Cụ thể, trên các diễn đàn, mạng xã hội đang lan truyền chóng mặt một văn bản thông báo có nội dung thay đổi chính sách trả lương đối với cán bộ nhân viên của Tập đoàn Hưng Thịnh và các công ty thành viên bằng.... voucher.
Theo văn bản này, kể từ kỳ lương tháng 1/2023, thu nhập hằng tháng của cán bộ nhân viên được tập đoàn/công ty thanh toán bằng tiền hoặc bằng voucher.
Trong đó, nếu cán bộ nhân viên muốn lãnh lương bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản, công ty sẽ căn cứ kế hoạch dòng tiền để cân đối và chi theo từng đợt từ 30 - 50% mức tiền lương thực lãnh và có thể trễ hơn quy định 2 - 5 tuần làm việc.
Còn cán bộ nhân viên nếu muốn nhận lương đúng ngày ghi trên hợp đồng lao động, đăng ký với trưởng đơn vị và gửi danh sách về khối nguồn nhân lực, về phòng nhân sự công ty thành viên để nhận lương bằng voucher 110% nhân với tiền lương thực lãnh sau thuế và các khoản trích…
Ngoài ra, văn bản này cũng thông tin cụ thể về điều kiện sử dụng voucher, thời hạn sử dụng trong ba năm…
Tuy nhiên, quan sát kỹ sẽ thấy văn bản này không có số, ngày ban hành cũng như có nhiều lỗi chính tả.
Liên quan đến văn bản này, phía Tập đoàn Hưng Thịnh khẳng định, tới thời điểm này, phía doanh nghiệp chưa có thông báo, tin nhắn, kể cả các trao đổi trong các nhóm nội bộ của tập đoàn như văn bản đang lan truyền trên mạng.
Thực tế, từ đầu năm tới nay, một số doanh nghiệp bất động sản đã thông báo mất khả năng thanh toán, không trả nợ gốc, lãi trái phiếu đúng hạn.
Các chuyên gia của FiinRatings cho rằng, thị trường có thể chứng kiến thêm nhà phát hành mất khả năng thanh toán, đặc biệt là doanh nghiệp liên tục tăng cường đòn bẩy trong ít nhất 3 năm qua.
"Hiện tại, doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn là tình hình chung, song đến thời điểm này, Hưng Thịnh vẫn chi trả lương cho người lao động", đại diện Hưng Thịnh chia sẻ.
Có thể thấy, trong bối cảnh tình hình khó khăn chung của thị trường bất động sản như hiện nay, bất cứ thông tin "nhạy cảm" nào lan truyền trên các diễn đàn, mạng xã hội về tình hình khó khăn của doanh nghiệp đều thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Tại Hội nghị tín dụng bất động sản do Ngân hàng Nhà nước chủ trì được tổ chức mới đây, hàng loạt "ông lớn" trong ngành bất động sản như: Hưng Thịnh Land, Novaland… cho biết, kênh huy động trái phiếu khó khăn đang tác động tiêu cực đến dòng tiền và nghĩa vụ trả nợ ngân hàng.
Dù các khoản vay chưa bị chuyển sang nợ xấu, song các doanh nghiệp này lo lắng nếu tình hình không có gì chuyển biến, thì khả năng nhảy nhóm nợ rất dễ xảy ra. Chính vì vậy, doanh nghiệp nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép cơ cấu nợ, tránh tình trạng nhảy nhóm nợ.
Về kết quả kinh doanh, hiện nhà đầu tư cũng chỉ biết đến các kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Incons (Mã chứng khoán: HTN) - một doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Hưng Thịnh, do DN này đã được niêm yết trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của Hưng Thịnh Incons thời gian qua cũng khá ảm đạm.
Cụ thể, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 4/2022 của DN giảm hơn một nửa từ cùng kỳ năm ngoái năm nay chỉ còn 1.215 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp vỏn vẹn 37 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính giảm trong khi chi phí lãi vay tăng mạnh khiến Hưng Thịnh Incons báo lỗ sau thuế 44,6 tỷ đồng trong khi năm ngoái có lãi 98 tỷ đồng.
Nợ phải trả của Hưng Thịnh Incons tăng theo thời gian với 1.400 tỷ đồng trong năm 2022. Tính đến thời điểm cuối tháng 12/2022 nợ phải trả 7.562 tỷ đồng, gấp 5 lần vốn chủ sở hữu, trong đó vay nợ tài chính 2.537 tỷ đồng tăng 575 tỷ đồng. Trong đó Hưng Thịnh Incons phát hành 2 lô trái phiếu 300 triệu đồng với lãi suất 10-10,5% một năm.
Hàng tồn kho tăng mạnh từ 1.083 tỷ đồng lên 1.673 tỷ đồng, tiền mặt giảm từ 428 tỷ đồng chỉ còn 83 tỷ đồng.
Ở bảng cân đối cho thấy, do tăng hàng tồn kho, tăng trả lãi vay đã khiến dòng tiền kinh doanh âm 1.011 tỷ đồng.
Ngày 31/12/2022, tổng tài sản của công ty đạt 9.053 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm, chủ yếu đến từ tăng khoản mục tài sản ngắn hạn. Là đơn vị tổng thầu của hơn 20 dự án đang triển khai trên địa bàn cả nước, công ty ghi nhận tăng các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho trong kỳ với mức tăng lần lượt là 17% và 54%, theo đó tài sản ngắn hạn cũng tăng 19% lên 8.456 tỷ đồng.