Dân Việt

Những điều chưa biết về mô hình cấp cứu trầm cảm 115

Bạch Dương 14/02/2023 12:59 GMT+7
Có thể nói, TP.HCM là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai mô hình cấp cứu trầm cảm, một giải pháp khẩn cấp cứu người, đặc biệt là những bệnh nhân bị ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần.
Những điều chưa biết về cấp cứu trầm cảm 115 - Ảnh 1.

Ê kíp cấp cứu 115 đang vận chuyển bệnh nhân. Ảnh: TT115

Đại dịch Covid-19 đã qua đi nhưng những di chứng để lại là không nhỏ. Sở Y tế TP.HCM đã triển khai chuỗi hoạt động nhằm chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân, khởi đầu với thí điểm triển khai mô hình "cấp cứu trầm cảm". Mô hình được triển khai thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ giữa Bệnh viện Tâm thần TP.HCM và Trung tâm Cấp cứu 115.

Anh Nguyễn Văn Phước, Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM chia sẻ, khi tiếp nhận cuộc gọi của người thân bệnh nhân, tùy tình hình mà trung tâm sẽ có những hướng xử trí khác nhau. Một trong những ca bệnh mà các anh chị trong Trung tâm Cấp cứu 115 ấn tượng, đó là một người phụ nữ có dấu hiệu loạn thần tại quận Tân Phú.

Ba ngày trước đó, người phụ nữ này bắt đầu có các biểu hiện kích động và nói với người nhà rằng mình bị ám hại. Sau đó, bệnh nhân kích động nhiều hơn kèm mất ngủ, tấn công người xung quanh. Khi người thân gấp gáp gọi điện cho 115, người bệnh vẫn đang la hét "Giết hết tất cả".

Sau khoảng 15 phút kíp cấp cứu đến nơi, bệnh nhân lúc này vẫn đang trong tình trạng kích động mạnh, miệng vẫn liên tục đe dọa. Cùng với yêu cầu gia đình chuẩn bị một phòng kín an toàn cho bệnh nhân, kíp cấp cứu lập tức kết nối với bác sĩ trực tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, tìm cách tiếp cận người bệnh, tiêm thuốc an thần để giảm kích động và chuyển người bệnh đến Bệnh viện Tâm thần.

"Một số bằng chứng cho thấy có khoảng 37% người bệnh xuất hiện các tổn thương tâm lý, rối loạn tâm thần sau mắc Covid-19 từ nhẹ đến nặng, đặc biệt người đã nhiễm Covid-19 có nguy cơ mắc rối loạn tâm thần cao hơn so với người chưa nhiễm" bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 phân tích.

Bác sĩ Long cho biết, trước khi có mô hình "cấp cứu trầm cảm", việc quản lý bệnh nhân tâm thần gặp nhiều khó khăn. Điển hình như trường hợp bệnh nhân trở nặng, có các dấu hiệu tự sát, quậy phá, gây hấn... nếu không có lực lượng y tế hỗ trợ đưa vào viện kịp thời thì sẽ có khả năng gây hại cho người xung quanh và chính bản thân họ. Hơn nữa, khi di chuyển bằng các phương tiện cá nhân còn có thể gây chấn thương cho bệnh nhân và người vận chuyển.

Dù rất nỗ lực nhưng không phải trường hợp nào cũng được cấp cứu thành công. Các bác sĩ còn ám ảnh về trường hợp một bệnh nhân ở quận 11. Mặc dù từ khi nhận tin báo đến khi đội cấp cứu đến nơi chỉ khoảng 10-15 phút nhưng bệnh nhân tử vong do mất nhiều máu khi tự sát vì trầm cảm.

Những điều chưa biết về cấp cứu trầm cảm 115 - Ảnh 3.

Cấp cứu trầm cảm đang được triển khai trên địa bàn TP. Ảnh: P.V

Bác sĩ Vũ Kim Hoàn (Bệnh viện Tâm thần TP.HCM) khẳng định mô hình "cấp cứu trầm cảm" là một hoạt động rất nhân văn, do các bệnh nhân trầm cảm không hiểu mức độ trầm cảm thế nào, nguy cơ dẫn đến tự sát đến đâu. Người bệnh không thể một mình chống đỡ, đến một lúc nào đó họ sẽ gục ngã. Nếu thần kinh họ không mạnh thì mức độ trầm cảm ngày càng nặng, dẫn đến bế tắc, nghĩ đến cái chết và thực hiện hành vi tự sát để giải thoát. Đây là bế tắc cuối cùng của người bị trầm cảm.

Vì vậy, người thân cần đặc biệt chú ý đến người nhà với những biểu hiện bên ngoài như buồn chán, mất thích thú, dễ mệt mỏi, không muốn giao tiếp; tiếp xúc mất tự tin, có mặc cảm tự ti, tội lỗi. Họ hay nhắc về cái chết và có những kế hoạch tự sát như trữ thuốc, giấu dao… Khi phát hiện người bệnh có biểu hiện này cần đưa họ đến cơ sở y tế chuyên khoa tâm thần để điều trị.

Mô hình "cấp cứu trầm cảm" được triển khai thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ giữa 2 cơ sở y tế. Bên cạnh đường dây cấp cứu 115 quen thuộc, ngành Y tế còn triển khai thêm đường dây nóng 19001267, số điện thoại này sẽ giúp người dân kết nối nhanh chóng với các chuyên gia tâm thần của Thành phố.

Tổng đài 115 liên thông với tổng đài 19001267 của Bệnh viện Tâm thần với nhiệm vụ tiếp nhận, sàng lọc cuộc gọi, điều phối cuộc gọi đến kíp cấp cứu hoặc tổ chuyên gia tư vấn sức khỏe tâm thần tùy theo tình trạng và nhu cầu tư vấn của người bệnh hoặc thân nhân bệnh nhân.

Khi nhận cuộc gọi, tổng đài 115 sẽ kết nối kíp cấp cứu ngoài hiện trường với tổ chuyên gia tư vấn sức khỏe tâm thần hoặc các chuyên khoa khác khi cần hỗ trợ chuyên môn, kết nối các lực lượng chức năng khác như công an địa phương. Lực lượng điều phối kíp cấp cứu tại trung tâm và các trạm vệ tinh gần nhất nhanh chóng tiếp cận bệnh nhân và vận chuyển an toàn đến bệnh viện. Kíp cấp cứu ngoại viện đến từ trung tâm cấp cứu và mạng lưới trạm vệ tinh sẽ nhanh chóng tiếp cận bệnh nhân, tùy theo tình trạng bệnh, thuyết phục và đưa người bệnh đến Bệnh viện Tâm thần để được chăm sóc và điều trị.