Dân Việt

"Nín thở" phẫu thuật lấy sỏi mật cho cụ ông gần 100 tuổi với nhiều khó khăn

Diệu Linh 14/02/2023 06:07 GMT+7
Bệnh nhân gần 100 tuổi là một thách thức đối với các y, bác sĩ khi phải tiến hành phẫu thuật lấy sỏi mật cho cụ.

Tin từ Bệnh viện đa khoa Quảng Ninh cho biết, bệnh viện vừa phẫu thuật lấy sỏi mật thành công cho 1 cụ ông gần 100 tuổi. Đây là một thách thức đối với kíp gây mê và phẫu thuật viên, giúp cụ trải qua cuộc phẫu thuật an toàn. 

Bệnh nhân gần 100 tuổi, từng cắt túi mật

Bệnh nhân là cụ Lý Văn T. (99 tuổi, trú tại xã Dương Huy, TP.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh). Ở nhà cụ ông mệt mỏi, sốt nóng từng cơn, buồn nôn và nôn mửa, đau tức hạ sườn phải được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu. 

Khai thác tiền sử bệnh được biết, cụ từng mổ mở cắt túi mật cách đây 6 năm. Qua thăm khám, cụ ông có da và mắt vàng, sốt cao 38-39 độ kéo dài, trên hình ảnh chụp cắt lớp vi tính cho thấy đường mật trong ngoài gan giãn nhiều, ống mật chủ giãn 17mm, trong có nhiều sỏi xếp thành chuỗi viên lớn đường kính 15mm. 

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tắc mật do sỏi ống mật chủ và chỉ định phẫu thuật lấy sỏi mật.

"Nín thở" phẫu thuật lấy sỏi mật cho cụ ông gần 100 tuổi với nhiều khó khăn - Ảnh 1.

Bác sĩ phẫu thuật và gây mê tư vấn kỹ càng cho người nhà bệnh nhân T. Ảnh BVCC

Gia đình khá đắn đo, lo lắng vì cụ T. tuổi cao, sức yếu phải thực hiện cuộc phẫu thuật nặng nề. Sau khi được tư vấn kỹ càng, gia đình đã tin tưởng, đặt trọn hy vọng vào các bác sĩ. 

Nhận định đây là bệnh nhân tuổi cao hiếm gặp, nguy cơ xảy ra rủi ro trong và sau phẫu thuật cao, các bác sĩ khoa Ngoại đã tiến hành hội chẩn các chuyên khoa để khám lâm sàng toàn thể, tầm soát các bệnh lý, tiên lượng trước nguy cơ để có phương án phẫu thuật đảm bảo an toàn nhất cho người bệnh. Đặc biệt là khâu gây mê với các nguy cơ biến chứng cần phải được dự phòng đầy đủ.

Bác sĩ Phạm Trung Đức – Phó Trưởng khoa Gây mê hồi sức cho biết: "Người cao tuổi các chức năng cơ thể suy giảm dần theo thời gian, vì vậy việc đánh giá bệnh nhân trước, trong và sau mổ là vô cùng quan trọng. 

Bản thân cụ B. tuổi đã cao, sốt kéo dài khiến cơ thể suy kiệt. Ở độ tuổi này, tim phổi hoạt động kém, chức năng hô hấp suy giảm, vì vậy trong suốt quá trình ca mổ diễn ra, chúng tôi theo dõi sát bệnh nhân, điều chỉnh liều mê phù hợp, giữ ấm thân nhiệt, cân bằng dịch truyền, máu và điện giải..., đảm bảo bệnh nhân ổn định để phẫu thuật viên yên tâm xử trí tổn thương. Giảm đau sau mổ cũng là vấn đề cần lưu tâm. 

Chúng tôi cân nhắc rất kỹ liều giảm đau phù hợp để sử dụng cho người bệnh, bởi khả năng chịu đau của người cao tuổi thường kém hơn bệnh nhân trẻ, nhưng nếu lạm dụng sẽ ảnh hưởng tới cơ hô hấp, nguy cơ khó thở, biến chứng viêm phổi cao, từ đó người bệnh sẽ phục hồi càng chậm”.

Thách thức khi phẫu thuật cho bệnh nhân gần 100 tuổi

Kíp mổ do bác sĩ Phạm Việt Hùng - Trưởng khoa Ngoại, bác sĩ Phạm Trung Đức – Phó khoa Gây mê hồi sức cùng các cộng sự phối hợp thực hiện. 

Sau khi gây mê nội khí quản, phẫu thuật viên mở bụng kiểm tra thấy ổ bụng dính nhiều, một phần dạ dày dính vào mặt dưới gan, khéo léo bóc tách thấy ống mật chủ giãn to, trong có nhiều sỏi lớn. 

Kíp mổ tiến hành mở ống mật chủ lấy sỏi, bơm rửa kiểm tra đường mật thấy thông tốt, nội soi đường mật hết sỏi, đóng kín đường mật và vết mổ.

"Nín thở" phẫu thuật lấy sỏi mật cho cụ ông gần 100 tuổi với nhiều khó khăn - Ảnh 2.

Sức khỏe cụ ông gần 100 tuổi tiến triển tích cực sau mổ. Ảnh BVCC

Ca mổ diễn ra thuận lợi với sự theo dõi và phối hợp chặt chẽ với kíp gây mê hồi sức. “Bệnh nhân hậu phẫu hồi tỉnh nhanh, ít đau sau mổ", bác sĩ Đức cho biết. 

Sau phẫu thuật 5 ngày, sức khỏe cụ ông gần 100 tuổi tiến triển tích cực, vết mổ khô, liền tốt.

Con trai bệnh nhân T. chia sẻ: “Ban đầu, gia đình thấy cụ tuổi cao, sức yếu nên do dự không mổ, sợ cụ không qua khỏi. Khi được nghe các bác sĩ tư vấn, lại thấy bố ngày càng đau đớn, tinh thần không tỉnh táo nên chúng tôi đã đồng ý phẫu thuật. 

Trước mổ, bố tôi cũng rất sợ và lo lắng nhưng được các y bác sĩ tỉnh tận tình động viên, điều trị chăm sóc tích cực nên tinh thần cụ vui vẻ, ăn uống tốt, sức khỏe tiến triển ngoài mong đợi”.

Theo bác sĩ Hùng, bệnh nhân cao tuổi, nhất là ở tuổi hiếm gặp thường có nhiều bệnh lý mãn tính kèm theo như thiếu máu, tim mạch, huyết áp… gây khó khăn cho quá trình phẫu thuật vì nguy cơ tử vong trong và sau mổ rất cao. 

“Nếu vì tuổi quá cao mà không phẫu thuật thì bệnh nhân chỉ có thể nằm một chỗ chịu đau đớn, nằm lâu còn gây loét các vùng tỳ đè, viêm phổi ứ đọng, cơ thể dần suy kiệt, trở thành gánh nặng cho gia đình, nguy cơ tử vong cao. 

Vì vậy, dù cụ T. đã 99 tuổi, phẫu thuật có thể gặp rất nhiều nguy cơ biến chứng, nhưng với trách nhiệm của người thầy thuốc, chúng tôi vẫn quyết định thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân để họ có thể khỏe mạnh, vui vẻ trở lại cuộc sống bình thường", bác sĩ Hùng khẳng định. 

Chia sẻ về khó khăn khi phẫu thuật cho bệnh nhân gần 100 tuổi, bác sĩ Hùng cho biết, bệnh nhân từng mổ cắt túi mật, nguy cơ chảy máu khó cầm nên các tổ chức bị dính liền mất đi giải phẫu thông thường. 

Các bác sĩ đã phối hợp nội soi đường mật để đảm bảo hết sỏi và không cần dẫn lưu đường mật do vậy bệnh nhân được hồi phục sớm mà không cần mang dẫn lưu dài ngày. Sau phẫu thuật, công tác chăm sóc vết mổ, dinh dưỡng cho người bệnh đều được chú trọng để bệnh nhân nhanh hồi phục. 

Đây không phải lần đầu bệnh viện "đối phó" với những người bệnh 100 tuổi. Trước đó, bệnh viện từng  mổ thay khớp háng nhân tạo cho cụ bà 102 tuổi, phẫu thuật bóc u khổng lồ cho cụ bà 101 tuổi và phẫu thuật thành công cho rất nhiều bệnh nhân trên 80-90 tuổi.