Chỉ có bằng tú tài vẫn được vua bổ nhiệm đứng đầu Quốc Tử Giám, đó là danh nhân nào đất Hải Dương?

Thứ hai, ngày 30/01/2023 13:40 PM (GMT+7)
Năm 1826, Phạm Đình Hổ được giữ chức Thừa chỉ Viện Hàn lâm, rồi đến chức Tế tửu Quốc Tử Giám (đứng đầu Quốc Tử Giám), mặc dù chỉ có bằng tú tài. Đây là trường hợp duy nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Năm 1832, ông từ quan và năm 1839 mất tại quê nhà Hải Dương.
Bình luận 0

Phạm Đình Hổ sinh năm Mậu Tý 1768, quê ở làng Đan Loan, xã Nhân Quyền (huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương), là tác giả nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam thế kỷ XIX.

Chỉ có bằng tú tài vẫn được vua bổ nhiệm đứng đầu Quốc Tử Giám, đó là danh nhân nào đất Hải Dương? - Ảnh 1.

Lầu bình thơ nằm trong khu đất cũ của danh nhân Phạm Đình Hổ - nơi ông thường uống rượu, bình thơ với bạn bè trước kia. Lầu bình thơ tại àng Đan Loan, xã Nhân Quyền (huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương).

Hiện vẫn còn các dấu ấn về ông tại quê nhà như khu đất cũ, lầu bình thơ, mộ phần và nhà thờ. Lầu bình thơ và mộ phần đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1999.

Những điều ít biết về danh nhân tuổi Tý

Theo cuốn Đường An Đan Loan Phạm gia thế phả của Phạm Đình Hổ do Nhà Xuất bản Văn học xuất bản năm 2019, họ Phạm đến định cư tại làng Đan Loan cho đến đời Phạm Đình Hổ là 11 đời. Làng Đan Loan trước kia giàu có nổi tiếng trong khu vực vì có nghề nhuộm cổ truyền.

Cha của Đình Hổ là Phạm Giáp, từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, học giỏi. Ông thi nhiều nhưng chỉ đỗ Hương cống. Ông từng dạy học ở Thăng Long, có rất nhiều học trò theo học và thành danh. 

Bạn bè giao tiếp với ông có nhân vật nổi tiếng như Lê Quý Đôn, Ngô Thì Sĩ. Ông có 3 người vợ, vợ thứ ba là bà Phạm Thị Xuyến mẹ của Đình Hổ, sinh được 4 người con (3 trai, 1 gái). Đình Hổ là con út. Bà cũng là con gái thuộc hàng danh gia vọng tộc. 

Cụ Phạm Đình Phúc (74 tuổi) ở thôn Đan Loan, chắt đời thứ năm của Phạm Đình Hổ cho biết theo các cụ truyền lại và gia phả họ Phạm, năm Phạm Đình Hổ 11tuổi thì cha ông mất. Tiếp sau đó 2người anh trai rồi người mẹ của ông cũng qua đời trong sự bàng hoàng của gia đình.

Phạm Đình Hổ sinh ra trong gia đình truyền thống khoa bảng. Ông là người ham học. Ông từng học tại Quốc Tử Giám và thi đậu Sinh đồ. Thời thế không yên, ông từng về quê và đi dạy học nhiều nơi, rồi thi cử nhiều lần nhưng đều không đỗ đạt cao.

Năm 1821, khi vua Minh Mệnh ra Bắc Hà, thấy ông là người học rộng tài cao nên cử làm Hành tẩu Hàn lâm viện. Năm 1826, ông giữ chức Thừa chỉ Viện Hàn lâm, rồi đến chức Tế tửu Quốc Tử Giám (đứng đầu Quốc Tử Giám), mặc dù chỉ có bằng tú tài. Đây là trường hợp duy nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Năm 1832, ông từ quan và năm 1839 mất tại quê nhà.

Phạm Đình Hổ được biết đến là một nhân tài đất Bắc bởi tài học, kiến thức uyên bác, không màng vinh hoa phú quý. Ông đã để lại nhiều công trình khảo cứu về lịch sử, địa lý, phong tục tập quán, văn thơ có giá trị lớn. Các công trình khảo cứu của ông có những giá trị đặc biệt về mặt tư liệu đối với khoa học lịch sử, ngôn ngữ, triết học.

Cụ Phúc cho biết thêm trong dòng họ còn lưu truyền Phạm Đình Hổ có 1 người con trai là Phạm Đình Hồ từng làm Tri phủ huyện Vĩnh Tường. Nghe kể lại khi ông đi đến khu vực chợ Đường Cái ở Hưng Yên (nay thuộc Hà Nội) thì biết chuyện người dân làng này đang mắc tội với triều đình. 

Ông dâng biểu xin miễn tội. Để đền ơn, dân làng đã gả một cô gái cho ông và cô ấy sinh 1 người con trai khi ông đã 70 tuổi.

Hiện trong làng con cháu của Phạm Đình Hổ có khoảng 18 hộ, ở Hà Nội, Hải Phòng khoảng 80 hộ. Con cháu của ông nhiều người từng làm trong các cơ quan của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương.

Bảo tồn

Hiện nay, ở làng Đan Loan còn lưu giữ các dấu ấn về Phạm Đình Hổ là thửa đất cũ của ông do chắt đời thứ 5 đang ở. Ngoài ra có lầu bình thơ trong thửa đất cũ, mộ phần và nhà thờ. 

Ông Phạm Đình Trình (52 tuổi) ở làng Đan Loan, chắt đời thứ 5 của Phạm Đình Hổ, người trực tiếp sử dụng khu đất cho biết theo các cụ kể lại thì lầu bình thơ là nơi mỗi lần Phạm Đình Hổ về quê thường ngồi uống rượu, bình thơ với bạn bè. Trước cửa lầu còn khóm hoa mẫu đơn cổ thụ vẫn xanh tươi khoe sắc, tương truyền do chính tay ông trồng lúc sinh thời.

Theo cháu, chắt của Phạm Đình Hổ, lầu bình thơ cũ đã bị đổ nát. Lầu hiện tại là do con cháu trong dòng họ đóng góp tiền trùng tu, xây dựng lại nhiều lần. Năm 2009 có đợt trùng tu lớn từ nguồn kinh phí của Nhà nước. 

Ông Trình cho biết thêm lầu được xây dựng hình vuông, có 3 cửa quay 3 hướng đông, tây, bắc. Cửa chính quay hướng bắc. Mái lầu 2 tầng hình chóp, 8 đao cong vút, trên đỉnh có đắp hình nậm rượu. Phía trong có 1 bệ thờ với 3 bát hương. Ngoài con đường nhỏ ra lầu, xung quanh là ao thả cá, tạo nên khung cảnh thơ mộng.

Cách lầu bình thơ khoảng 500 m về hướng bắc có khu đống Mả Duồng là vị trí mộ phần của Đình Hổ. Theo ông Phúc, trước kia mộ của Phạm Đình Hổ chỉ đắp đất. Năm 1989, một người trong dòng họ từ Sài Gòn về bỏ tiền ra xây lại. Năm 1993, Bảo tàng Hải Dương có bản vẽ thiết kế ngôi mộ cho tương xứng với tầm vóc. Sau đó mộ phần được tôn tạo khang trang trên diện tích khoảng 16 m2. 

Năm 2000, Nhà nước cấp kinh phí xây dựng nhà thờ Phạm Đình Hổ trong khuôn viên miếu Đan Loan của làng. Ông Nguyễn Văn Thắng (66 tuổi) trông nom ở đây đã được hơn chục năm cho biết ngày rằm và mùng 1 có rất nhiều người đến thắp hương. Đặc biệt, ngày 14.9 âm lịch là ngày giỗ tổ nghề nhuộm của làng thì con cháu dòng họ Phạm về rất đông. 

Ông Nguyễn Văn Lợi, công chức văn hóa - xã hội xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương cho biết địa phương đã tích cực tuyên truyền con cháu trong dòng họ Phạm quan tâm chăm nom các di tích. 

Xã Nhân Quyền mong muốn các ngành có liên quan hỗ trợ kinh phí trùng tu một số nơi trong nhà thờ bị xuống cấp, đưa cụm di tích vào kế hoạch phát triển du lịch của huyện, tỉnh và kết nối đưa du khách về tham quan.


Thế Anh (Báo Hải Dương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem