Ngày 16/2, Văn phòng UBND TP. Hà Nội đã lấy phiếu khảo sát trực tuyến để xin ý kiến giáo viên về việc thi 3 hay 4 môn trong kỳ thi vào lớp 10kỳ thi vào lớp 10.
Nội dung phiếu nêu rõ: "Để tiếp tục thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện ở bậc THCS theo quy định của Luật Giáo dục, thầy cô giáo lựa chọn phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024 sau: 1. Thi 3 môn gồm: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; 2. Thi 4 môn gồm: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và môn thứ tư (bốc thăm). Ngoài ra, thầy cô có thể đưa ra ý kiến khác (nếu có)". Chiều cùng ngày, hệ thống khảo sát trực tuyến đã được khóa lại để thực hiện công tác tổng hợp, báo cáo.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, đây là khảo sát do UBND thực hiện, nên kết quả cũng do cơ quan này thống kê. "Dự kiến đầu tuần tới, kế hoạch tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội năm 2023, trong đó có phương án thi vào lớp 10 sẽ được thành phố quyết định", lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết.
Hiện nay, việc thi 3 hay 4 môn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vẫn đang là chủ đề thu hút sự quan tâm của dư luận.
Từ năm 2019, sau hàng chục năm chỉ thi hai môn Toán và Ngữ văn, lần đầu tiên Hà Nội tổ chức thi bốn môn bắt buộc tuyển sinh lớp 10, thêm Ngoại ngữ và môn thứ tư (được chọn ngẫu nhiên trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Giáo dục công dân và Địa lý). Điểm xét tuyển được tính theo công thức: Điểm xét tuyển = (Điểm Toán + Điểm Ngữ văn) x 2 + Điểm Ngoại ngữ + Điểm bài thứ tư + Điểm ưu tiên.
Bước sang năm 2020, 2022, do tác động của Covid-19, học sinh Hà Nội phải ở nhà, học trực tuyến trong thời gian dài, thành phố quyết định giảm bài thi thứ tư. Kỳ thi vào lớp 10 THPT chỉ còn ba môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.
Khi đó, điểm xét tuyển = (Điểm Toán + Điểm Ngữ văn) x 2 + Điểm Ngoại ngữ + Điểm ưu tiên. Như vậy, trong bốn năm thực hiện kế hoạch mới để tuyển sinh vào lớp 10, Hà Nội mới tổ chức thi môn thứ tư được hai lần (năm 2019 và 2021). Môn được chọn đều là Lịch sử.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, việc thi 4 môn vào lớp 10 để tránh tình trạng học sinh học lệch, học tủ. Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng, theo chương trình cũ, việc thi 4 môn là hợp lý, vì học sinh phải học tất cả môn ở bậc THPT, nhưng với chương trình mới theo định hướng nghề nghiệp, khi vào cấp 3, nhiều môn các em không còn theo học, vì thế học sinh không nhất thiết học tất cả các môn lựa chọn.
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội thì cho rằng, định hướng giáo dục bậc THPT đang thay đổi theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc thi 4 môn không còn phù hợp với thực tế hiện nay. Nhiều em định hướng chọn theo học khối xã hội khi lên cấp 3, nhưng khi thi vào lớp 10 thì môn thi thứ 4 lại thuộc khối tự nhiên.
"Điều này khiến học sinh vất vả ôn thi, tốn thời gian, điểm không cao như kỳ vọng, thậm chí có thể trượt lớp 10 vì điểm môn thứ 4 thấp. Trong khi, lên lớp 10 - chương trình mới, thì các em không học môn tự chọn khối tự nhiên đó", TS. Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm.
Theo thống kê sơ bộ của Sở GD&ĐT Hà Nội, số lượng học sinh lớp 9 năm học 2022-2023 là khoảng hơn 100.000 em, nhiều hơn so với năm học trước vài trăm em. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn khẳng định, chủ trương được TP. Hà Nội kiên trì từ nhiều năm nay là, bảo đảm đủ chỗ học cho tất cả học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, có nguyện vọng học tiếp ở cấp trung học phổ thông. Ngoài các trường công lập, thành phố còn có các trường công lập tự chủ, trường tư thục, trung tâm GDNN-GDTX, hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu học tập ở cấp trung học phổ thông của học sinh.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, việc phân bổ chỉ tiêu lớp 10 cho các loại hình trường năm học 2023-2024 vẫn cơ bản ổn định như năm học trước. Dự kiến, tháng 4/2023, Sở sẽ công bố chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 của từng trường.