Dân Việt

Cổ phiếu VNZ "lau sàn", trắng bên mua sau 11 phiên tăng trần liên tiếp

An Vũ 17/02/2023 13:45 GMT+7
Sau 11 phiên thăng hoa và trở thành cổ phiếu đắt nhất lịch sử, sáng nay, cổ phiếu VNZ của Công ty CP VNG đã lao dốc, dư bán sàn 7.200 cổ phiếu và trắng bên mua.

Tạm đóng cửa phiên giao dịch sáng 17/2, cổ phiếu VNZ đã nằm sàn xuống 1.219.500 đồng/cổ phiếu, dư bán sàn 7.200 cổ phiếu và trắng bên mua. Với giá này, VNZ hiện vẫn là cổ phiếu đắt nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam.

Trước đó, trong phiên ngày 16/2, VNZ đã chính thức đứt chuỗi 11 phiên tăng trần liên tiếp khi ghi nhận phiên giảm giá đầu tiên. Kết phiên 16/2, cổ phiếu đắt nhất lịch sử này giảm 4,32% xuống 1,3 triệu đồng/cp. Trong khi đó, khối lượng giao dịch hôm qua của VNZ là 10.600 đơn vị, cao nhất từ khi cổ phiếu lên sàn. Như vậy, những nhà đầu tư"lên thuyền" trong phiên hôm qua thì sáng nay đã ''bay" ít nhất 15%.

Cổ phiếu VNZ "lau sàn", trắng bên mua sau 11 phiên tăng trần liên tiếp - Ảnh 1.

Cổ phiếu VNZ trắng bên mua tại phiên giao dịch sáng 17/2 và dư bán sàn 7.200 cổ phiếu.

Pha "quay xe" giảm giá bất ngờ diễn ra chỉ 1 ngày sau khi VNZ ra văn bản giải trình lần 2 (15/02) cho việc giá cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp tính từ ngày 08/02. Giải trình về đà tăng "nóng" của cổ phiếu VNZ thời gian qua, VNG đã đưa ra "văn mẫu" tương tự hầu hết các cổ phiếu khác. 

VNG cho biết, giá cổ phiếu VNZ tăng hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu cung - cầu của thị trường chứng khoán và thị hiếu, nhu cầu, đánh giá của nhà đầu tư. Công ty không có bất kỳ sự can thiệp hay kiểm soát nào đối với diễn biến giá cổ phiếu VNZ trong thời gian qua.

Từ đầu tháng 2/2022, VNZ trở thành tâm điểm của thị trường, với chuỗi 11 phiên tăng trần. Không những phá vỡ kỷ lục thị giá đắt đỏ nhất sàn chứng khoán được giữ bởi BMC từ năm 2007, VNZ còn là cổ phiếu đầu tiên trong một phiên tăng trên 130.000 đồng/cp. Con số cao hơn thị giá của hầu hết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Đặc biệt, VNZ đã trở thành cái tên đầu tiên trong lịch sử chứng khoán Việt Nam chạm đến mức thị giá hơn 1,3 triệu đồng/cổ phiếu. Vốn hóa của VNG có thời điểm đạt gần 39.0000 tỷ đồng.

Nhận định về hiện tượng cổ phiếu VNZ, trên báo chí, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta nhận định, bản chất thị trường chứng khoán là cung cầu, phản ánh vào thanh khoản. Với VNZ, cổ phiếu đi lên không có thanh khoản, thì rủi ro cho người mua là không biết bán cho ai.

"Nếu cổ phiếu cứ giảm giá mà thanh khoản không có, mẫu hình cây thông sẽ xuất hiện. Đây là mẫu hình đã xuất hiện ở nhiều cổ phiếu từng "làm mưa, làm gió" trên thị trường. Đến giai đoạn phân phối tạo đỉnh, người mua lướt sóng vội vàng bán ra thì không có thanh khoản", ông Minh đánh giá.

Chuỗi tăng của cổ phiếu VNZ diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh doanh của "kỳ lân" công nghệ đầu tiên của Việt Nam không mấy tươi sáng. Điều này khiến thêm thị trường càng thêm sửng sốt.

Trong quý IV/2022, Công ty ghi nhận doanh thu thuần tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2021 lên 2.036,7 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế âm 547,4 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.800,6 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm trước, lỗ sau thuế 1.315,4 tỷ đồng, năm 2021 lỗ 71 tỷ đồng. Đây là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của công ty này.