Sinh ra từ một vùng quê nghèo nhưng Thu Hồng được bố mẹ dồn tiền cho ăn học cẩn thận và tốt nghiệp đại học. Sau khi tốt nghiệp, Hồng ở lại thành phố làm việc, hy vọng có thể gây dựng sự nghiệp vững vàng. Nhưng thị trường cạnh tranh khốc liệt, không phải muốn mà thành công được ngay.
Nhiều năm lăn lộn ở thành phố, cô vẫn chưa có nhà, công việc chỉ tạm ổn, trong khi cái tuổi nó đuổi xuân đi.
Đến một ngày, Thu Hồng lo lắng nhận ra mình đã thuộc hàng "gái ế" còn bố mẹ thì sốt xình xịch ở nhà chờ cô lấy chồng, sinh con. Nghe lời bố mẹ, cô quyết định về quê tìm mối lấy chồng.
Bạn bè, người thân trong gia đình làm mối cho cô gặp gỡ rất nhiều đàn ông, nhưng gặp qua đến 9 người, Hồng vẫn chưa chốt được ai cả. Thực ra thì tất cả bọn họ đều từ chối cô.
Ở quê, hầu hết những chàng trai đến gặp cô đều xuất thân từ hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có trình độ đại học như cô, hoặc một số đàn ông tử tế thì lại từng một lần đò. Cũng có người chưa bao giờ cưới được vợ, họ đến gặp cô để thử vận may xem thoát ế được không, nhưng rồi đều không quay lại lần thứ hai.
Người đàn ông thứ 9 đến gặp cô là người thật thà, sống nội tâm. Anh ấy chỉ dám liếc nhìn cô từ khóe mắt. Nhìn thấy thái độ anh ấy như vậy trong lòng Thu Hồng đã mất hứng.
Ở thành phố lớn trong hơn mười năm, gặp vô số đàn ông xuất sắc và tự tin, giỏi ăn nói, biết cách ăn mặc chỉn chu, cư xử tao nhã, Thu Hồng thấy người đàn ông trước mặt mình như cậu bé mới lớn, so với những người cô gặp ở thành phố, thực sự là một trời một vực.
Nghĩ đến cảnh "ế" dài lâu, "ế" bền vững của mình, Thu Hồng vẫn cố mở lòng cho bản thân một cơ hội. Cô lại nói chuyện với người thứ 9 như đã nói với 8 người trước đó:
"Nếu anh muốn chúng ta về chung một nhà, em rất sẵn lòng. Nhưng em có 4 yêu cầu cần anh đồng ý, anh làm được em mới cưới".
Ban đầu người đàn ông đó vẫn mỉm cười lắng nghe, cảm thấy Thu Hồng khá thú vị. Nhưng sau khi nghe hết 4 yêu cầu của Hồng, mặt anh ấy tái mét, không bình luận gì thêm mà xin phép ra về, bước đi nhanh còn hơn chạy.
4 yêu cầu của cô như sau:
1. "Phải mua nhà trước khi kết hôn, ngôi nhà do hai vợ chồng đứng tên, toàn bộ là tiền của nhà trai bỏ ra mua, không được đặt cọc hay vay mượn".
2. "Chồng mua cho vợ một chiếc xe ô tô ngay sau khi kết hôn, xe do vợ đứng tên".
3. "Sính lễ ăn hỏi gồm 7 đến 9 tráp tùy tâm nhà trai, nhưng tiền "lễ đen" 100 triệu thì không thể thiếu, số tiền này là để trả ơn nuôi dưỡng của cha mẹ".
4. "Em không thích làm việc nhà nên cần có người giúp việc. Do công việc, em cần ăn mặc đẹp và có thể đi sớm về muộn, chồng không được ý kiến và phải thông cảm cho công việc của vợ, tạo điều kiện cho vợ phấn đấu".
Thu Hồng cho rằng yêu cầu của mình với người chồng tương lai như vậy không có gì quá đáng cả, trong khi bố mẹ cô nghe về 4 yêu cầu đó còn tức giận đến mức tăng huyết áp ngay tại chỗ.
Mẹ cô thậm chí nói rằng cô cần được nhấc khỏi thành phố mang về nhà dạy dỗ lại vì đã quên hết lời mẹ dạy từ khi còn nhỏ về việc làm người phụ nữ thì phải như thế nào.
"Con nghĩ mình là ai mà yêu cầu cao như vậy, mơ mộng viển vông như vậy, xem mắt 9 người rồi mà không thể chốt được ai, con còn chưa muốn tỉnh ra à?", mẹ cô nói.
Thu Hồng cho rằng yêu cầu của cô rất bình thường, là điều mọi phụ nữ khi lấy chồng đều mong muốn. Cô chỉ thừa nhận mình đã sai khi mẹ nói: "Nhìn lại xem, con đã 36 tuổi rồi, bây giờ có người chịu lấy con thì nhà này cũng phải thắp hương khấn tạ tổ tiên. Con nghĩ thằng ngốc nào sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của con - một phụ nữ gần 40 tuổi. Nếu có đủ điều kiện đáp ứng những yêu cầu đó, người ta lấy phụ nữ xinh đẹp, trẻ hơn con hơn chục tuổi rồi".
Những lời mẹ nói tuy thẳng thắn phũ phàng nhưng cuối cùng cũng giúp Thu Hồng nhận ra, chọn bạn đời thì cần nhìn vào tính cách, phẩm chất của người ấy. Điều kiện tài chính chỉ cần không quá tệ thì vợ chồng đều có thể cùng nhau cố gắng kiếm tiền cho sau này.
Hạnh phúc không phải đích đến mà là cả chặng đường. Cùng ở bên nhau, cùng nỗ lực phấn đấu, cùng dành cho nhau những yêu thương, tận hưởng hành trình của hôn nhân với đầy đủ khó khăn thử thách và thành tựu, đó mới là hạnh phúc.