Mở cửa phiên giao dịch sáng ngày 13/2, cổ phiếu VNZ của Công ty CP VNG - kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam tiếp tục "tím lịm" lên 1.027.400 đồng/cổ phiếu. Đây là phiên thứ 9 tăng trần liên tiếp của của cổ phiếu VNZ, và chính thức trở thành cổ phiếu có thị giá đắt nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam.
Nhờ mạch tăng này, vốn hóa thị trường của VNG đã đạt mức 29.500 tỷ đồng, tương đương hơn 1,25 tỷ USD. Trước đó, VNZ phá kỷ lục thị giá đắt đỏ nhất sàn chứng khoán được giữ bởi BMC từ năm 2007.
Năm 2019, VNG đã được quỹ đầu tư Temasek định giá lên tới 2,2 tỷ USD (tương đương 1,8 triệu đồng/cp). Năm 2021, VNG vẫn được định giá cao "ngất ngưởng" khi Công ty QLQ Mirae Asset mua cổ phần với giá 1,7 triệu đồng/cp.
Trước đó, sau 8 phiên tăng kịch trần, Công ty cho rằng, giá cổ phiếu tăng hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu của thị trường chứng khoán và thị hiếu, nhu cầu, đánh giá của nhà đầu tư. VNG khẳng định không có bất kỳ sự can thiệp hay kiểm soát nào đối với diễn biến của giá cổ phiếu trong thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó, hiện tại, hoạt động kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường, không có bất kỳ biến động nào từ việc tăng giá cổ phiếu.
Sở hữu 3,53 triệu cổ phiếu VNZ, giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của ông Lê Hồng Minh - CEO VNG đã đạt ngưỡng 3.600 tỷ đồng, tăng thêm hơn 2.700 tỷ từ đầu tháng 2.
Các mảng kinh doanh chính của VNG tập trung vào games, nền tảng kết nối, thanh toán điện tử, tiêu biểu như Zalo, Zing MP3, ZaloPay, VNG Cloud… Ngoài ra, VNG cũng đang đầu tư mạnh tay cho trí tuệ nhân tạo (AI) và các xu hướng công nghệ, startup giàu tiềm năng.
Với 35,8 cổ phiếu VNZ của công ty chính thức giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 5/1/2023 với giá 240.000 đồng/cp. Trước đó, trong thông báo ngày 28/11/2022, VNG cũng đã chốt danh sách cổ đông để làm thủ tục đăng ký chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam và đăng ký giao dịch tại UPCoM.
Về tình hình kinh doanh, trong quý IV/2022, Công ty ghi nhận doanh thu thuần tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2021 lên 2.036,7 tỷ đồng, giá vốn bán hàng giảm nhẹ xuống 1.119 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp tăng 19% lên 917,5 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính giảm 51,7% xuống 27,8 tỷ đồng; lỗ trong công ty liên kết gần 40 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 11 tỷ đồng. Chi phí bán hàng ghi nhận 699,4 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận 448,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 4% và 22,8% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế cả năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.800,6 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm trước, lỗ sau thuế 1.315,4 tỷ đồng, năm 2021 lỗ 71 tỷ đồng. Đây là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của công ty này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.