Thời gian qua, thị trường bất động sản TP.HCM dường như tê liệt vì các chính sách thắt chặt tín dụng cũng như điểm nghẽn pháp lý khiến nguồn cung dự án, thanh khoản sụt giảm nghiêm trọng. Hệ luỵ, nhiều doanh nghiệp bất động sản, sàn môi giới phải đóng cửa công ty, cho nhân viên nghỉ Tết sớm và chưa có kế hoạch đi làm trở lại.
Về quê trước ngày 20 tháng Chạp, anh Thanh Tùng - môi giới của một công ty tại TP.Thủ Đức chưa xác định được ngày trở lại thành phố. Anh Tùng cho biết trước Tết một tháng, công ty anh đã cắt giảm 40% nhân sự vì tình hình tài chính khó khăn. Công ty không bán được hàng, ngân hàng không giải ngân nên không có nguồn vốn để duy trì hoạt động. Vì Vậy, lãnh đạo cho nhân viên nghỉ Tết sớm.
"Nhớ lại các năm trước, mùng 6 Tết là tôi đã dẫn khách đi xem đất. Còn năm nay thì thị trường quá ảm đạm. Nếu vào sớm cũng chưa có việc làm, tôi cứ tạm thời ở quê chờ ổn ổn rồi vào", anh Tùng chia sẻ.
Trong khi đó, chị Mỹ Nga - môi giới của một doanh nghiệp địa ốc trên địa bàn quận 12 (TP.HCM) cũng được thông báo nghỉ Tết đến hết tháng Giêng. Đây là kỳ nghỉ Tết dài nhất mà chị Nga trải qua kể từ khi bước chân vào làm môi giới bất động sản.
Ghi nhận cho thấy, nhiều môi giới bất động sản tại TP.HCM bắt đầu nghỉ Tết từ giữa tháng 12/2022. Các nhân viên tự hoạt động kinh doanh theo hình thức không lương, không thưởng Tết và nhận hoa hồng theo giao dịch thành công.
Trong khi các chủ đầu tư cũng phải cắt giảm nhân sự, co cụm bộ máy để tiết giảm chi phí. Bên cạnh một số doanh nghiệp cho nhân viên nghỉ Tết kéo dài 1- 2 tháng thì một số khác chưa hẹn ngày đi làm trở lại.
Chia sẻ với PV Dân Việt, lãnh đạo một công ty môi giới bất động sản tại TP.Thủ Đức cho biết, từ cuối quý 3/2022 đến nay công ty gần như không có giao dịch dù lượng sản phẩm rao bán khá nhiều. Càng duy trì hoạt động thì càng lỗ nên công ty đã quyết định đóng cửa sớm, cho nhân viên mảng kinh doanh về nghỉ tết, bắt đầu từ đầu tháng 12/2022.
Khi được hỏi về thời điểm công ty cho nhân viên đi làm lại, vị này cho hay kế hoạch công ty sẽ cho nhân viên nghỉ Tết 2 tháng. Sau đó, tuỳ thuộc vào diễn biến thị trường mà sẽ thông báo các bộ phần nào đi làm lại. Công ty đang hoạt động cầm chừng nên không thể để nhân viên đi làm 100%.
Trong khi đó, bà T.C - giám đốc một sàn môi giới bất động sản tại TP.HCM cho hay: "Trước Tết Nguyên đán, khối kinh doanh bán không được nên công ty cho khối hỗ trợ bán hàng nghỉ tết sớm. Trong khi bộ phận kinh doanh vẫn cho làm thêm, xem kiếm được thêm khách nào thì kiếm. Không chỉ công ty tôi mà hầu hết các sàn môi giới bất động sản khác đã phải cắt giảm 50 - 70% nhân viên và cho nghỉ tết sớm. Không chỉ cho nghỉ tết sớm mà lương, thưởng cũng cắt luôn. Công ty tôi dự định cho nhân viên trở lại làm từ tháng 3/2023.
Lãnh đạo một công ty bất động sản tại TP.HCM dù đã là tháng 2/2023 nhưng công ty vẫn chưa có kế hoạch cho nhân viên trở lại làm việc. "Thị trường còn ảm đạm quá. Chúng tôi vẫn đang thăm dò, chờ thị trường khởi sắc thì mới thông báo cho nhân viên trở lại làm việc. Vì hiện tại có mở cửa hoạt động thì chỉ tốn tiền mặt bằng, tiền lương nhân sự... chứ chưa thể kiếm ra doanh thu", vị lãnh đạo cho hay.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, thị trường đang rất khó khăn, sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền. Do đó, một số tập đoàn, doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô; dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, công trình; dừng triển khai các dự án mới… Thậm chí một số doanh nghiệp đã phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động, khi giảm đến trên dưới 50%. Điều này đã ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người lao động, nhân viên môi giới. Nhìn rộng ra thì tác động đến vấn đề an sinh xã hội, tác động đến nhiều hộ gia đình.
"Nhiều dự báo năm 2023 thị trường sẽ còn khó khăn nhiều hơn bởi những bất ổn trên thị trường vẫn chưa được giải quyết, những khó khăn về pháp lý cũng như của nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy, đa số các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang "án binh', "hoạt động cầm chừng" để chờ diễn biến thị trường", ông Châu cho hay.
Trong bối cảnh thị trường ảm đạm, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản (VARS) cho rằng môi giới cần phải bình tĩnh và nên tìm một công việc tạm thời để mưu sinh. Bên cạnh đó, có thể tranh thủ thời điểm này để bổ sung kiến thức, hoàn thiện kỹ năng và đạo đức hành nghề.
"Môi giới cần xác định đây chỉ là giai đoạn sụt giảm giao dịch chủ yếu do yếu tố khách quan, còn bản chất thị trường không suy thoái. Do đó, nếu giai đoạn này trau dồi thêm kỹ năng, trình độ thì khi thị trường ổn định trở lại, họ có thể làm việc hiệu quả hơn", vị chủ tịch VARS nói thêm.