Ngày 15/2, lễ ra mắt thư viện ảnh ảo chung của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp và Viện Thông tin Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã được tổ chức tại Hà Nội. Thư viện gồm gần 70 nghìn tấm ảnh được chụp chủ yếu ở Việt Nam và Châu Á từ thế kỷ trước, trong đó có 57.000 tấm ảnh của ISSI và 10.000 tấm ảnh của EFEO Paris.
Viện trưởng Viện thông tin Khoa học Xã hội Vũ Hùng Cường cho biết: Thư viện KHXH lưu trữ các tài liệu rất phong phú, trong đó có các tư liệu kế thừa từ Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp. Trong số các tư liệu này có kho tư liệu 57.000 tấm ảnh phản ánh nhiều khía cạnh đời sống văn hóa, lịch sử, con người, kiến trúc và phong cảnh Đông Dương từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 cho tới những năm 1980, ban đầu là do các thành viên EFEO thực hiện trong quá khứ và tiếp đó là do các nhà nghiên cứu Việt Nam thực hiện từ năm 1954.
Viện Thông tin Khoa học Xã hội và Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp đã cùng triển khai dự án xây dựng trang web tư liệu ảnh EFEO chung hiện đang lưu trữ tại Thư viện KHXH và EFEO Paris. Dự án được triển khai từ 2019 và hoàn thiện tháng 2/2023, đúng dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Pháp - Việt Nam và 30 năm Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp quay trở lại Hà Nội.
Trong khi các tư liệu ảnh của EFEO đã được số hóa và nhập thông tin vào cơ sở dữ liệu, được đăng lên website từ năm 2014, thì tư liệu ảnh của ISSI được dán lên bìa, có ghi chép các thông tin liên quan.
Nhóm chuyên gia EFEO Paris do Tiến sĩ Isabelle Poujou phụ trách đã cùng các cán bộ kỹ thuật và thư viện của Viện Thông tin KHXH tìm giải pháp kỹ thuật thống nhất để phân loại, chú thích, số hóa các bức ảnh giấy.
Tiến sĩ Poujou cho biết: Có 2 khó khăn trong công việc. Thứ nhất 57.000 bức ảnh là số lượng xử lý rất lớn. Thứ hai, làm sao có những chú thích chất lượng. Chú thích phải vừa phù hợp chuẩn hóa lưu trữ hiện đại, vừa chính xác dựa trên thông tin nguyên bản bằng cả tiếng Việt và Pháp, hoặc có trường hợp mất chú thích.
Ngoài ra, nhiều địa danh đã thay đổi theo thời gian nên mất thời gian tìm kiếm, tra cứu. Cuối cùng nhóm nghiên cứu thống nhất đăng tải toàn bộ dữ liệu gốc, có hiệu đính bằng tiếng Pháp và tiếng Việt, cập nhật một số thông tin (địa danh), tạo từ khóa để làm công cụ tìm kiếm hiệu quả…
Giáo sư Nicolas Fieve, Giám đốc Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, đánh giá cao việc thành lập thư viện ảo: “Vấn đề cung cấp các kho lưu trữ ảnh cho các nhà nghiên cứu và công chúng từ lâu đã trở thành vấn đề rất đáng quan tâm của cả Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp và Viện Thông tin Khoa học Xã hội” - ông nói. “Bộ sưu tập ảnh của Viện thông tin KHXH chắc chắn là bộ sưu tập ảnh khoa học phong phú và lâu đời nhất của Việt Nam”.
Ông cho biết, trong thời đại công nghệ số, việc số hóa các nguồn và khả năng tiếp cận thông tin tức thì là điều đã thúc đẩy ban giám đốc của ISSI và EFEO khởi xướng dự án giới thiệu trực tuyến các bộ sưu tập được kế thừa và sở hữu này. Ông khẳng định thư viện ảo sẽ nhanh chóng trở thành nguồn thông tin vô cùng hữu hiệu với các nhà nghiên cứu và công chúng.
Có thể truy cập thư viện ảnh ảo tại đây.
Các tấm được phân chia theo các quốc gia, trong đó ảnh về Việt Nam là nhiều nhất với hơn 37 nghìn tấm ảnh, Campuchia gần 12 nghìn tấm Trung Quốc hơn 2.700 tấm, ngoài ra còn ảnh ở Lào, Thái Lan, pháp, Nga, Indonesia, Nhật Bản, Đức, Cuba…
Các bức ảnh cũng được phân chia theo lĩnh vực, nhiều nhất là văn hóa với hơn 15.000 tấm, khảo cổ học hơn 9.000 tấm, dân tộc học, chính trị, thời sự, lịch sử, địa lý, kinh tế, quân sự, tôn giáo, khoa học kỹ thuật…
Có 100 bức ảnh được lưu ý là ảnh gây sốc, đã được làm mờ và có thể yêu cầu quyền truy cập đặc biệt.
Trong phần giới thiệu về thư viện ảnh ảo, được biết Đặc biệt, các bức ảnh chụp các di chỉ, hiện vật khảo cổ, các quá trình khai quật, khu vực khai quật tại một số vùng miền ở Việt Nam (hơn 3.000 ảnh), ảnh chụp các di tích văn hoá, di chỉ hiện vật nghệ thuật Chăm, các tháp ở Thánh địa Mỹ Sơn (hơn 2.000 ảnh, trong đó có ảnh một số tháp hiện nay không còn nữa)… là những tư liệu lịch sử rất có giá trị đối với công tác nghiên cứu.
Các triển lãm giới thiệu một phần bộ sưu tập đang được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội. Triển lãm tại ĐSQ Pháp sau đó sẽ được đưa về Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.