Dân Việt

Cuộc chiến Bầu Đức & VPF: Drama, âm mưu & tình yêu

Nhật Thị 15/02/2023 20:40 GMT+7
Bầu Đức vừa tuyên bố đâm đơn kiện VPF với lý do “chống độc quyền” ngành hàng trong bóng đá. Cuộc chiến này có thể kéo dài nhưng phần thắng chưa chắc thuộc về bầu Đức lẫn VPF.

Phát động “cuộc chiến” để đòi lại… cái tên

Cuộc “xung đột” HAGL với VPF xung quanh chuyện trùng ngành hàng nước tăng lực tưởng chừng đã lắng xuống, khi đôi bên đã đạt được những thoả thuận để trái bóng lăn trên sân Pleiku vào ngày 4/2 thì bầu Đức lại châm ngòi cho một “cuộc chiến” mới. Cụ thể, ông bầu của đội bóng phố Núi tuyên bố sẽ kiện VPF ra toà, vì công ty này cấm HAGL quảng bá nước tăng lực của nhà tài trợ.

Cuộc chiến Bầu Đức & VPF: Drama, âm mưu & tình yêu - Ảnh 1.

Bầu Đức cũng nói rằng, ông đã xem Quyết định ban hành Quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam sửa đổi và bổ sung năm 2023. Trong đó nhấn mạnh, Quy chế không nói gì về chuyện độc quyền nhưng VPF lại nhận tài trợ độc quyền và cấm HAGL không được cạnh tranh cùng ngành hàng. Bầu Đức muốn được “xử” theo luật và để đội bóng được thi đấu, HAGL đã nhượng bộ để được thi đấu và lấy tư cách theo đuổi vụ kiện lấy lại tên cho ngành hàng chủ lực.

Cuộc chiến Bầu Đức & VPF: Drama, âm mưu & tình yêu - Ảnh 2.

Không phải bàn cãi gì nữa, mục tiêu cuối cùng của bầu Đức trong những con tính nhượng bộ, hay tất thảy những gì bằng văn bản qua lại… là để ngành hàng đang tài trợ cho HAGL được xuất hiện một cách chính thống. Có cảm giác, bầu Đức và cộng sự của ông đã chuẩn bị rất kỹ cho “cuộc chiến” này và tự tin những “% chiến thắng” dù có mất thời gian dài đi nữa.

Gậy ông đập lưng ai?

Có một câu chuyện chưa cũ, tại buổi lễ tổng kết V.League năm 2011, Chủ tịch CLB ACB Hà Nội – ông Nguyễn Đức Kiên đã “cướp diễn đàn” khơi mào cho cuộc chiến với LĐBĐ Việt Nam (VFF) mà đứng đầu là Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ. Sau đó, bầu Kiên và các cộng sự tin cậy gồm bầu Đức, bầu Thắng… đã cho ra đời công ty VPF, do các ông bầu thành lập, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tổ chức hai giải đấu lớn nhất của bóng đá Việt Nam là V.League và giải hạng nhất. Sự ra đời của VPF đánh dấu sự thay đổi quyền lực trong làng bóng đá Việt Nam khi các ông bầu, những nhà đầu tư trở thành những người có tiếng nói, có thực quyền.

Bầu Kiên, bầu Đức, bầu Thắng… là những người tiên phong phá vỡ thế độc quyền khi lao vào cuộc chiến bản quyền truyền hình vốn được VFF bán cho AVG tới 20 năm nhưng giá trị được cho rất… bèo bọt. Cho đến khi đôi bên đều phải nhượng bộ và thoả thuận “ngầm” thì cuộc chiến mới rút trong ấm êm.

Rồi bầu Kiên rơi vào vòng lao lý, chỉ còn bầu Thắng, bầu Đức… trên bến dưới thuyền. Đấy là quãng thời gian, bầu Đức xuất hiện nhiều nhất trên “chính trường” bóng đá. Thậm chí, ông bầu của đội bóng phố Núi còn ra “làm quan” khi đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch VPF khoá I và Phó Chủ tịch tài chính VFF khoá VII.

Cuộc chiến Bầu Đức & VPF: Drama, âm mưu & tình yêu - Ảnh 3.

HAGL và VPF xung đột quyền lợi về ngành hàng độc quyền ở V-League. Ảnh: VPF.

Lúc đương nhiệm, không biết vô tình hay hữu ý mà bầu Đức không có ý kiến về chuyện sửa đổi câu chuyện độc quyền trong bóng đá, như lúc cùng chung chiến tuyến với bầu Kiên trong vụ phát động “cuộc chiến” chống độc quyền bản quyền truyền hình? Bây giờ, chính HAGL lại phải rơi vào “cuộc chiến” mà đáng lẽ ra nó phải được xoá sổ kể từ khi bầu Đức còn “làm quan” và thét ra lửa. Kiểu như ông “đuổi” HLV Miura “một nốt nhạc” khiến VFF im thin thít…

Bầu Đức không còn những chiến hữu tầm cỡ như bầu Kiên, bầu Thắng. Bây giờ ông phải một mình một ngựa, phát động “cuộc chiến” chống lại VPF, “đứa con” được lập ra bởi bàn tay ông và nhiều người khác. Bầu Đức không cam tâm nhìn VPF “đè” đội bóng của mình vì độc quyền ngành hàng? Hay vì cái chung của cả nền bóng đá?. Hẳn mỗi người có một lăng kính khác nhau nhưng tựu trung lại đấy là sự xung đột quyền lợi của đôi bên và một “cuộc chiến” bằng giấy tờ, hay bằng “võ mồm” cũng là cái cách để giải quyết. Tuy nhiên, phần thắng chưa chắc đã thuộc về bầu Đức và VPF.

Như một drama…

Chưa phải dắt nhau ra toà và tham gia một cuộc chiến pháp lý, cả hai ngành hàng nước tăng lực tài trợ độc quyền cho V.League và tài trợ cho HAGL đã nổi như như “cồn”. Nói thẳng ra, nó chẳng khác gì một cú “PR” đẳng cấp khi chỉ tiêu tốn mấy tờ A4 và những lần đăng đàn của bầu Đức.

Có vẻ như HAGL còn muốn nhiều hơn như thế? Họ muốn nhà tài trợ được xuất hiện đường đường chính chính thay vì gắn một cái logo và cái tên (không hề vu vơ) như hiện tại. Cho đến thời điểm này, người ta chưa tìm ra lý do “đúng và đủ” để HAGL có thể đâm đơn kiện VPF. Dù sao cũng phải chờ bởi nhiều người tin, những lời bầu Đức nói hẳn không phải cho vui tai và chẳng phải để “nhát ma” VPF.

Đến đây có người hẳn đang liên tưởng bộ phim “Âm mưu và tình yêu” dài loằng ngoằng của Ấn Độ. Người ta có cảm giác, bầu Đức đang tham gia một “drama” với một tình yêu và âm mưu gì đó?. Biết đâu đây là kịch bản, một cú bắt tay còn lớn hơn cả bản hợp đồng 80 tỷ tài trợ trong 2 năm cho HAGL? Và biết đâu, ở tương lai gần thêm một nhà máy sản xuất nước tăng lực nữa xuất hiện tại Việt Nam với sự tham gia của HAGL? hoặc chí ít một sự bảo đảm cam kết tài trợ lâu dài cho đội bóng phố Núi?

Theo nghiên cứu, ngành hàng nước tăng lực tài trợ cho HAGL chỉ chiếm thị phần thứ 2 tại Thái Lan nhưng doanh số bán hàng tại 4 nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam đạt 58% tổng doanh số… Rõ ràng, Việt Nam đang trở thành một thị trường đầy tìm năng, nếu không nó là béo bở với nhà tài trợ từ Thái Lan.

Sau một cú bắt tay là một “drama”; sau một “drama” là một có thể là những con tính từ những kịch bản đã được lập trình. Bầu Đức phát động “cuộc chiến” với VPF, suy đến cùng là nhằm để công ty này sửa đổi lại Quy chế tài trợ độc quyền ngành hàng tại V.League. Đương nhiên, VPF không nhể nhắm mắt “bút phê” bởi luật chơi cần được tôn trọng, trừ khi số đông “người chơi” biểu quyết thay đổi.

Kịch hay phải chờ đến phút cuối, “cuộc chiến” giữa bầu Đức và VPF có ra ngô ra khoai hay không sẽ phải chờ. Thế nhưng, nhiều người hẳn đang nghĩ đến cái kết: Hàng Việt Nam chất lượng cao có thể bị đánh bại chính trên sân nhà. Rõ ràng, câu chuyện kiện tụng, không chỉ dừng lại ở một “cuộc chiến” mà nó còn vượt qua khỏi phạm vi bóng đá.

Ở đó, người ta sẵn sàng phát động một “cuộc chiến” trên bàn giấy hay bất chấp những ngôn từ và cả những drama để phục vụ cho lợi ích kinh tế, lợi ích cá nhân… Nói cho cùng, những điều đã trở nên bình thường khi xung đột kinh tế, nhưng sẽ “bất bình thường” nếu nó trở thành một “trò lố” khiến đại cuộc bị ảnh hưởng.