Bộ Văn hóa Peru mới đây thông báo Thành cổ Machu Picchu của người Inca - viên ngọc quý trong số các danh thắng ở Peru - đã mở cửa trở lại vào ngày 15/2 sau 25 ngày đóng cửa do các cuộc biểu tình làm rung chuyển đất nước kể từ tháng 12 năm ngoái.
Các thỏa thuận đã được thực hiện giữa chính quyền, các nhóm xã hội và ngành du lịch địa phương để đảm bảo an ninh tại điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng.
Các cuộc biểu tình kêu gọi Tổng thống Dina Boluarte và các thành viên Quốc hội Peru từ chức đã làm "rung chuyển" khu vực này trong hơn hai tháng. Nhiều cuộc biểu tình đã gây ra phong tỏa đường ray xe lửa dẫn đến thành đá.
Các cuộc biểu tình đã khiến 60 người thiệt mạng, cụ thể có 48 thường dân thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh; 11 thường dân thiệt mạng trong các vụ tai nạn giao thông liên quan đến phong tỏa đường bộ; và một cảnh sát đã chết bên trong một chiếc xe tuần tra bị phóng hỏa.
Việc đóng cửa Machu Picchu vào ngày 21/1 đã buộc chính phủ phải di chuyển hơn 400 khách du lịch từ Machu Picchu đến thành phố Cusco bằng trực thăng.
Du lịch rất quan trọng đối với nền kinh tế Peru, quốc gia vốn thu hút 4,5 triệu lượt du khách mỗi năm.
Machu Picchu được người Inca xây dựng vào thế kỷ 15 như một thánh đường tôn giáo trên dãy núi Andes. Mỗi ngày có khoảng 4.000 lượt du khách đi qua thành phố Cusco của Peru, cửa ngõ để khám phá Machu Picchu cũng như các tàn tích khác của người Inca xung quanh thánh địa này.
Machu Picchu là di sản cổ xưa nhất của đế chế Inca từng cai trị một vùng rộng lớn phía Tây Nam Mỹ trước khi diễn ra cuộc chinh phạt của người Tây Ban Nha vào thế kỷ XVI.
Tàn tích khu định cư của người Inca đã được nhà thám hiểm người Mỹ Hiram Bingham phát hiện vào năm 1911.
Machu Picchu được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1983 và được cộng đồng quốc tế bình chọn là một trong 7 kỳ quan thế giới trong năm 2007.
Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, "thành phố đã mất của người Inca" đón khoảng 3.000-5.000 lượt khách tham quan mỗi ngày.