từ đời trước. An Sinh Vương Trần Liễu là anh ruột của Vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh). Theo tôn ti, ngôi thứ nội tộc Trần Quốc Tuấn (con của Trần Liễu) là anh họ con bác của Trần Quang Khải (con của vua Trần Thái Tông – Trần Cảnh).
Mâu thuẫn xảy ra vào năm 1237, khi đó Thái sư Trần Thủ Độ bắt ép Trần Liễu nhường vợ Thuận Thiên (khi đó đang mang thai) cho vua Trần Thái Tông để có người nối dõi. Bởi Vua Trần Thái Tông và Hoàng hậu Lý Chiêu Hoàng lấy nhau đã lâu mà chưa có con.
Mất vợ, Trần Liễu phẫn uất khởi binh chống lại. Do lực lượng yếu, Trần Liễu biết không thể thắng nên đã xin hàng. Sau này, Trần Liễu quyết tâm đào tạo Trần Quốc Tuấn thành tài giỏi để mong một ngày nào đó sẽ trả thù cho mình. Trước khi nhắm mắt, Trần Liễu vẫn không quên di huấn căn dặn Trần Quốc Tuấn trả thù cho ông.
Vì mâu thuẫn đó, khiến cho 2 người con của Trần Liễu và vua Trần Thái Tông là Trần Quốc Tuấn và Trần Quang Khải không ưa nhau, hiềm khích nhau trong nhiều năm liền.
Trước nguy cơ đất nước bị giặc Nguyên Mông lăm le xâm lược lần thứ 2. Lúc này vì đại cục, Trần Quốc Tuấn đã chủ động xóa bỏ mâu thuẫn, hiềm khích cá nhân để cùng lo việc nước.
Một lần Thượng tướng, Thái sư Trần Quang Khải đến thăm Trần Quốc Tuấn. Tại đây, Trần Quốc Tuấn đã ngỏ ý muốn tắm nước thơm cho Trần Quang Khải và ông đã vui vẻ đồng ý để Trần Quốc Tuấn tắm cho mình.
Từ đó mối nghi ngờ, hiềm khích đã cởi bỏ, 2 ông dần trở nên thân thiết, hợp chí hướng. Mối đoàn kết đó đã được phát huy, khi hai ông đã góp công sức cùng với vua Trần lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh tan 2 cuộc xâm lược, lần 2 vào năm 1285, lần 3 vào năm 1287 – 1288 của giặc Nguyên Mông.
Clip Du khách thích thú với bức phù điêu ở đền Cao An Phụ
Nói về ý nghĩa của mảng tranh Trần Quốc Tuấn tắm nước thơm cho Trần Quang Khải, ông Nguyễn Văn Thư, Trưởng Ban Quản lý Di tích Kinh Môn cho biết: Việc chủ động cởi bỏ hiềm khích cá nhân vì đại cục, chứng tỏ tấm lòng của Trần Hưng Đạo với non sông đất nước, với con dân Đại Việt lúc bấy giờ.
Nếu ông cũng tham, tranh giành ngôi báu, khi cầm binh quyền trong tay ông hoàn toàn có thể làm được điều đó. Hoặc giả như ông không xóa bỏ hiềm khích cá nhân với Trần Quang Khải khi đất nước có giặc ngoại xâm sẽ thế nào?
Ngay cả khi "vua tôi" đoàn kết một lòng "phụ tử nhất sinh" mà cuộc kháng chiến của vua tôi nhà Trần còn nhiều phen khốn đốn. Nhiều lúc tưởng như không cầm cự nổi trước sức mạnh của giặc.
Ngoài là linh hồn trong chiến công hiển hách chiến thắng giặc Nguyên Mông lần 2, lần 3, Trần Hưng Đạo còn vĩ đại bởi chính cách hành xử khiêm nhường nhưng vĩ đại bởi tấm lòng trung quân, vì nhân dân, vì non sông đất nước của ông.
"Chính vì điều đó ông được hậu thế tôn là Đức Thánh Trần và trở thành điểm tựa tâm linh vĩnh cửu trong tâm thức người dân đất Việt"- ông Thư cho hay.